Ông lớn sản xuất điện thoại di động khẳng định việc chuyển giao dây chuyền đơn thuần phục vụ tái cơ cấu sản xuất, chứ không phải nhập các máy móc đã hết hạn vào Việt Nam.

Trong văn bản gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh hồi giữa tháng 8, Tập đoàn Microsoft cho biết việc chuyển giao dây chuyền sản xuất của Nokia từ Trung Quốc sang Việt Nam đang bị gián đoán do vướng mắc trong thực hiện Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Theo văn bản có hiệu lực từ 1/9 tới, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu vào Việt Nam nếu không nằm trong danh mục bị cấm, thời gian đã qua sử dụng không quá 5 năm và độ mới đạt ít nhất 80%. Tuy nhiên, văn bản này lại không áp dụng với các trường hợp máy móc quá cảnh, chuyển khẩu, phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà trong nước chưa sản xuất được hay nhận chuyển giao từ các khu chế xuất trong nước...

Do đó, nếu chiếu theo quy định của Thông tư 20, hàng chục dây chuyền của Nokia sẽ không đủ điều kiện pháp lý để đưa vào hoạt động tại nhà máy ở Bắc Ninh.

Nokia đề nghị phía Việt Nam có văn bản trả lời trước ngày 1/9/2014. Ảnh: Anh Quân

Trước vấn đề trên, trong văn bản gửi cơ quan quản lý, tập đoàn này khẳng định các máy móc, thiết bị nhập vào Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện nên đề xuất thuộc diễn miễn trừ, không thuộc phạm vi áp dụng Thông tư 20. Cụ thể, Nokia cho rằng các dây chuyền đều hiện đại và không thuộc danh mục bị cấm nhập khẩu. Hoạt động của doanh nghiệp cũng dưới dạng chế xuất, nên việc chuyển giao có bản chất tương tự như việc chuyển giao giữa các khu chế xuất trong nước với nhau.

Đặc biệt, Nokia nhấn mạnh việc chuyển giao dây chuyền từ nước ngoài về nhà máy Việt Nam là thực hiện chiến lược của Microsoft sau khi mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia chứ không phải là do đã hết thời hạn ở các quốc gia khác.

"Việc chuyển giao dây chuyền sản xuất vào nhà máy Bắc Ninh không được coi là nhập khẩu vào Việt Nam và hoàn toàn không chịu sự điều chỉnh của Thông tư 20", doanh nghiệp kiến nghị.

Từ đó, Nokia đề xuất các cơ quan liên quan có văn bản trả lời về sự chấp thuận miễn trừ trước ngày 1/9/2014 để đảm bảo chiến lược kinh doanh và hoạt động sản xuất của nhà máy tại Việt Nam thông suốt. "Đây cũng là một yếu tố quyết định cho sự phát triển đầu tư của tập đoàn Microsoft tại Việt Nam trong tương lai", ông lớn công nghệ này cho hay.

Trước đề xuất của Nokia Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét, hỗ trợ và xác nhận những yêu cầu của doanh nghiệp trước ngày 1/9/2014 để đơn vị này tiếp tục chuyển giao dây chuyền công nghệ sản xuất thiết bị điện thoại di động theo đúng chiến lược.

Sau khi mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia hồi tháng 4/2014, Microsoft quyết định thay đổi chiến lược hoạt động của đơn vị này, trong đó sẽ đưa nhà máy tại Việt Nam trở thành đơn vị chủ lực trong sản xuất thiết bị điện thoại di động thông minh. Từ tháng 5/2014, đơn vị này đã tiến hành chuyển giao các dây chuyền sản xuất từ các nhà máy tại Trung Quốc, Hungary và Mexico tới Việt Nam.

Giai đoạn đầu tiên của công đoạn chuyển giao dự kiến sẽ hoàn thành cuối tháng 10 năm nay và sẽ tiếp tục dời các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc cho đến hết tháng 2/2015. Số lượng dây chuyền sản xuất của nhà máy Bắc Ninh dự định tăng từ 6 vào cuối năm 2013 lên 39 vào cuối năm nay.

Với hơn 300 triệu USD vốn đăng ký đầu tư, của Nokia tại Bắc Ninh bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 6/2013. Năm 2013, nhà máy đã xuất xưởng 10,8 triệu sản phẩm điện thoại, giá trị xuất khẩu hơn 193 triệu USD. Trong đó, các dòng được Nokia sản xuất tại Việt Nam là Nokia 105, Nokia 107 và Nokia 108.

Huyền Thư (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.