CEO đưa ra một quyết định táo bạo với mô hình tinh gọn, nhờ vậy vẫn thu về doanh thu khoảng 2-2,5 tỷ đồng/tháng.

Bước chuyển đổi

Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch Covid-19 lần này ảnh hưởng rất nhiều đến người kinh doanh, nhưng những doanh nghiệp đã đầu tư cho các kênh online từ trước thì mức độ ảnh hưởng sẽ ít hơn là điều chắc chắn. Đơn cử như câu chuyện của Vũ Minh Trà, ông chủ của Shoptida, đã thích ứng rất nhanh trước diễn biến bất ngờ ập tới.

Học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc và Mỹ, Vũ Minh Trà đưa ra một quyết định táo bạo: chuyển sang mô hình bán hàng thẳng từ nhà máy. Anh lần lượt đóng cửa các cửa hàng.

Đến giữa năm 2019, địa điểm cuối cùng tại Hà Nội dừng hoạt động, dù trước vẫn ghi nhận doanh thu vài trăm triệu một tháng và có lợi nhuận. Minh Trà bắt đầu kinh doanh từ năm 2014. Ông chủ này đã phát triển nhiều thương hiệu, có hai kho ở Hà Nội và Sài Gòn, vận hành chuỗi 5 cửa hàng, có văn phòng riêng.

Phản ứng nhanh, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của Covid-19

Tận dụng thế mạnh của các sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp cắt giảm nhiều chi phí. Đơn cử như trên một sàn online, startup này chỉ cần 1 nhân sự quản lý, chuyển hàng tới kho của đơn vị thương mại điện tử. Trong khi đó, chi phí chăm sóc khách hàng, đổi trả vận chuyển được hỗ trợ tối đa. Doanh thu bán hàng trên một sàn TMĐT vẫn đạt 600 triệu đồng/tháng.

Theo ông Minh Trà, hình thức bán hàng F2C (Factory to Customers) và D2C (Direct to Customers) đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh mùa dịch như hiện nay vì nó giúp tiết giảm chi phí chiết khấu trả cho bên trung gian, vốn chiếm khoảng 30%. Từ đó, giá thành cũng được giảm theo tỷ lệ tương đương, thúc đẩy doanh số và đồng thời nhận được nhiều đánh giá tích cực của khách hàng hơn.

Chuyển dịch sang thương mại điện tử cũng giúp cắt giảm nhiều chi phí khác như chăm sóc khách hàng, vận hành hay vận chuyển, đổi trả. Đặc biệt là ngân sách marketing. Với kênh bán hàng trên facebook, doanh nghiệp phải mất 5% doanh thu để quảng cáo. Khi chuyển qua sàn TMĐT sẽ giảm chi phí này. Nhờ cắt giảm các chi phí nên giá thành sản phẩm không quá cao, đây là một yếu tố quan trọng.

Theo đó, doanh nghiệp vẫn thu về doanh thu khoảng 2-2,5 tỷ đồng/tháng. Không những thế, khi dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao thì doanh thu của Shoptida vẫn tăng trưởng đều đặn 30%.

Chia sẻ nguyên tắc giúp doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều với dịch bệnh, ông Vũ Minh Trà đưa ra 3 nguyên lý: giá hợp lý, thời gian ship nhanh và tồn kho nhiều. Nhiệm vụ cho tất cả những ai muốn kinh doanh TMĐT lâu dài và bền vững đó là phải tăng quy mô, giảm chi phí.

Tận dụng công nghệ để đi nhanh hơn

Đánh giá về việc chuyển đổi từ buôn bán cửa hàng lên các kênh online trong bối cảnh cấp thiết như hiện nay, trao đổi với PV.VietNamNet, CEO Sapo Trần trọng Tuyến cho rằng, để lên online nhanh nhất, doanh nghiệp cần nhìn nhận rõ ràng xem mình cần gì, điều gì là phù hợp nhất với mô hình kinh doanh sẵn có và nguồn lực của mình.

Sau đó mới tính đến chuyện lựa chọn nền tảng nào để hỗ trợ bạn lên online một cách nhanh chóng. Lúc này, các phần mềm hỗ trợ sẽ giống như người đồng hành với doanh nghiệp từ A đến Z.

Tận dụng công nghệ để đi nhanh hơn

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Tuyến cho rằng, không có một công thức chung hay một hướng đi nào hiệu quả với tất cả doanh nghiệp. Xuất phát từ ngành hàng đang kinh doanh, quy trình vận hành và các yếu tố nguồn lực khác của doanh nghiệp mà sẽ có hướng đi phù hợp cho mỗi doanh nghiệp.

Ông lấy dẫn chứng, nếu bán đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm tầm trung thì Shopee, Sendo là các kênh hiệu quả. Nhưng nếu kinh doanh điện máy, hàng có giá trị cao một chút thì hãy cân nhắc bán trên Tiki hoặc Lazada.

Theo ông Tuyến, thời gian này cần đi nhanh nên doanh nghiệp hãy dành nguồn lực vào các hoạt động hiệu quả ngay. Sản phẩm nào bán chạy thì tích cực bán, sản phẩm nào ra hiệu quả tốt thì đầu tư mạnh vào đó. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ thông tin, báo cáo chi tiết, lúc cần có thể truy vấn ngay lập tức.

“Hãy tận dụng công nghệ để đi nhanh hơn”, ông Tuyến nói. Ông Tuyến cho hay, các doanh nghiệp hiện nay kinh doanh online thường sẽ bán hàng đa kênh luôn, vừa Facebook, vừa Shopee, Lazada,... Thế nên khối lượng công việc hàng ngày cần xử lý rất nhiều.

Công nghệ sẽ giúp nhà bán hàng tối giản thao tác, tiết kiệm thời gian từ đó nâng cao hiệu suất. Thay vì phải xử lý đơn hàng trên từng kênh bán hàng, thì phần mềm sẽ giúp bạn gom hết tất cả về một chỗ và bạn chỉ cần quản lý tại một nơi.

“Dù kinh doanh truyền thống hay online thì “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, xác định điều gì phù hợp với bản thân doanh nghiệp để chọn ra hướng đi của riêng mình luôn là điều quan trọng nhất. Sau đó, hãy tập trung vào thứ đem lại hiệu quả tốt nhất và tận dụng công nghệ để tiết kiệm thời gian, nguồn lực”, ông nhận định.

Duy Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.