Năm ngày sau khi hoàn tất thương vụ bán bộ phận thiết bị di động cho Microsoft với giá 5,44 tỉ euro (7,5 tỉ USD), ngày 29.4, Nokia Corp. (Phần Lan) đã công bố tên vị tổng giám đốc (CEO) mới là Rajeev Suri, người đã có gần 20 năm làm việc tại Công ty. Suri chính thức đảm nhiệm vị trí CEO kể từ ngày 1.5.2014.

Hội đồng Quản trị Nokia đều tin Rajeev là người thích hợp để đưa Công ty tiến về phía trước.

Bằng cách chọn Suri, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực thiết bị mạng không dây, Nokia đã phát đi thông điệp rằng Công ty sẽ tập trung mạnh hơn vào lĩnh vực thiết bị mạng không dây sau khi thương vụ với Microsoft kết thúc.

“Khi Nokia mở ra chương mới này, tôi cũng như hội đồng quản trị Nokia đều tin Rajeev là người thích hợp để đưa Công ty tiến về phía trước”, ông Risto Siilasmaa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nokia, cho biết.

Nhà đầu tư cũng rất hào hứng với con đường mới và lựa chọn CEO của Nokia mà đã đẩy giá cổ phiếu tăng 7,1% so với phiên trước đó.

Suri là ai?

Suri, 46 tuổi, sinh ra tại Ấn Độ nhưng lớn lên ở Kuwait. Ông là kỹ sư viễn thông và điện tử, tốt nghiệp Đại học Mangalore ở Ấn Độ. Đáng chú ý, ông là một trong số ít nhà điều hành leo lên vị trí cao nhất mà không có bằng MBA.

Suri đã có gần 20 năm làm việc trong bộ phận thiết bị mạng không dây Nokia Solutions and Networks (NSN) của Nokia, tham gia vào các khâu vạch chiến lược, M&A, kinh doanh và marketing trước khi trở thành người đứng đầu bộ phận này vào tháng 10.2009. Chính bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này cùng với thành tích trong thời gian dẫn dắt NSN đã giúp ông thành người được chọn cho vị trí CEO.

“Suri có khả năng tạo ra chiến lược rõ ràng, thúc đẩy cải tiến và tăng trưởng, đảm bảo việc thực thi một cách nghiêm túc và mang lại kết quả. Khả năng này đã được chứng minh”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nokia Risto Siilasmaa nhận xét.

Bộ phận mạng NSN, từng được biết đến với cái tên Nokia Siemens Network, một thời đã rất chật vật cạnh tranh với Ericsson và Huawei Technologies Co, một phần là vì bị thừa công suất và gặp các trở ngại liên quan đến thương vụ sáp nhập với bộ phận mạng của Siemens vào năm 2006 (Siemens đã rút khỏi thương vụ hợp tác với Nokia vào năm 2013).

Để đưa NSN vượt khó, trong năm 2011, ông Suri đã triển khai một kế hoạch tinh gọn bộ phận mạng, cắt giảm tới 25% tổng số nhân viên và rút khỏi nhiều lĩnh vực kinh doanh. Đến nay, bộ phận này đã có lãi trở lại. Hệ số biên lợi nhuận hoạt động (đã điều chỉnh) của bộ phận NSN trong quý I/2014 đạt tới 9,3%, cao hơn nhiều so với mức dự báo trung bình 5,7% của các chuyên gia phân tích trong khảo sát của hãng tin Reuters. Nokia dự kiến hệ số này của NSN trong cả năm nay sẽ vẫn giữ mức từ 5-10%. Dù bộ phận thiết bị mạng không dây NSN đã cải thiện trong quý đầu tiên của năm 2014, nhưng lại báo cáo mức giảm doanh số bán 17%, còn 2,33 tỉ euro. Một phần là do các nỗ lực tái cấu trúc, nhưng doanh số bán các thiết bị mạng giảm cũng đóng góp vào mức giảm của bộ phận này. Tuy nhiên, với những dấu hiệu tích cực đang diễn ra, ông Suri dự kiến doanh số bán của NSN sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm nay.

“Ông Suri đã làm được một việc đáng khen ngợi trong việc lội ngược dòng bộ phận thiết bị mạng di động. Vì thế, không có gì khó hiểu khi thị trường đã phản ứng rất tích cực đối với việc chọn ông làm CEO”, các chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư JP Morgan Cazenove nhận xét.

Sẽ đẩy mạnh M&A

Một thuận lợi cho Suri là ông đảm nhận vị trí CEO vào một thời điểm rất “thiên thời”: không bị gánh nặng của bộ phận thiết bị di động vốn đã đeo đuổi Stephen Elop, người điều hành Nokia từ năm 2010 cho đến khi thương vụ bán thiết bị di động cho Microsoft được công bố vào tháng 9 năm ngoái.

Thời điểm Nokia công bố bán bộ phận thiết bị di động cho Microsoft, bộ phận này đã bị lỗ tới 5 tỉ euro trong 9 quý. Sự sa sút ở mảng thiết bị di động đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của Nokia. Quý I/2014, doanh số bán thiết bị di động của Nokia đã tiếp tục giảm mạnh (tới 30%), khiến cho công ty này lỗ ròng tới 239 triệu euro trong cùng quý. Trong khi đó, nếu trừ đi bộ phận thiết bị di động, Nokia sẽ lãi ròng tới 108 triệu euro, so với mức lỗ 98 triệu euro đối với các bộ phận không có liên quan đến mảng thiết bị di động trong cùng kỳ năm ngoái. Giờ Suri đã bớt đi gánh nặng lớn để toàn tâm toàn ý phát triển mảng thiết bị mạng không dây.

Hiện tại, Nokia còn lại 3 bộ phận: mạng NSN, các dịch vụ bản đồ và bộ phận cấp phép bản quyền. Trong đó, NSN là bộ phận lớn nhất, chiếm 71% lợi nhuận hoạt động (đã điều chỉnh) của Nokia trong quý I năm nay.

Từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới với thị phần lên tới 50%, Nokia đã rớt khỏi top 5 trong những năm gần đây, chỉ còn 3% thị phần. Với mức vốn hóa thị trường hiện chỉ còn 19 tỉ euro từ mức 300 tỉ euro của năm 2000, một thách thức cho Suri là tìm con đường mới để lấy lại ánh hào quang đã mất. Lần này, ngành cốt lõi của Nokia không phải là thiết bị di động mà là thiết bị mạng không dây.

Để làm được điều này, Suri cần phải cạnh tranh với những người chơi lớn hơn trên thị trường là Ericsson AB và Huawei Technologies để đảo ngược lại việc doanh thu giảm ở mảng NSN, vốn chiếm tới khoảng 90% tổng doanh số bán của Nokia.

Suri cho biết, với lượng tiền mặt dồi dào (sau khi bán lại bộ phận thiết bị di động cho Microsoft), Nokia sẽ cân nhắc việc mua lại các công ty có quy mô nhỏ hơn để lấp vào các khoảng trống trong danh mục sản phẩm, vốn giờ chú trọng vào thiết bị mạng không dây. Sami Sarkamies, chuyên gia phân tích tại Nordea Bank AB tại Helsinki, cũng cho rằng Nokia sẽ rót tiền nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển và vào các thương vụ mua lại để tăng cường sức mạnh của mình trước các đối thủ lớn hơn Huewei và Ericsson.

Hồi tháng 2, Suri cho biết Nokia đang tìm kiếm các thương vụ hợp tác như đã ký với Juniper Networks để bành trướng bộ phận mạng. Năm ngoái, Nokia đã từng cân nhắc xem xét việc mua lại bộ phận thiết bị không dây của Alcatel-Lucent SA (Pháp), theo một nguồn tin thân cận với vụ việc.

Suri cũng sẽ nỗ lực để hoàn thành kế hoạch giảm nợ đặt ra: giảm nợ khoảng 2 tỉ euro đến cuối quý II/2016 nhằm giúp nợ của Công ty lấy lại được mức đánh giá tín nhiệm ở hạng “đầu tư”. Hồi đầu năm nay, Moody’s Investors Service đã đánh giá rằng hệ số tín nhiệm của Nokia có thể sẽ được nâng lên nếu Công ty tiếp tục có kết quả kinh doanh tích cực như vừa qua. Nhưng đồng thời tổ chức này cũng khuyến cáo Nokia có thể sẽ bị tụt hạng nếu cơ cấu vốn bị suy yếu mạnh do chia cổ tức lớn cho cổ đông.

Hồi cuối tháng 4, Nokia cho biết sẽ trả lại 3 tỉ euro, hơn phân nửa số tiền thu được từ việc bán bộ phận thiết bị di động cho Microsoft, cho cổ đông thông qua việc chia cổ tức và mua lại cổ phiếu quỹ.

Ngô Ngọc Châu (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.