Cả một đời ăn ngủ cùng chiếc xe lăn để rồi nghiệp vận vào đời. Còn trẻ, thiết kế chiếc xe lăn cho người khuyết tật, đến khi về già, chiếc xe lăn lại trở thành người bạn đường, đưa ông đi muôn lối. Nhưng trên những con đường ấy, ông không cô đơn khi có nhiều người bạn đồng hành và có cả người con trai kế nghiệp tràn đầy nhiệt huyết.

Tháng Tư vừa rồi, tại một quán ăn ven kênh Thị Nghè, TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Toàn tổ chức tiệc mừng sinh nhật lần thứ 68 và ra mắt tác phẩm thứ năm "Người lập nghiệp" của mình.

Uống mừng cùng ông là rất nhiều bạn bè thân hữu. Tiệc tan, dìu ông từng bước chân khập khiễng sau một cuộc vui là người vợ, bà Lê Thị Hơn.

Đồng hành cùng ông qua bao sóng gió của cuộc đời, người đàn bà ấy hiểu rõ ông từng nếp ăn, nếp nghĩ, hiểu cả những trái tính trái nết di chứng của cơn tai biến đã quật ngã ông, nên lúc nào cũng kiên nhẫn yêu chiều.

Bà kể, ngày đó, lao tâm quá sức cho công việc, tìm ra được màu tím đặc trưng cho thương hiệu Kiến Tường thì cũng là lúc ông chìm vào cơn tai biến.

Vượt qua cơn đau ấy, ông bây giờ phải di chuyển cậy vào xe lăn. Thể xác hao mòn nhưng trí tuệ ông vẫn dành cho những bản thiết kế mới. Ngồi trên chính chiếc xe do mình thiết kế, ông càng hiểu nhu cầu của khách hàng hơn.

Có vậy, ông mới có thể là người đầu tiên cải tiến, xếp gọn cả một chiếc xe lắc tay vào một thùng nhỏ để có thể vận chuyển đến các tỉnh thành cũng như xuất khẩu dễ dàng hơn.

Ông Toàn tự hào kể: "Lúc đó, các con tôi lẫn nhân viên kỹ thuật của Kiến Tường đều đã đầu hàng, không tìm ra cách nào để xếp các bộ phận của chiếc xe gọn vào để đóng thùng vận chuyển. Tôi dành cả một đêm để nghiên cứu và suy nghĩ cả trong giấc ngủ”.

Ông không ngờ, chính cái kiểu đem tất cả các dữ liệu vào giấc ngủ để bắt não phải làm việc mà ông áp dụng bấy lâu nay trong công cuộc kiến thiết Kiến Tường đã bắt ông trả giá...

Nhưng bảo ông làm việc ít lại chắc chắn sẽ không được. Quá khứ hàn vi và những truân chuyên của cuộc đời khiến ông lúc nào cũng sẵn sàng "đề kháng", cũng lao động cật lực. Ví von về mình, ông Nguyễn Tiến Toàn bảo: "Tôi là con chim tiết ra máu đỏ để làm tổ nuôi con".

Đền đáp lại sự vất vả của cha, các con ông đều thành đạt và có sự nghiệp riêng. Ở Kiến Tường, phía sau đôi chân đã khập khiễng của người cha già, đã có sự vững chãi của cậu con út là Nguyễn Kinh Quốc.

Cũng như các anh chị, Kinh Quốc có được quyền quyết định cuộc đời mình. Bốn năm ở Mỹ, Quốc theo ngành hóa sinh nhưng khi trở về, lại chọn kế nghiệp sản xuất, kinh doanh của gia đình.

Anh mất bốn năm lăn lộn qua các công ty, từ mô hình công ty tư nhân, công ty nhà nước đến công ty nước ngoài để chắt lọc kinh nghiệm với mong muốn có thể đóng góp tốt nhất cho Kiến Tường. Sự lựa chọn ấy đã khiến anh hạnh phúc.

Sức trẻ của con chăm lo đối ngoại, kỹ năng lẫn kinh nghiệm của người cha để chăm lo sản xuất. Phối hợp nhịp nhàng, cha con nhà Kiến Tường, có hoài bão và có cả lợi nhuận mang về cho công ty. Câu chuyện với người sáng lập và người kế thừa vì vậy mà cũng nhiều cung bậc.

Chuyên cần, làm ngay và ôn bằng trí

* Ngày mới khai sinh Kiến Tường, ông đã kể ra rất nhiều nghĩa của hai từ làm nên thương hiệu này. Nào là nhìn thấy bức tường phía trước, là xây nên những nền tảng vững chãi, là khởi đầu của phúc hạnh... Sau hơn ba mươi năm, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thương hiệu này mang ý nghĩa thế nào trong quan sát của người sáng tạo?

Ông Nguyễn Tiến Toàn: Đến tận bây giờ thì tôi thấy, cái nghĩa sát nhất trong hai chữ Kiến Tường: "Kiến" là thấy, "Tường" là tường tận, là "nhìn thấy rõ công việc rồi mới làm".

Chúng tôi nắm bắt nhu cầu của những người cần sử dụng xe lăn, tuy nhỏ nhưng biết điều tiết để thích ứng với những biến chuyển của thị trường.

Tôi cho rằng, muốn làm được việc gì thì phải hiểu tưởng tận việc đó. Không chỉ biết, còn phải nghe tận tai, nhìn tận mặt... Khi đã có dữ liệu, đã biết thì phải "chân đi, miệng nói, tay làm" cùng một lúc để có thể bứt phá.

* Sức người vốn có hạn, dồn tâm sức nhiều như thế, liệu có duy trì được đường dài không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Toàn: Không có việc gì bằng chuyên cần. Không chỉ làm việc chăm chỉ, tôi có cách làm việc trong cả giấc ngủ. Trước khi đi ngủ, tôi cho các dữ liệu vào đầu để đầu óc tiếp tục làm việc.

Thủa còn đi học, gặp những bài toán khó, nhất là hình học không gian, trước khi lên giường, tôi vẽ bài toán trong đầu rồi để tập vở ngay đầu giường...

Có khi nửa đêm tôi thức giấc, làm ngay rồi ngủ tiếp. Quá trình xây dựng và phát triển Kiến Tường, tôi đem cả càng xe, bánh xe lên đầu giường... rồi ngủ.

Khi tỉnh giấc là có thể giải quyết công việc. Tôi đề cao khẩu hiệu "Chuyên cần, làm ngay và ôn bằng trí”. Việc gì có thể làm là làm ngay và buộc đầu óc suy nghĩ để luôn ôn luyện.

* Không thể phủ nhận việc ông đã phải trả giá cho việc vắt sức của mình. Những tưởng, chỉ có giai đoạn khởi nghiệp, Kiến Tường mới chiếm nhiều thời gian và công sức của ông đến vậy?

- Ông Nguyễn Tiến Toàn: Mỗi giai đoạn đều có những thử thách riêng. Tôi không nghĩ rằng mình có thể làm được tất cả nên lúc nào cũng cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất trong khả năng của mình.

Tiếc là có những thứ mình không thể kiểm soát, như sức khỏe chẳng hạn. Tuổi tác lấy đi của tôi nhiều sức lực nhưng chưa lấy được của tôi tâm huyết.

Tôi vẫn còn khát khao làm việc, khát khao cầm bút. Cũng may, bên cạnh tôi vẫn luôn có vợ và các con động viên. Họ là chỗ dựa của tôi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

* Có hai người chị, một là bác sĩ ở Mỹ, một là giảng viên đại học và người anh là tiến sĩ kinh tế, còn Kinh Quốc thì sang Mỹ học chuyên ngành Hóa Sinh... Ai cũng có đam mê riêng như thế, có vẻ như sẽ rất khó để có một người ở thế hệ sau thích hợp và tâm huyết cho Kiến Tường sau này, phải không thưa anh Kinh Quốc?

Anh Nguyễn Kinh Quốc: Gia đình tôi khá tôn trọng quan điểm cá nhân nên chị em chúng tôi được tự do chọn lựa con đường của mình. Tôi quan niệm, nên chọn học cái mình thích và làm cái mình cần.

Sinh ra và lớn lên tại xưởng cơ khí của gia đình, phụ giúp mọi người làm việc từ nhỏ nên khi về quản lý, công việc trở nên quen thuộc với tôi hơn. Hiện tôi cùng với ba tôi điều hành, quản lý sự nghiệp của Kiến Tường.

* Hai thế hệ cùng quản lý của một DN. Có bao giờ vì điều này mà hai cha con anh tranh cãi trong công việc?

Anh Nguyễn Kinh Quốc: Giữa tôi với ba tôi hay bất cứ mối quan hệ cha con nào cũng rất khó tránh những mâu thuẫn thuộc về thế hệ. Tuy nhiên chúng tôi có một "thỏa thuận ngầm" phân công công việc khá cụ thể.

Ba tôi là người sáng lập cơ sở và phát minh ra các sản phẩm của Kiến Tường... Lúc nào ông cũng nghiên cứu để tìm ra những thiết kế và kỹ thuật mới.

Còn tôi, sẽ là người chọn lọc và hoàn thiện những thiết kế đó để đưa vào sản xuất. Về phần kinh doanh, hai cha con luôn trao đổi để thống nhất với nhau trong đối nội và đối ngoại.

Theo kinh nghiệm bản thân, hầu hết những người khi có quyền hành lớn trong tay sẽ trở nên phấn khích thái quá. Tôi cũng vậy. Lúc đầu, khi quản lý, tôi "ngông" lắm, đòi đầu tư bên này, cắt giảm bên kia.

Lúc nào cũng nghĩ, cái gì mình làm đều đúng. Chính ba và mẹ đã kiềm chế tôi lại, phân định những gì được và không để tôi nhận ra những sai sót của mình. Đó là điều may mắn và là một bài học quan trọng của tôi trong đời.

Tâm huyết với đời

* Với số lượng lên đến hơn 10.000 chiếc xe/ năm. Thử thách mà thị trường đặt ra cho Kiến Tường thời gian qua có lớn?

Anh Nguyễn Kinh Quốc: Theo đà suy giảm của kinh tế, dù sản phẩm của Kiến Tường khá đặc thù nhưng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Có lúc, thị trường xuất khẩu của Kiến Tường suy giảm khoảng 20% đến 30%.

Cũng may là hiện nay, thị trường đã bắt đầu khởi sắc, khả năng sản xuất của Kiến Tường vẫn duy trì. Hy vọng, thời gian tới, chúng tôi sẽ có được nhiều thành công hơn.

* Một sản phẩm đặc thù, dành cho đối tượng đặc thù như thế chắc cũng phải có những đặc thù trong sản xuất, điều hành lẫn ứng xử với khách hàng?

Ông Nguyễn Tiến Toàn: Ngày tôi còn nhỏ, thấy người ăn xin chống gậy đến nhà, ông ngoại đã dạy phải nhường cho người ấy bát cơm, chén nước. Tôi nằm lòng bài học vỡ lòng ấy nên khi lớn, mẹ có cho ít tiền mua quà vặt thì cũng nhớ chừa lại một ít biếu người khuyết tật đói nghèo.

Trong cuộc mưu sinh của tôi cũng nhờ quan sát những cảnh khó ấy mà nảy ra ý định làm chiếc xe lăn rồi được mọi người ghi nhận.

Năm 2009, Đài PBS (Mỹ) có phỏng vấn và tên tôi được ghi vào danh sách những người làm thay đổi thế giới ở thế kỷ XXI, tôi vui lắm, nhưng nhìn lại, vẫn thấy còn quá nhiều người khuyết tật không mua nổi một chiếc xe lăn, tôi buồn.

Lúc mới lập nghiệp, tôi niệm trong lòng, hễ gặp người khuyết tật nào là sẽ gắng tặng họ một chiếc xe lăn. Đi nhiều, sống nhiều mới biết, sự đau khổ của con người là vô hạn và sức mình thì hữu hạn.

Thế nên, tôi dồn cả cố gắng để có sản phẩm tốt phục vụ người khuyết tật, người già yếu. Ngày đầu, xe lăn Kiến Tường vừa xấu, vừa thô nhưng vì tâm niệm đó mà tôi cùng những con người nơi đây đã liên tục cải tiến để có được sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Bốn năm về trước, có những đơn đặt hàng từ Trung Quốc yêu cầu tôi sản xuất hàng trăm ngàn chiếc xe lăn cho họ. Tôi suy nghĩ về điều đó rất nhiều. Họ nói rằng nếu làm cho họ, tôi sẽ nhanh chóng nổi tiếng là nhà sản xuất xe lăn nhiều nhất vùng Đông Nam Á.

Khi nghiên cứu chiếc xe lăn mà họ đặt hàng, tôi nhận thấy rằng mẫu xe lăn này không chỉ không hữu dụng mà còn có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.

* Nhưng thái độ đối xử với người khuyết tật, không phải ai cũng biết cách để hành xử đúng?

Anh Nguyễn Kinh Quốc: Tôi nghĩ, người khuyết tật chỉ cần được đối xử công bằng, đừng tỏ ra quá thương hại và giúp họ những điều họ không làm được. Có dịp đi nhiều nước, tôi thấy cách ứng xử với người khuyết tật ở mỗi nơi một khác.

Ví dụ như ở châu Phi, người khuyết tật bị đối xử rất tàn mạt, họ bị kỳ thị như thể đã làm việc gì đó rất xấu xa mới bị trả giá như thế.

Riêng ở Việt Nam, chúng ta không có sự kỳ thị và sẵn sàng giúp đỡ, nhưng người khuyết tật lại tự mặc cảm với bản thân, nên khó hòa nhập được với cộng đồng. Những người vượt qua được mặc cảm này thì lại phát triển rất tốt.

* Xây nên một DN làm ra sản phẩm tốt phục vụ đối tượng cần giúp đỡ nhất trong xã hội, gia đình thì đã đề huề các bên, đã có thể đính kèm cái tên Nguyễn Tiến Toàn với hai chữ thành công chưa?

Ông Nguyễn Tiến Toàn: Hai chữ đó, nếu mọi người nói về mình, tôi sẽ rất tự hào, còn bản thân thì tôi chưa dám tự nhận. Tôi vẫn thấy còn nhiều điều để làm tốt hơn nữa với cuộc đời này nên còn làm được ngày nào thì sẽ vẫn làm đến ngày đó.

Tuy nhiên, sức người có hạn, hiện tôi vẫn chỉ dành 4 giờ mỗi ngày để xuống xưởng, kiểm tra quá trình sản xuất. Phần còn lại giao cả cho con trai.

Làm xe lăn, ý thức của tôi là góp một phần giúp cho con người vơi bớt nỗi đau mất mát, nhưng cũng phải làm thế nào để lo đủ cho đời sống công nhân của tôi, đủ để phát triển về nhà xưởng, máy móc thiết bị phù hợp và cần thiết cho sự nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đến tuổi này, tôi muốn dành thời gian nhiều hơn để viết sách, không chỉ thỏa sở thích là sáng tác văn chương mà còn viết để lưu lại với đời những bài học mà tôi đã trải qua để lớp trẻ có thể rút kinh nghiệm cho công cuộc gây dựng sự nghiệp của họ.

Khởi nghiệp của giới trẻ bây giờ không vất vả như thế hệ của chúng tôi, nhưng lại có những thử thách khác. Tôi mong những va vấp của mình sẽ không lặp lại.

* Xin cảm ơn cha con ông về cuộc trao đổi này!

Phương Quyên (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.