Đây là thời gian khó khăn đối với ông Lý Xuân Hải, khi chia tay với ngân hàng ACB sau 15 năm gắn bó, vướng vào con đường lao lý nhưng những đóng góp của vị CEO này đối với Ngân hàng ACB là điều không thể phủ nhận.

Hành trình đến với ACB

Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965 tại Hà Nội, hiện cư trú tại TP HCM. Ông tốt nghiệp bộ môn vật lý lý thuyết Khoa Vật lý Trường Đại học tổng hợp Quốc gia Belarus vào năm 1989.

Năm 1993, ông bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành vật lý và toán học. Ngoài ra ông còn có học vị Thạc sĩ kinh tế, chuyên ngành ngân hàng và tài chính của Trường Đại học ESCP Europe và Trường Đại học Paris-Dauphine.

Ông đã từng là Phó Giám đốc Chi nhánh ACB Hải Phòng từ năm 1996 đến năm 1997 và Giám đốc ACB Hải Phòng từ năm 1998 đến 2002.

Sau đó ông là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB trong 4 năm (2002 – 2005), đồng thời đảm nhiệm chức vụ Giám đốc tài chính (CFO) ACB từ năm 2004 – 2005. Tháng 6/2005 ông chuyển lên làm Tổng giám đốc ACB.

Từ 2008 đến nay, ông Hải là thành viên trong Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ngân hàng ACB.

Ông được mọi người biết đến với vai trò là thành viên thường trực Hội đồng quản trị, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Tín dụng, thành viên Ủy ban Quản lý Rủi ro, thành viên Ủy ban Nhân sự, ủy viên Hội đồng Đầu tư, ủy viên thường trực Hội đồng Xử lý rủi ro, và Chủ tịch ALCO.

Về danh hiệu cá nhân, ông Lý Xuân Hải đã 2 lần được "The Asian Banker" bình chọn là "Lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" năm 2007 và 2010. Với giới tài chính, ông Hải cũng được nhiều người đánh giá cao về độ nhạy bén, quyết đoán và là một diễn giả giỏi.

Dấu ấn CEO

Từ khi làm TGĐ của ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam tính theo tổng tài sản, kể từ đó đến nay ACB luôn đạt được mức tăng trưởng cao với khả năng sinh lời được thể hiện qua chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) luôn ở mức trên 30% (ngoại trừ năm 2010 tỷ lệ này là 28,9%). Cá biệt như năm 2007 tỷ lệ này lên tới 53,8% hay năm 2006 là 46,8%. Từ năm 2006 đến 2011, tổng tài sản của ACB cũng tăng gấp hơn 6 lần (từ 44.347 tỷ đồng lên 281.019 tỷ đồng).

Xét trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra năm 2008 với dư âm kéo dài sang năm 2009, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều thay đổi từ “nóng” sang “lạnh” bất ngờ, thì đây là những thành công không thể phủ nhận.

Một phần của “cỗ máy”

Là người đứng đầu một ngân hàng lớn, ông Hải rất khéo léo trong phát ngôn và tiếp xúc báo giới. Khi nói về vai trò của mình đối với ACB ông kiêm tốn cho rằng mình chỉ là một phần của “cỗ máy” và cố gắng thực hiện tốt chức năng của mình trong “cỗ máy”. Ông chia sẻ: “Tôi may mắn được đặt vào chỗ ngồi này để đóng vai trò của người cầm gậy chạy đầu một cuộc chạy tiếp sức, được thừa hưởng rất nhiều thành quả của những người đi trước và các cộng sự”.

Trong một cuộc trao đổi về cách chiến thắng lòng tham và sự sợ hãi cũng như cách giữ mình “sạch sẽ” trong hoạt động ngân hàng, ông cho rằng để lòng tham không thành quá độ thì phải biết sợ. Ông cắt nghĩa, sợ tức là “tránh xa những điều không đúng pháp luật, trái thông lệ và vi phạm đạo đức kinh doanh”.

Ngoài ra, ông có triết lý sống “để chiến thắng sự sợ hãi phải biết tham lam một cách hợp lý tức luôn giữ sự khách quan, vận dụng trí tuệ trong tiếp nhận và xử lý thông tin để tận dụng các cơ hội thường rất ngắn hạn trong khó khăn”. Theo ông, khi là thành viên của ACB, tính hệ thống, giá trị cốt lõi của nhà băng này khiến cho những người lãnh đạo “luôn làm đúng, kiểm soát được lòng tham để từ chối những đồng tiền không sạch sẽ, không minh bạch”.

Vướng vòng lao lý

Sau sự việc bầu Kiên bị bắt và lệnh bắt giữ vị CEO của ACB đã làm dấy lên làn sóng lớn đối với thị trường chứng khoán nói chung và Ngân hàng ACB nói riêng. Giờ đây chính triết lý sống “không sạch sẽ phải bị đào thải” lại ứng dụng với chính ông.

Sau khi rời ghế CEO ACB, ông Hải đang đối mặt với một giai đoạn khó khăn trong cuộc đời khi bị khởi tố với tội danh "Cố ý làm trái....". Những hành vi sai trái, nếu có, sẽ được pháp luật làm rõ và xử lý. Song những dấu ấn mà ông Hải tạo ra trên chiếc ghế "nóng" tại ACB trong 7 năm qua cũng đáng để giới tài chính Việt Nam nhắc tới như một nhà quản lý có tài.

Nhận xét về sự kiện này một đồng nghiệp trong giới ngân hàng cho rằng ông Hải là người có tầm và có tâm nhưng nhiều khi không thể tự mình quyết định được tất cả. Vị giám đốc ngân hàng này cũng kết luật “Nghề giám đốc ngân hàng là một nghề rất rủi ro”.

Mỹ Linh (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.