Khủng hoảng kinh tế đã gây tác hại khó lường cho Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới. Không chỉ dân nghèo phải gánh chịu hậu quả mà ngay cả tầng lớp siêu giàu cũng chịu tai họa!

Theo điều tra của báo The Economic Times của New Delhi, năm 2011 do khủng hoảng kinh tế, số tỉ phú của Ấn Độ đã giảm 1/3, từ 60 của năm 2010 giảm còn 40. Giá trị tài sản của họ “mất trắng” 38%! Nguyên nhân tỉ phú giảm sút là thị trường chứng khoán “bốc hơi”, đồng rupee mất giá, tỉ lệ lạm phát cao kỷ lục.

Báo The Economic Times viết: “Các tỉ phú Ấn Độ cảm thấy hổ thẹn và đau đớn khi ở nước láng giềng Trung Quốc, số tỉ phú tăng mà không giảm: năm 2010 chỉ có 189, đến cuối năm 2011 đã tăng vọt lên 271 và giá trị tài sản cũng tăng nhiều”.

Giới phân tích tài chính Ấn Độ cho rằng “câu lạc bộ” tỉ phú giảm sút hội viên phản ánh tình trạng sa sút trầm trọng của kinh tế đất nước, sự quản lý yếu kém của chính phủ và sự xa lánh của giới đầu tư nước ngoài. Nhà kinh tế Hemen Kapadia, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Mumbai, nói: “Chính phủ phải sớm có biện pháp khắc phục khủng hoảng: thiếu hụt ngân sách lớn, lạm phát cao, đồng rupee mất giá nhanh. Cải cách kinh tế chỉ có trên giấy!”.

Nỗi đau của tỉ phú
Anh em tỉ phú Mukesh Ambani – Anil Ambani. Ảnh: REUTERS
Có 5 tỉ phú bị thua thiệt nhiều nhất, chỉ trong một năm giá trị tài sản sụt giảm từ 44% đến 62%. Điển hình là anh em tỉ phú ngành truyền thông Mukesh Ambani – Anil Ambani. Giá trị tài sản của tỉ phú em Anil năm 2010 là 14,55 tỉ USD, năm 2011 chỉ còn 5,53 tỉ USD, “mất trắng” 62%. Tỉ phú anh Mukesh, người giàu nhất Ấn Độ, từ 34,75 tỉ USD chỉ còn 19,15 tỉ USD, mất 44,9%. Tỉ phú này sở hữu một tòa nhà 27 tầng trị giá 2 tỉ USD ở trung tâm tài chính Mumbai, chưa biết năm nay có làm ăn thua lỗ nữa hay không.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu chứng khoán Ấn Độ Jigar Shah than phiền: “Các nhà đầu tư đang đua nhau rời khỏi Ấn Độ. Kinh tế Ấn Độ chưa bao giờ ảm đạm như hiện nay. Nhiều tỉ phủ đã vỡ mộng làm giàu!”.

Theo Thanh Tùng (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.