“Một khi chúng ta đã bước chân vào lĩnh vực công nghiệp nặng, chúng ta đã nắm bắt được công nghệ, kỹ thuật, chúng ta đã có uy tín; với những điều kiện đó, chúng ta có thể sản xuất rất nhiều thứ. Với hệ sinh thái rộng lớn, với năng lực sản xuất, năng lực tổ chức, chắn chắn đó sẽ là một chân trời mới cho Vingroup”, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ với cổ đông về chiến lược phát triển VinFast tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vừa diễn ra.

Ông Phạm Nhật Vượng tại lễ khai trương tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng vào ngày 14/6/2019. Ảnh: Bloomberg

Xuất khẩu xe VinFast: “Chắc chắn sẽ ổn”

Nói về chiến lược phát triển VinFast, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vừa diễn ra sáng 11/5, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup khẳng định về lâu dài sẽ xuất khẩu xe VinFast. Theo ông Vượng, việc cho rằng có những thị trường, khách hàng chỉ quan tâm đến thương hiệu là không phù hợp. Ông Vượng lấy ví dụ người Mỹ rất thực tế, cứ xe tốt, xe rẻ, xe phù hợp là mua. “Thực tế, Huyndai vào thị trường Mỹ chưa lâu đã chiếm tới 10% thị phần của Mỹ, đó là một con số khủng khiếp. Vậy thì VinFast khác gì Huyndai?”, ông Vượng nói.

“Hoặc những thị trường chúng ta có thế mạnh như Liên Xô cũ nơi mà tôi học tập và sinh sống hai mươi mấy năm, mối quan hệ rất nhiều, thị trường hiểu rất rõ. Đây là những thị trường thế mạnh mà chúng tôi có và cũng là thị trường mấy trăm triệu dân. Thì tại sao không phải là VinFast? VinFast chẳng lẽ cạnh tranh với Lada với Volga (hai hãng xe của Nga – PV) mà không thành công hay sao? Chắc chắn là sẽ ổn”, Chủ tịch Vingroup khẳng định.

Hướng kinh doanh chiến lược

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng khẳng định thêm rằng, việc sản xuất xe ô tô VinFast không chỉ là câu chuyện hiện thực hoá giấc mơ ô tô của Vingroup, “mà thứ nhất là chúng tôi làm ra ô tô xịn và thứ hai đó cũng là hướng kinh doanh về lâu dài là rất chiến lược”.

Ông Michael Lohscheller, Giám đốc điều hành VinFast Toàn cầu và ông David Gillet Lyon (R), Giám đốc thiết kế, công bố xe điện VinFast VF e35 và VF e36 của Vingroup trong sự kiện AutoMobility LA trước thềm Triển lãm ô tô Los Angeles vào ngày 17/11/2021 tại Los Angeles, California (Mỹ). Ảnh: Bloomberg

Ông Vượng cũng chia sẻ với cổ đông rằng: “Đây không phải câu chuyện sau 3-5 năm sẽ có lợi nhuận, chúng tôi không đặt mục tiêu đó; về lâu dài đây sẽ là một trong những trụ cột chính của Vingroup, đi kèm với nó không phải chỉ là sản xuất ô tô. Một khi chúng ta đã bước chân vào lĩnh vực công nghiệp nặng, chúng ta đã nắm bắt được công nghệ, kỹ thuật, chúng ta đã có uy tín; với những điều kiện đó chúng ta có thể sản xuất rất nhiều thứ. Với hệ sinh thái rộng lớn, với năng lực sản xuất, năng lực tổ chức, chắn chắn đó sẽ là một chân trời mới cho Vingroup”.

Theo nội dung Tờ trình của HĐQT Tập đoàn Vingroup đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại kỳ họp thường niên sáng 11/5, Vingroup cho biết, năm 2022, VinFast giới thiệu các mẫu xe ô tô điện thông minh ra thị trường toàn cầu, chính thức nhận đặt hàng đối với ba mẫu xe VF 5, VF 8 và VF 9. Đồng thời, VinFast tiếp tục bàn giao mẫu xe VF e34 đến cho khách hàng tại thị trường Việt Nam và chuẩn bị cho việc bàn giao VF 8, VF 9 cho thị trường toàn cầu từ cuối năm.

Các mẫu xe điện mới được tập đoàn kỳ vọng sẽ giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, nhanh chóng xây dựng thương hiệu tại các thị trường quốc tế bao gồm Mỹ, Canada và châu Âu.

IPO không chỉ để gây quỹ, mà còn nhằm tiếp thị

VinFast, bắt đầu hoạt động vào năm 2019, đang đặt cược lớn vào thị trường Mỹ với kỳ vọng sẽ cạnh tranh được với các tên tuổi lớn cũng như những startup trong ngành.

Nói về câu chuyện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường Mỹ, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tiết lộ việc IPO này không chỉ để gây quỹ mà còn nhằm tiếp thị và khẳng định vị thế của VinFast trên toàn cầu.

Vingroup cũng đang xem xét việc nhận được tài chính từ Chương trình cho vay phát triển công nghệ phương tiện giao thông (AVTM) của chính phủ Mỹ. Chương trình cho vay trị giá 25 tỷ USD này được Nghị viện Mỹ thông qua vào năm 2007 khi các nhà máy sản xuất ô tô lớn của Mỹ có trụ sở tại Detroit lâm vào khủng hoảng toàn diện.

VinFast đã hứa sẽ tạo ra 7.500 việc làm tại nhà máy ở Bắc Carolina, nơi sẽ chế tạo các mẫu SUV VF8 và VF9 chạy bằng pin. Công ty có kế hoạch bắt đầu xây dựng nhà máy ngay sau khi giấy phép được cấp với mục tiêu bắt đầu sản xuất vào năm 2024. Trước đó, VinFast cho biết công ty có kế hoạch bắt đầu xuất khẩu hai loại xe điện này sang Mỹ vào cuối năm nay từ nhà máy ở Việt Nam.

Ông Vượng cũng cho biết, VinFast đặt mục tiêu bán 750.000 ô tô vào năm 2026, với 150.000 ô tô được sản xuất tại Bắc Carolina và phần còn lại từ nhà máy Việt Nam.

Cũng tại đại hội ngày 11/5, các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn Vingroup với doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 6.000 tỷ đồng.

Vingroup cho biết, trong năm 2022 sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính: Công nghệ - Công nghiệp, Thương mại Dịch vụ, Thiện nguyện Xã hội. Tập đoàn duy trì mô hình P&L tại các công ty con, nhấn mạnh yêu cầu về hiệu quả và minh bạch nhằm xây dựng bộ máy quản trị tinh gọn, đa năng và linh hoạt.

Tập đoàn sẽ đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của mỗi ngành dọc, mục tiêu luôn đưa ra sẩn phẩm chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế cho người tiêu dùng, qua đó đa dạng hóa nguồn thu và khuyến khích khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong hệ sinh thái; mở rộng hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp ra nước ngoài.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.