Cập nhật 18/06/2020 2:25 PM
Sự hồi phục yếu ớt của kinh tế Trung Quốc cho thấy phần còn lại của thế giới sẽ phải đối mặt với một con đường "rất dài".

Con đường hồi phục đối với nền kinh tế toàn cầu là rất gập ghềnh

Tất cả các dữ liệu hàng đầu đều cho thấy sản lượng, chi tiêu và đầu tư vào các nhà máy Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong tháng 5. Tuy nhiên, chỉ có một vài dấu hiệu cho thấy sự cải thiện trên quy mô lớn nhằm thúc đẩy đà phục hồi hình chữ V.

Điều đáng lo ngại cho nền kinh tế toàn cầu là nếu Trung Quốc thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, vẫn không thúc đẩy mọi hoạt động nhanh chóng trở lại bình thường, thì liệu ở đâu có thể làm được điều này? Mối lo ngại này càng được củng cố rằng làn sóng đại dịch thứ hai sẽ bùng phát trở lại bởi những ổ dịch mới phát hiện ở Bắc Kinh.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Shaun Roache nhận định: “Kinh nghiệm của Trung Quốc đến nay cho thấy rằng con đường hồi phục đối với nền kinh tế toàn cầu là rất gập ghềnh.” Ông cũng lưu ý rằng, niềm tin của người tiêu dùng và các công ty tư nhân tại Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Ông Roache cho biết thêm: “Chúng tôi mong đợi sự phục hồi sẽ diễn ra từ nửa cuối năm, nhưng có thể sự gia tăng nhu cầu trở lại sẽ không như kỳ vọng.”

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện khi mà giá nhà mới tăng với tốc độ nhanh nhất từ trong vòng bảy tháng vào tháng 5 vừa rồi do kiểm soát được dịch bệnh. Trong khi đó, những số liệu quan trọng khác cũng cho thấy sự cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, sự yếu kém dai dẳng trong đầu tư ở khu vực tư nhân và tâm lí cảnh giác của người tiêu dùng nội địa phản ánh điều kiện trong nước vẫn ở mức yếu và nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn chưa tăng trở lại.

Nền kinh tế toàn cầu đang trong một chu kỳ phát triển mới và sản lượng sẽ quay trở lại mức trước đại dịch vào quý IV. Ảnh minh họa. Nguồn: FT

Nền kinh tế toàn cầu đang trong một chu kỳ phát triển mới và sản lượng sẽ quay trở lại mức trước đại dịch vào quý IV. Ảnh minh họa. Nguồn: FT

Các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh vẫn từng bước đưa ra những hỗ trợ cẩn trọng. PBOC mới đây đã bơm 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 28 tỉ USD) thanh khoản cho các ngân hàng nhằm tránh khủng hoảng thiếu hụt tiền mặt.

Phát biểu trên Bloomberg Television, Chuyên gia kinh tế trưởng của JD.com – ông Shen Jianguang cho hay: “Tình trạng thiếu hụt nhu cầu là vấn đề chính đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện tại.”

Ông Chang Shu – Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Economic nhận định: “Các cuộc khảo sát chính thức của Trung Quốc cho thấy sau 4 tháng kể từ khi chính phủ dỡ bỏ giãn cách xã hội, các công ty lớn của Trung Quốc vẫn chưa hoạt động toàn bộ công suất. Những thách thức đó còn lớn hơn đối với các công ty nhỏ. Hạn chế đến từ phía cầu, khi cả tiêu dùng trong nước và nhu cầu bên ngoài đều sụt giảm.”

Nền kinh tế toàn cầu đang trong một chu kỳ phát triển mới?

Số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc được công bố trong bối cảnh có nhiều dự báo trái chiều về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Chỉ vài ngày sau cảnh báo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang rằng “sẽ mất khá nhiều thời gian để phục hồi” thì Giám đốc kinh tế Nhà Trắng - Larry Kudlow hôm chủ nhật lạc quan cho rằng “rất có khả năng” kinh tế Mỹ sẽ hồi phục theo hình chữ V.

Trong khi đó, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết nền kinh tế toàn cầu đang trong một chu kỳ phát triển mới và sản lượng sẽ quay trở lại mức trước đại dịch vào quý IV. Nhóm nghiên cứu dự báo về một cuộc suy thoái đột ngột sẽ xảy ra nhưng chỉ trong thời gian ngắn.

Trong một nghiên cứu về triển vọng kinh tế giữa năm của nhóm các nhà kinh tế Chetan Ahya: “Chúng tôi tự tin vào sự hồi phục hình chữ V bởi những dấu hiệu tích cực của dữ liệu về tăng trưởng và động thái chính sách gần đây.”

Các cuộc khảo sát chính thức của Trung Quốc cho thấy sau 4 tháng kể từ khi chính phủ dỡ bỏ giãn cách xã hội, các công ty lớn của Trung Quốc vẫn chưa hoạt động toàn bộ công suất. Ảnh: aljazeera

Các cuộc khảo sát chính thức của Trung Quốc cho thấy sau 4 tháng kể từ khi chính phủ dỡ bỏ giãn cách xã hội, các công ty lớn của Trung Quốc vẫn chưa hoạt động toàn bộ công suất. Ảnh: aljazeera

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tuần trước cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục chậm hơn dự kiến và vẫn còn nhiều bất ổn sâu sắc về triển vọng tăng trưởng. OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 6% trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch.

Các chuyên gia kinh tế của JPMorgan lại nhấn mạnh về một rủi ro do mức nợ và thâm hụt ngân sách tăng cao có thể khiến chính phủ các nước phải giảm quy mô của các gói kích thích tài khóa. Nhóm này khẳng định trong một báo cáo: "Sự thay đổi trong chính sách tài khóa, cùng với bước đi hạn chế từ các Ngân hàng Trung ương là yếu tố quan trọng cho cơ sở đưa ra dự báo của chúng tôi về sự hồi phục không hoàn thiện cho đến năm 2021."

Quá trình hồi phục sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh. Các giới chức Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát ổ dịch mới được phát hiện ở một chợ đầu mối lớn tại Bắc Kinh khi mà số ca nhiễm đã lên đến 100 ca bệnh vào cuối tuần.

Theo ông Helen Qiao, Kinh tế gia trưởng về Trung Quốc tại BOA: “Số liệu của tháng 5 cho thấy sự cải thiện tiếp tục diễn ra, dù mức độ không mạnh như thị trường kì vọng. Sự bùng phát ổ dịch mới ở Bắc Kinh đã nhấn mạnh những rủi ro kéo dài đối với hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trở lại.”

Phùng Mỹ (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….