Dù là hàng hiệu Chanel, Hermès, Louis Vuitton… cực đẹp và cực đắt nhưng không phải mọi mẫu mã sản xuất ra đều bán được hết. Vậy những áo da, đôi giày, túi xách thanh lịch ấy đi về đâu, khi các nhà sản xuất hàng hiệu ấy, thuộc Di sản quốc gia Pháp, lâu nay tuyên bố không “sale off” ?

Bán không hết: Đốt bỏ

Bạn có biết nơi kết thúc của những món hàng không bán được của Hermès, Vuitton, Chanel và các thương hiệu cao cấp nổi tiếng khác?

Không bao giờ LV hay Hermès chính thức bán giảm giá trong cửa hàng của họ. Tuy nhiên, những người có đặc quyền nhất định có thể hưởng lợi từ việc thanh lý hàng một cách rất kín đáo.

Việc “sale off” này được thực hiện vô cùng bí mật, chỉ có độ chục người trong số 10.000 nhân viên của Hermès chứng kiến việc này.

Vào đầu giờ sáng, họ đã có mặt trước lò xử lý chất thải Saint-Ouen ở Seine-Saint-Denis, gần Paris. Cuộc tụ họp bất thường của những người thợ da vốn đã quá quen với xưởng của mình ở Pantin hơn là nhà máy xử lý chất thải với những ống khói to lớn, nơi sẽ biến những sản phẩm sang trọng thành đống tro tàn, cùng với sự tham gia của đại diện pháp luật.

Một nhân chứng xin giấu họ tên kể lại: “Sản phẩm Hermès còn nguyên trong hộp được xe tải chở đến. Nhiệm vụ của chúng tôi là xác nhận tất cả mọi thứ bị phá hủy hoàn toàn và không ai có thể lấy đi bán rẻ hoặc mang về sử dụng”.

Quần áo hoặc giày… bị ném vào trong một cái hố khổng lồ và nhanh chóng bị thiêu cùng với các loại rác thải khác. Cảnh này không được chụp ảnh, các nhân viên của Hermès buộc phải giữ bí mật và cũng là đề tài cấm kỵ của ngành công nghiệp xa xỉ này.

Ai có thể hiểu được vào thời điểm phát triển bền vững, hoặc trong khi Pháp đang vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, hãng sản xuất đồ xa xỉ lại tiến hành loại bỏ hàng tồn kho? Tuy nhiên, họ không có lựa chọn nào khác.

Một cựu lãnh đạo khẳng định: “Đây là giải pháp cuối cùng. Hermès ý thức về hình ảnh tinh tế của mình và đó là cách duy nhất để gìn giữ một thương hiệu độc quyền”.

Tuy nhiên, không chỉ có Hermès hủy hàng tồn kho của mình, cả Chanel, Louis Vuitton, Dior hay Prada… cũng làm thế. Theo ông Serge Carreira, chuyên gia về hàng xa xỉ, thuộc viện nghiên cứu Sciences-Politiques (ngành quản trị kinh doanh) , Pháp: “Tuy là một thương hiệu sang trọng hấp dẫn, nhưng không thể bán hết mọi thứ. Đó là hàng may sẵn, sản xuất theo mùa và theo mốt nhất thời, chúng làm tăng lượng hàng tồn, nên có thể bỏ”.

Thế nhưng túi xách hiệu Kelly hoặc Louis Vuitton không bao giờ bị đốt bỏ.

Những cách sale off bí mật

Trước khi đến giai đoạn “kịch tính” này, các nhãn hiệu xa xỉ cũng có cách chọn lựa ít cực đoan hơn, nhằm “sơ tán” hàng hóa của họ.

Tận trong sâu vùng Malakoff tỉnh Hauts-de-Seine, tại Espace Clacquesin, một nhà máy chưng cất rượu cũ được cải tạo lại, nhà Louis Vuitton đã tổ chức bán hàng cách kín đáo vào ngày 21/6/2013.

Tuy nhiên, ngày trước đó các nhân viên của họ đã “thu gom” bớt một phần sản phẩm không bán được. Giá cả thật hấp dẫn: có loại giảm 50%, như áo tắm giá 550 Euro nay chỉ còn 275 Euro.

Tuy vậy, không phải ai cũng biết, Vuitton chỉ cho một số người được ưu tiên tiếp cận với các sản phẩm giá hời. Vì với đa số công chúng, chỉ có một quy tắc được người chủ cũ của thương hiệu là Yves Carcelle lặp đi lặp lại: “Vuitton không bao giờ bán giảm giá”.

Bán hàng cho tư nhân là cách tốt nhất để các thương hiệu lớn “xả hàng” ồ ạt. Hệ thống máy tính có thể cho biết lượng hàng không bán được hàng tuần tại các cửa hàng và cho phép hạn chế hàng tồn kho, nhưng ngoại trừ nhãn hàng thời trang Prada của Ý có cửa hàng trong vùng ngoại ô thành phố Florence để giảm tồn kho, không một thương hiệu tên tuổi nào phó thác sản phẩm của mình cho bên thứ ba bán trong các cửa hàng. Vậy, nguyên tắc bất di bất dịch về độc quyền sẽ vẫn còn?

Trong suốt 2 năm, Chanel đã cất giấu bộ sưu tập quần áo may sẵn và các phụ kiện vào kho của mình, gần Chantilly, tỉnh Oise. Vì vậy, những món hàng này trở nên lỗi thời khi được trưng bày tại Espace Champerret vào tháng 10, cùng với danh sách những khách VIP sẵn sàng đứng nối đuôi hàng giờ chỉ để mua một túi xách vài trăm euro.

Một nhân viên Chanel tiết lộ: “Sản phẩm được bán chỉ có giá bằng từ 10 đến 20% giá bán lẻ”. Với giá này, khách hàng chấp nhận tất cả, kể cả việc thay đồ bên ngoài vì thiếu phòng thay đồ!

Hermès không để dành hàng của mình cho những người có đặc quyền. Hàng năm, nhà sản xuất đồ da lâu đời này đều hẹn với người hâm mộ tại Cung Hội nghị Paris.

Không cần phải phô trương ầm ĩ, chỉ cần chèn một dòng nhỏ trên báo Le Figaro, như lời một người bán hàng: “Lời truyền miệng có tác dụng tuyệt vời”. Quần áo may sẵn, cà vạt, giày dép, vải… đều có mức giảm dao động từ 40 đến 60%. Tùy theo năm, ba ngày bán hàng trung bình có thể giảm khoảng 3/4 lượng hàng tồn kho.

Cuối cùng, các thương hiệu sang trọng đã có giải pháp, không cần phải vứt bỏ, chỉ đơn giản là số hàng tồn sẽ được mua lại cách bí mật. Ông Maurice Goldberger, quản lý công ty Chiron cho biết: “Mỗi năm công ty mua từ 2 đến 3 triệu đô-la hàng hiệu, đặc biệt là đồng hồ Thụy Sĩ”.

Còn ông Michaël Benabou, một đối tác của trang mạng Vente-privée và chuyên gia thị trường cao cấp xác nhận: “Ông ấy bán lại các sản phẩm tại Mỹ và Canada, những nước mà việc bán xả hàng tồn kho rất phổ biến và có thể cùng tồn tại với mạng lưới các cửa hàng truyền thống. Ông cũng bán nó tại các khu vực nơi các thương hiệu ít được du nhập, như Nam Mỹ hay châu Phi”.

Còn có những người mua khác như công ty cha con nhà Simah, hoạt động trong hơn 20 năm tại Pháp với khoảng 30 thương hiệu cao cấp. Rất kín đáo, công ty nhỏ do gia đình điều hành này bán những món hàng rất đẹp, mà theo cậu con trai Kevin Simah là: tại những xứ hàng hiệu ít được đưa vào bán.

Anh đã mở cửa hàng đầu tiên của mình bán những mặt hàng xa xỉ tại Paris. Thử thách của anh là gì? Thuyết phục các thương hiệu lớn đừng đưa hàng tồn của họ đến lò thiêu!

Theo Doanh nhân Sài Gòn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.