Sau khi rời Nhà Trắng, ông Donald Trump có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính cá nhân.

Hồi tháng 9/2020, loạt bài điều tra của tờ New York Times đã tiết lộ hồ sơ thuế cá nhân của ông Trump trong suốt hai thập kỷ. Các bài viết được miêu tả là “bom tấn” khi công khai nhiều thông tin mà tổng thống Mỹ lúc đó muốn giấu kín trước công chúng.

Cụ thể, nhiều khu nghỉ dưỡng của tổng thống đã chịu lỗ hàng triệu USD mỗi năm, trước cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành ở Mỹ. Ông Trump còn có nhiều khoản vay cá nhân trị giá hàng trăm triệu USD và buộc phải thanh toán trong vài năm tới.

Khung hoang tai chinh dang cho Tong thong Trump anh 1

Khu golf nghỉ dưỡng của ông Trump tại Bedminster, bang New Jersey. Ảnh: AP.

Cũng theo các hồ sơ được công khai, ông Trump đã chi gần hết số tiền mặt và tài sản dễ bán của mình. Ngoài ra, ông còn đối mặt với một cuộc kiểm toán toàn diện, có thể tiêu tốn hơn 100 triệu USD để giải quyết.

Trước những khó khăn về tài chính, ông Trump thường trông chờ vào các hợp đồng truyền hình, các doanh nghiệp của gia đình và khoản thừa kế trị giá hàng triệu USD. Song những “chỗ dựa” vững chắc này dần biến mất từ khi nhiệm kỳ tổng thống của ông gặp nhiều diễn biến bất lợi.

Tương lai của ông Trump

Sau ngày bầu cử, ông Trump đã đưa ra nhiều cáo buộc vô căn cứ về việc bỏ phiếu gian lận, gây ra tình trạng chia rẽ sâu sắc ở trong nước. Đỉnh điểm là ngày 6/1, đám đông người ủng hộ ông đã gây ra bạo loạn tại tòa nhà quốc hội để phản đối kết quả bầu cử tổng thống.

Nhiệm kỳ gây chia rẽ đã trực tiếp ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của ông Trump. Gần đây nhất, giải golf nổi tiếng PGA từ bỏ kế hoạch tổ chức tại sân golf của tổng thống. Chính quyền thành phố New York còn huỷ nhiều hợp đồng xây dựng với Trump Organization.

Dù vậy, các thành viên trong gia đình Trump miêu tả việc tổng thống rời nhiệm sở sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Con trai cựu tổng thống, Eric, chia sẻ với Times rằng doanh nghiệp gia đình sẽ nhận được nhiều thương vụ ở nước ngoài nhờ vào danh tiếng của ông Trump. Họ còn cân nhắc thành lập một hãng truyền thông để phục vụ những người ủng hộ tổng thống.

Trong một tuyên bố, Eric cho biết: “Tôi chưa từng thấy một chính trị gia nào nhận về nhiều sự ủng hộ và có nguồn năng lượng như cha tôi. Chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội trong lĩnh vực bất động sản và hơn thế nữa”.

Ông Donald Trump bước ra từ khách sạn Trump International. Ảnh: New York Times.

Trên thực tế, nếu không có nguồn đầu tư hay nguồn doanh thu nào đáng kể, ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều lựa chọn khó khăn, bao gồm việc bán lại các sân golf và khách sạn chịu thua lỗ.

Ngay cả khi thua cử, ông Trump vẫn kêu gọi được hơn 250 triệu USD cho chiến dịch của mình. Dù vậy, khoản tiền này đã bị chi tiêu không hợp lý, đan xen giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị. Theo luật tài chính chiến dịch, một tổng thống không thể sử dụng tiền quyên góp để phục vụ cho hoạt động kinh doanh cá nhân.

Giáo sư luật Adam J. Levitin tại Đại học Georgetown, cho biết: “Ông Trump có nhiều tai tiếng đến mức các tổ chức tài chính không muốn hợp tác hay làm ăn với ông ấy”.

Đối tượng cử tri ủng hộ ông Trump thường là những người dân lao động ở các vùng ngoại ô nước Mỹ. Dù vậy, nhóm này không phải là khách hàng tiềm năng của các khu nghỉ dưỡng do ông sở hữu.

Tình hình kinh doanh ảm đạm

Dữ liệu khai thuế chỉ ra việc các doanh nghiệp của ông Trump hiếm khi trụ vững trên thương trường, theo tờ Times.

Ví dụ, ba khu golf nghỉ dưỡng của ông tại Scotland và Ireland liên tiếp ghi nhận nhiều khoản lỗ nghiêm trọng. Trong năm 2018, ông Trump phải chi thêm 66 triệu USD tiền mặt chỉ để duy trì ba khu bất động sản này.

Từ khi khai trương vào năm 2016, khách sạn Trump International ở thủ đô Washington cũng chịu lỗ hàng năm, buộc tổng thống phải đầu tư thêm 17,6 triệu USD bên cạnh khoản đầu tư ban đầu. Kể từ khi đại dịch bùng phát, tình hình kinh doanh của địa điểm này càng trở nên ảm đạm hơn.

Khi liên tiếp gặp bất lợi, ông Trump phải nhờ cậy đến khoản thế chấp 100 triệu USD từ khu thương mại thuộc Trump Tower. Ông còn bán gần hết cổ phiếu và trái phiếu, thu về 240 triệu USD trong khoảng từ năm 2014 đến 2016.

Khung hoang tai chinh dang cho Tong thong Trump anh 3

Khu golf nghỉ dưỡng của ông Trump tại Florida. Ảnh: New York Times.

Giờ đây, ông Trump phải đối diện với hàng loạt khoản vay sắp đến hạn thanh toán: 100 triệu USD cho Trump Tower vào năm 2022, 125 triệu USD cho khu golf nghỉ dưỡng ở Florida vào năm 2023; 170 triệu USD vào khách sạn ở Washington vào năm 2024.

Từ sau vụ bạo loạn ở Đồi Capitol, triển vọng ông Trump thanh toán đúng hạn trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Deutsche Bank, ngân hàng cuối cùng còn thực hiện giao dịch với ông Trump, mới tuyên bố không cho ông vay thêm nữa.

Theo giáo sư tài chính Phillip Braun từ Đại học Northwestern, ông Trump chỉ có thể tìm được một khoản vay với lãi suất cao hơn.

Bên cạnh các thách thức tài chính, ông Trump còn phải đối mặt với nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Sau loạt bài của New York Times, ông Trump đã trở thành đối tượng cho các cuộc điều tra gian lận thuế do luật sư hạt Manhattan và tổng chưởng lý thành phố New York phát động.

Xem thêm bài viết về: Donald Trump
Uyên Uyên (Zingnews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.