Một số các CEO cao cấp đã giảm tiền lương của họ xuống chỉ còn 1 đô la Mỹ mỗi năm. Nhưng liệu điều này có phải là một sự hi sinh như nhiều người lầm tưởng hay không?

Trong vài thập kỷ qua, một tình trạng kì lạ đã xuất hiện: ngày càng có nhiều CEO nổi tiếng giảm mức lương bằng tiền mặt của họ xuống còn 1 đô la mỗi năm (93 cents sau khi trừ thuế).

Các CEO nổi tiếng ở Silicon Valley đang làm điều này bao gồm Mark Zuckerberg (CEO, Facebook), Evan Spiegel (CEO, Snapchat), Jack Dorsey (CEO, Twitter), và Larry Page, CEO vừa rời khỏi Alphabet, Inc.

Việc giảm lương này thường mang tính biểu tượng, được các CEO sử dụng với mục đích thể hiện sự chung tay đồng lòng với các cổ đông trong công ty để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, các CEO còn trở thành một tấm gương sáng để các nhân viên khác học tập.

Nhưng sự thật là mức lương 1 đô la này không hề đơn giản như mọi người nhìn thấy.

Nguồn gốc của mức lương 1 đô la

Vào đầu những năm 1940, khi nước Mỹ trong giai đoạn cố gắng thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong lúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra, một số nhà lãnh đạo kiệt xuất như Philip Reed - CEO của GE và William S. Knudsen - chủ tịch General Motors đã cung cấp dịch vụ của họ miễn phí cho chính phủ. Tuy nhiên, luật pháp cấm Washington thuê các tình nguyện viên mà không trả lương, những người này đã được đề nghị trả mức lương 1 đô la. Họ được mệnh danh là ‘những người đàn ông 1 USD/ năm’.

Nhiều thập kỷ sau, khái niệm này đã được một nhóm CEO mới trong khu vực kinh tế tư nhân áp dụng. Đây không phải là một cử chỉ hi sinh như trong thời chiến tranh, mà là một động thái hướng đến các cổ đông trong công ty.

Người dẫn đầu xu hướng này là Lee Iacocca - CEO của Chrysler Corporation.

Năm 1979, Chrysler - một trong 3 công ty ô tô lớn nhất Mỹ, đang ở trong tình trạng vô cùng tồi tệ. Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu mỏ, họ đã phải vật lộn tìm vốn để giải quyết thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, nhu cầu về những chiếc xe nhỏ hơn và cạnh tranh gia tăng ở nước ngoài.

Iacocca đã quyết định yêu cầu chính phủ giúp đỡ. Để thể hiện quyết tâm của mình, vị CEO này đã cắt giảm lương của của bản thân xuống còn 1 đô la.

Khi Chrysler nhận được 1,5 tỷ đô la từ các khoản vay liên bang và tình hình của công ty đã ổn định, Iacocca đã được xem như một ‘tấm gương tiêu biểu’ cho ‘tinh thần hi sinh’. Từ đó trở đi, mức lương 1 đô la trở thành một hình thức quảng bá trong giới CEO về việc họ sẵn sàng cắt giảm lương trong thời điểm khó khăn của công ty.

Trong thời kỳ dot-com đầu những năm 2000, một số CEO đã gia nhập vào hàng ngũ ‘1 USD/năm’.

Steve Jobs đã cắt giảm lương của mình xuống 1 đô la ngay sau khi tái gia nhập Apple và giữ nguyên mức lương này trong hơn một thập kỷ. James Barksdale (Netscape), John Chambers (Cisco), Tom Siebel (Siebel Systems) và Larry Ellison (Oracle) đã nhanh chóng tiếp bước.

Đến năm 2006, hành động này đã trở thành một xu hướng mới trong giới công nghệ. Nhưng ‘sự hy sinh’ của những CEO này khác xa so với việc các CEO trong những năm 1940 đã làm.

Các CEO của trước kia kiếm được ít tiền hơn và phần lớn trong số đó tồn tại dưới dạng tiền lương. Ngược lại, tiền lương chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số tiền thu nhập của các CEO hiện nay; phần còn lại thường là cổ phiếu và cổ phần của công ty. Chẳng hạn, Jeff Bezos đã tự trả cho mình mức lương 81.840 đô la vào năm 2018, nhưng giá trị cổ phần tại Amazon của ông đã tăng thêm 24 tỷ đô la, khiến ông trở thành người đàn ông duy nhất trên thế giới có giá trị tài sản ròng lên đến 12 chữ số.

Mặc dù mức lương 1 đô la thường được ca ngợi là một hành động hi sinh, nhưng sự thật là hình thức bồi thường thay thế thường mang lại lợi ích cá nhân nhiều hơn so với những gì mà họ đã bỏ ra.

Sự thật về mức lương 1 đô la

Nghiên cứu cho thấy rằng nhiều CEO có mức lương 1 đô la sẽ được thưởng bằng các gói chứng khoán, cổ phần hoặc thậm chí là vượt trội hơn so với khoản tiền lương mà họ đã hi sinh.

Một nghiên cứu năm 2011 trên 50 CEO đã kết luận rằng: trung bình khi CEO nhận mức lương 1 đô la thay cho 610 ngàn đô la, họ sẽ kiếm được 2 triệu đô la trong các hình thức bồi thường thay thế mà chúng ta không thể nhìn thấy.

Một nghiên cứu tương tự đã đánh giá mức lương của các CEO 1 đô la so với các CEO nhận mức lương bình thường và nhận thấy rằng, trong khi các CEO 1 đô la kiếm được ít hơn khoảng 1,6 triệu đô la so với các đồng nghiệp trong tổng số tiền thanh toán, nhưng cuối cùng họ kiếm được 3,5 triệu đô la bằng các hình thức bồi thường thay thế.

Điển hình là Steve Jobs đã nhận mức lương 1 đô la mỗi năm từ năm 1997 đến năm 2011 - tức tổng số mức lương bằng tiền mặt trong chừng đó năm của ông là 15 đô la. Trong cùng thời gian đó, giá trị cổ phiếu của ông đã tăng từ 17,5 triệu đô la lên 2,2 tỷ đô la và Apple đã thưởng cho ông một chiếc máy bay riêng trị giá 90 triệu đô la. Chỉ riêng trong năm 2007, ông đã thu về 647 triệu đô la từ cổ phiếu bị hạn chế, theo hồ sơ của ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ.

Một số ví dụ khác là Larry Ellison (CEO của Oracle) - người đã tự trả cho mình 1 đô la nhưng đã kiếm được hơn 77 triệu đô la bằng các hình thức bồi thường khác, Steve Kean (CEO của Kinder Morgan) nhận mức lương 1 đô la nhưng được trao tặng cổ phiếu trị giá 16 triệu đô la, và Richard Fairbank (CEO của Capital One) đã nhận 0 đô la tiền lương nhưng thu về lượng cổ phiếu trị giá khoảng 13 triệu đô la cùng số tiền thưởng trị giá 4,2 triệu đô la.

Ở đây chúng ta không đề cập đến các CEO của các công ty khởi nghiệp nhỏ. Các CEO có mức lương 1 đô la thường là những người rất giàu: 30% nằm trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của tạp chí Forbes, và phần lớn trong số họ giữ cổ phần vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều trong công ty của họ so với các CEO thông thường.

Tinh thần rất ‘hi sinh’ của các CEO này cũng có xu hướng hết hạn khá nhanh, với thời gian trung bình kéo dài khoảng 3 năm. Ví dụ, Meg Whitman đã nhận mức lương 1 đô la khi lên làm CEO của HP vào năm 2011, nhưng đến năm 2013, mức lương của cô đã trở lại 1,5 triệu đô la mỗi năm.

Và chúng ta cũng phải kể đến Lee Iacocca - người dẫn đầu xu hướng này. Đến năm 1983, ông là người được trả lương cao nhất ở Mỹ với mức lương 20,5 triệu đô la.

Một trong những lợi ích dễ nhận thấy nhất của mức lương 1 đô la là nó phù hợp với mục tiêu của một CEO để đạt được sự lãnh đạo tốt hơn và giúp công ty hoạt động mạnh mẽ hơn. Nhưng điều này không đúng hoàn toàn.

Trên thực tế, các công ty được điều hành bởi các CEO 1 đô la nhìn thấy lợi nhuận trên tài sản (ROA) và thu nhập thấp hơn 1% mỗi tháng so với các công ty khác. Việc cắt giảm lương không thực sự có liên quan đến việc cải thiện khả năng lãnh đạo theo bất kỳ cách có ý nghĩa nào.

Tất nhiên, các CEO có động cơ khác nhau để nhận mức lương 1 đô la. Nhưng có vẻ như lợi ích cá nhân đóng một vai trò trong một số trường hợp. Một nhà phân tích đã phát biểu trên tờ Atlanta Constitution vào năm 2007 rằng: “Họ rất sẵn lòng đánh đổi thu nhập ngắn hạn để nhận được một khoản thu nhập dài hạn”.

1 USD hay 1%?

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, mức lương 1 đô la đóng vai trò như một chiến lược quảng cáo xuất sắc và nghệ thuật đánh lạc hướng. Trong thời gian gần đây, việc nhận một mức lương thấp hơn đã trở thành một cách để ngụy trang cho cho sự chênh lệch giàu nghèo.

Kể từ năm 1978, lương CEO đã tăng 940%. Trong cùng khoảng thời gian đó, mức tăng lương của đại đa số chúng ta chỉ tăng lên 11,9%. Lương CEO trung bình ở Mỹ cao gấp 278 lương của công nhân bình thường.

Phần lớn sự giàu có này đến từ cổ phiếu và cổ phần mà CEO nhận được, và những khoản này thường bị đánh thuế ở mức thấp hơn thu nhập từ tiền lương.

Tệ hơn nữa, nhờ một đạo luật năm 1993 được Quốc hội Mỹ thông qua, tiền lương dựa trên hiệu suất có thể được khấu trừ từ thu nhập chịu thuế của công ty. Khi các CEO nhận một mức lương nhỏ và chuyển phần lớn số tiền bồi thường của họ thành cổ phần, họ có thể tối ưu hóa thu nhập của mình.

1 đô la Mỹ tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng thật sự nó không nhỏ như vậy đâu. Vì vậy nếu tương lai có ai đó nói với bạn rằng 1 đô la chẳng làm được điều gì, hãy nói anh ta trở thành 1 CEO thử đi.

Linh Nguyễn Lê (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.