Lý lịch “đỏ như son” nhưng anh Huỳnh Việt Cư từ chối du học Liên Xô, chọn làm nông dân ở Đồng Tháp Mười. Hơn 30 năm bám ruộng, anh có trong tay 50 mẫu đất và nhiều tài sản trị giá bạc tỷ…

Ở Long An, tên của người Anh hùng Lực lượng vũ trang Huỳnh Việt Thanh được đặt cho nhiều ngôi trường và con đường. Ông đã chỉ huy đội du kích chiến đấu trên 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 400 tên địch và hy sinh năm 1966.


Nhớ mẹ, bỏ du học về làm ruộng, kiếm bạc tỷ
Chín Cư (bên phải) và một người bạn dùng ca nô đi thăm ruộng.

Bỏ du học vì "nhớ mẹ"


Vợ người anh hùng một nách nuôi đến 10 đứa con, Huỳnh Việt Cư là con trai thứ 9 và cũng là con trai duy nhất, lúc này chỉ mới 6 tuổi. Là con của "Việt cộng", bản thân mẹ ông Cư cũng hoạt động cách mạng nên chị em ông Cư đã có tuổi thơ vô cùng khổ sở bởi đi đâu, làm gì cũng bị địch theo dõi, trù dập. Các chị của Chín Cư đi cắt lúa mướn cũng phải lén lút bởi cái tội cả cha lẫn mẹ đều là "cộng sản nòi".


Giải phóng, cậu thiếu niên Huỳnh Việt Cư được Nhà nước ưu tiên đưa đi Liên Xô đào tạo. "Sau giải phóng, vé máy bay rất khó khăn nên những người được cử đi học thường phải vài năm mới về thăm nhà. Tôi nhớ sau khi xong thủ tục, tôi về TP.HCM để có chuyến bay là sẽ qua Liên Xô.


Trong thời gian gần một tháng nằm chờ, nhớ nhà quá nên tôi đón xe đò về quê thăm mẹ. Xong cuốc xe đò, lội bộ thêm gần chục km về nhà, tưởng mẹ sẽ giận mà chửi vì tôi không cố gắng không ngờ mẹ ôm tôi mà khóc. Thấy mẹ già, nhà chỉ có tôi là con trai duy nhất nên tôi thôi ý định du học, ở nhà cày thuê cuốc mướn cùng mẹ…" - Chín Cư kể lại chuyện suýt đi Tây của mình.


Không ruộng đất, cả nhà Chín Cư đi cày thuê cuốc mướn kiếm sống. Một buổi sáng tháng 5.1978, người dân sống gần Nông trường Lúa Vàng (Tân Thạnh, Long An) bỗng nháo nhác khi thấy bầy trực thăng HU (máy bay của quân đội Mỹ từng dùng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây) bay ầm ầm trên đất nông trường. Hai bên bụng máy bay phun ra những vệt bụi vàng. Nhiều người cứ tưởng máy bay địch… rải chất độc hóa học.


Một lúc sau, mọi người mới thở phào. Thì ra là bộ đội đưa máy bay chiến đấu tới giúp nông trường sạ lúa. Chín Cư lúc này đã 18 tuổi, háo hức băng đồng chạy ra xem máy bay rải giống. Chàng thanh niên cứ ngây người nhìn cảnh làm nông nghiệp bằng đại cơ giới ngay trước mắt mình.


Thời điểm này dân Đồng Tháp Mười do trồng lúa mùa, năng suất thấp nên lương thực bình quân đầu người rất thấp, xấp xỉ 100kg lúa/người/năm, nhiều gia đình thường xuyên thiếu đói. Máy cày, máy bơm đã là thứ "xa xỉ" nên chuyện sạ lúa bằng máy bay đã làm cho Chín Cư ao ước một ngày nào đó mình cũng có ruộng đất cò bay thẳng cánh và làm lúa bằng máy…


"Kiến tha lâu có ngày đầy tổ"…


Vụ lúa đầu tiên ở Nông trường Lúa Vàng, bầy trực thăng HU gồm 6 chiếc bay ầm ầm về đậu ở sân bay dã chiến Mộc Hóa. 4 chiếc làm nhiệm vụ sạ lúa, 2 bên bụng đeo 20 giạ lúa (thay cho đeo súng trong chiến tranh), 2 chiếc còn lại làm nhiệm vụ chuyển giống ra nông trường. Phía dưới, hàng trăm người cầm cờ làm "hoa tiêu" để máy bay gieo giống đúng tọa độ.


"Hồi đó máy bay chỉ gieo được những luống lớn, còn đất xéo, đầu thừa đuôi thẹo thì phải dùng người để rải. Ham kiếm tiền, tôi xin vào nông trường để làm nhiệm vụ này. Số tiền được trả công, tôi dùng mua phân, giống để trồng lúa trên 2 mẫu đất mà mình khai hoang. Vụ lúa đầu tiên, tôi trồng lúa Trường Hưng, loại lúa vượt lũ có thời gian sinh trưởng kéo dài đến 6 tháng. Hết mùa lũ, lúa bắt đầu chín, tôi và các chị ra đồng cắt lúa bằng liềm rồi đập lúa bằng tay. Công sức bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng khi năng suất hơn 2 tấn/mẫu - khá cao so với thời điểm đó" - Chín Cư nhớ lại.


"Bạn bè cùng đợt đi với tôi giờ nhiều người làm lớn, ở tỉnh cũng có mà trung ương cũng có. Nhưng tôi không hề hối hận vì quyết định bám đồng bám ruộng của mình".

Làm ruộng dư được đồng nào, Chín Cư lại tiếp tục khai hoang. Xung quanh hễ ai bán ruộng thì anh mua, mỗi năm "đẻ" thêm 2, 3 mẫu. Tới năm 2000, trong tay Chín Cư đã có 50 mẫu ruộng. Cũng bằng kiểu làm ăn tích cóp này, cả 9 chị em còn lại của Chín Cư hiện nay cũng là "địa chủ" khi người nào cũng nắm trong tay trên dưới hai chục mẫu ruộng.


Ruộng đất bề bề, ước mơ cơ giới hóa đồng ruộng đã thực hiện xong, thấy Nhà nước đầu tư nhiều cho kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn, Chín Cư bắt đầu "chỉnh trang" đồng ruộng của mình bằng cách mua xe cuốc để đắp đê bảo vệ lúa. Thời gian rảnh, anh đi đào ao, đắp đê thuê cho bà con trong vùng. Tích cóp, anh lại mua thêm phương tiện. Tới nay trong tay Chín Cư đã có "bầy" xe cuốc 9 chiếc loại lớn, thêm 4 chiếc xe ben và 2 chiếc ô tô để đi công trường và "thăm ruộng".


Tại địa phương, Chín Cư là một trong những người tích cực tham gia đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương và nhiều hoạt động xã hội khác. Hỏi có muốn mua thêm đất nữa không, Chín Cư cười hề hề: "Mấy đứa con tôi thấy làm nông dân cực quá nên giờ lo học chữ không hà. Ruộng đất vầy là đủ rồi, tôi ráng làm cỡ… 80 tuổi "nghỉ hưu" là vừa…".

Theo Dân Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.