Các công ty Nhật Bản đang để gần 5.000 tỷ USD trong ngân hàng - lớn hơn hầu hết GDP của các nước trên thế giới.

Doanh nghiệp coi tiền là bộ đệm dự phòng cho thời điểm khó khăn. Dù vậy, nhà đầu tư thường tỏ ra không hài lòng. Họ muốn các lãnh đạo đầu tư để công ty tăng trưởng, hoặc chia lại cho cổ đông. Theo số liệu của Bloomberg, các công ty niêm yết tại Nhật Bản đang nắm trong tay kỷ lục 506.000 tỷ yen (4.800 tỷ USD) tiền mặt. Con số này đã tăng hơn gấp ba kể từ tháng 3/2013 - vài tháng sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử với cam kết giảm hoạt động tích trữ tiền mặt.

Một trong các chính sách được khen ngợi nhất của ông Abe là cải tổ cấu trúc quản trị doanh nghiệp, khiến các công ty phải sử dụng vốn hiệu quả hơn, thay vì để trong tài khoản ngân hàng. Chính sách này phần nào có tác dụng. Các công ty đã trả nhiều cổ tức hơn kể từ năm 2014, khi chính quyền Thủ tướng Abe áp dụng các chính sách này. Tuy nhiên, Zuhair Khan - Giám đốc Nghiên cứu Jefferies Japan ước tính họ chỉ phân phối khoảng 40% lợi nhuận cho nhà đầu tư, trong khi có thể trả tới 70%.

Thủ đô Tokyo và núi Phú Sĩ tại Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Felix Lam - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư cổ phiếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại BNP Paribas cho biết hiện tại, khối tiền mặt tăng không chỉ do dự phòng, mà còn vì lợi nhuận tăng lên. Quý II, hệ số EPS (lợi nhuận trên giá cổ phiếu) của các công ty trong chỉ số Topix cao hơn 80% so với cuối năm 2012.

"Nguyên nhân tiền mặt tăng cao đã thay đổi, từ dự phòng sang yếu tố nền tảng được cải thiện", Lam cho biết, "Trong 3 năm tài chính gần đây, các công ty Nhật Bản mua cổ phiếu quỹ kỷ lục. Số tiền này chủ yếu lấy từ chính tài sản của công ty, thay vì đi vay".

Goldman Sachs Group ước tính năm ngoái, các công ty Nhật Bản thông báo mua lại đến 60 tỷ USD cổ phiếu. Trong 5 tháng đầu năm nay, con số này đã chạm mốc 50 tỷ USD. Các doanh nghiệp như Sony hay SoftBank đều có kế hoạch mua lại ở mức kỷ lục. Từ đầu năm, các công ty đã trả 8.400 tỷ yen cổ tức. Đây cũng là mức cao kỷ lục, theo Societe Generale.

Dù vậy, quy mô mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp Nhật vẫn thấp so với Mỹ. 500 công ty lớn nhất nước này năm ngoái đã mua lại 800 tỷ USD cổ phiếu.

Nhiều người chỉ trích doanh nghiệp Nhật không sử dụng tiền có hiệu quả. Các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) gần đây rất im ắng. Tổng giá trị các thương vụ được công bố trong năm nay chỉ còn 95 tỷ USD, từ 215 tỷ USD năm ngoái, theo Bloomberg. Và vì giữ số tiền lớn với lãi suất 0%, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của các công ty cũng thấp hơn, Soichiro Matsumoto - Giám đốc Đầu tư tại Credit Suisse Group cho biết.

Cách tiết kiệm của các công ty Nhật không xa lạ với giới quan sát. Sau khi bong bóng tài sản vỡ vụn đầu thập niên 90, hầu hết doanh nghiệp có quan điểm thận trọng. Kinh tế trì trệ sau đó khiến nhiều tổ chức tài chính sụp đổ và không thể cho các doanh nghiệp vay tiền.

3 thập kỷ sau, các lãnh đạo công ty vẫn muốn độc lập tài chính, không phải đi vay. "Chiến lược là có nhiều tiền mặt. Vì nó giúp bạn linh hoạt khi làm M&A hoặc để dự phòng sau này. Ai mà biết được khi nào nền kinh tế chuyển xấu", Khan cho biết.

Nhà đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ thay đổi nhiều hơn nữa, do ngày càng nhiều nhà hoạt động nhắm vào các công ty trả ít cổ tức. Dù vậy, phần lớn cho rằng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng cao. Còn lợi nhuận chia cho cổ đông sẽ chỉ nhích nhẹ.

Hà Thu (VNE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.