Dưới đây là những tỷ phú sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, từng phải làm nhiều công việc chân tay trước khi gây dựng nên cơ nghiệp tỷ USD.

Howard Schults (Tài sản: 2,9 tỷ USD)

Howard Schults lớn lên trong gia cảnh khốn khó và nhận thức rõ mình đang sống ở một phía của xã hội. “Tôi biết những người ở phía bên kia xã hội có nhiều nguồn lực, của cải và gia đình hạnh phúc hơn... Tôi muốn vượt qua hàng rào đó và đạt được những thứ người ta nói là không thể”, Schults nói.

Ông giành được học bổng thế thao của đại học Northern Michigan và sau khi tốt nghiệp làm việc cho công ty Xerox. Không lâu sau đó, ông mua lại một quán café nhỏ có tên Starbucks với 60 cửa hàng khi đó. Tới năm 1987, ông thành CEO của công ty và mở rộng Startbucks với hơn 27.000 cửa hàng khắp thế giới.

Leonardo Del Vecchio (Tài sản: 22,9 tỷ USD)

Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ ở Milan, Italy, Del Vecchio và 4 anh chị em đã bị gửi vào trại trẻ mồ khôi khi mới ra đời. Từ năm 14 tuổi ông đã bắt đầu làm việc và được nhận vào một nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô và gọng kính - nơi ông bị mất một phần ngón tay của mình. Năm 23 tuổi, ông bỏ việc mở cửa hàng kính mắt tại gia.

Đến nay, cửa hàng này đã phát triển trở thành hãng sản xuất kính mắt hàng đầu thế giới với các thương hiệu Ray- Ban và Oaklay.

Li Ka-shing (Tài sản: 35 tỷ USD)

Li Ka-shing rời Trung Quốc đại lục tới Hong Kong từ những năm 1940, tuy nhiên, vì cha qua đời khi ông mới 15 tuổi nên một mình ông phải cáng đáng cả gia đình. Năm 1950, ông thành lập công ty Cheung Kong Industries chuyên sản xuất đồ nhựa trước khi chuyển sang lĩnh vực bất động sản.

Shahid Khan (Tài sản: 7,2 tỷ USD)

Shahid Khan là người nhập cư vào Mỹ từ Pakistan. Ông từng phải đi rửa bát thuê với mức lương 1,2 USD/giờ để kiếm tiền học đại học Illinois. Hiện ông sở hữu Flex-N-Gate - một trong những công ty chưa niêm yết lớn nhất tại Mỹ.

Do Won Chang (Tài sản: 3,1 tỷ USD)

Do Won Chang cùng vợ Jin Sook là hai tỷ phú đứng sau thương hiệu thời trang nổi tiếng Forever 21. Khi mới nhập cư vào Mỹ từ Hàn Quốc, Do Won từng phải làm cùng lúc 3 công việc để trang trải cuộc sống. Họ mở cửa hàng thời trang đầu tiên vào năm 1984. Hiện Forever 21 có hơn 700 cửa hàng với doanh thu hơn 4 tỷ USD mỗi năm.

George Soros (Tài sản: 8 tỷ USD)

George Soros sinh ra trong một gia đình Do thái tại Hungary. Năm 1947, ông cùng gia đình phải rời khỏi đất nước và tị nạn tới Anh. Tại đây, để theo học Đại học kinh tế London, ông phải làm đủ công việc như bồi bàn, bốc vác tại bến tàu.

Sau khi tốt nghiệp, Soros làm việc cho một cửa hàng bán đồ lưu niệm trước khi được nhận vào làm tại một ngân hàng. Sau đó, ông được giới thiệu sang làm tại New York. Năm 1992, ông nổi tiếng với vụ đánh sập Ngân hàng Trung ương Anh.

Roman Abramovich (Tài sản: 11,5 tỷ USD)

Roman Abramovich sinh ra trong gia đình nghèo khổ tại miền nam nước Nga. Ông mồ côi khi mới lên 2 và được nuôi nấng bởi một người bác. Khi là sinh viên tại Moscow Auto Transport Institute năm 1987, ông đã thành lập công ty sản xuất đồ chơi nhựa, nền tảng giúp ông xây dựng một đế chế dầu mỏ khổng lồ của nước Nga.

Lakshmi Mittal (Tài sản: 18,5 tỷ USD)

Tài phiệt ngành thép Ấn Độ sinh năm 1950 trong một gia đình nghèo. Ông đã gây dựng cơ đồ trong suốt hai thập kỷ với nhiều công ty hoạt động trong ngành thép, xây dựng và viễn thông.

Larry Ellison (Tài sản: 64,1 tỷ USD)

Sinh ra tại Brooklyn, New York bởi một bà mẹ đơn thân, Larry Ellison sống với dì tại Chicago. Tuy nhiên, sau khi dì qua đời, ông bỏ học đại học và chuyển tới California làm đủ công việc khác nhau trong 8 năm liền. Tới năm 1977, ông thành lập hãng phần mềm Oracle - hiện là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Zing News
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.