Shibusawa Eiichi được xem là cha đẻ của triết lý kinh doanh Nhật Bản với dấu ấn về kinh tế và đạo đức kinh doanh. Việc siêng đọc sách từ nhỏ góp phần to lớn vào thành công của ông.

Shibusawa Eiichi là một nhà kinh tế lỗi lạc của Nhật Bản cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông còn là người đã áp dụng đạo đức vào kinh doanh góp phần làm cho tư tưởng, triết lý kinh doanh lan tỏa và ảnh hưởng tới nhiều doanh nhân Nhật Bản về sau.

Doanh nhân Nhật Bản Shibusawa Eiichi. Nguồn ảnh: Kinsei Meishi Shashin vol.2.Nhà khởi nghiệp vĩ đại

Năm 1868, Nhật Bản bắt đầu công cuộc duy tân dưới thời Thiên hoàng Minh Trị để từ đó xứ sở Phù Tang trở thành một cường quốc trên thế giới. Trong cuộc duy tân ấy, nhiều tên tuổi để lại dấu ấn đậm nét cho sự vươn lên của quốc đảo này, trong đó có Shibusawa Eiichi.

Shibusawa Eiichi (1840-1931) nằm trong số ít những người có đóng góp về kinh tế, trong khi rất nhiều tên tuổi tạo dấu ấn ở lĩnh vực chính trị, tư tưởng.

Theo tác phẩm Nhà tư bản lỗi lạc thời Minh Trị Shibusawa Eiichi, ông vốn sinh ra trong gia đình gốc nông dân, rồi trở thành thuộc hạ của Mạc phủ. Nhờ cơ hội được sang phương Tây năm 1867, Eiichi mở rộng tầm hiểu biết của mình, năng quan sát, ghi chép để học hỏi, nhất là việc thành lập công ty và phát triển ngân hàng.

Chính nhờ những gì được mắt thấy tai nghe ấy mà sau này khi về nước, Eiichi đã áp dụng vào thực tiễn Nhật Bản lúc đang duy tân, để rồi tạo ra những thành quả to lớn.

Mới 29 tuổi, Eiichi đã lập ra Phòng Thương mại Shizouka, loại hình công ty cổ phần đầu tiên ở Nhật Bản. Khi tham gia chính phủ Minh Trị, chàng trai trẻ nhanh chóng trở thành lãnh đạo Bộ Tài chính.

Nhưng dấu ấn lớn của Eiichi là khi ông từ quan, đi con đường riêng của mình với những thành tựu đáng kể: Năm 1873 giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc lập Daiichi, lập công ty chế tạo giày. Sau đó, nhiều công ty được ông lập nên như Công ty đường sắt Tokyo, Công ty gạch ngói Shinagawa, Công ty bảo hiểm hàng hải Tokyo...

Shibusawa Eiichi là một trong 10 nhân vật được đề cập ở sách Duy Tân thập kiệt. Ảnh: Lê Tiên Long.Triết lý kinh doanh Nhật Bản

Không chỉ quan tâm đến kinh tế, Eiichi còn chú trọng đến giáo dục. Vì thế khi 35 tuổi, ông lập Sở giảng dạy luật thương mại, là tiền thân Đại học Hitotsubashi; sau này lập Hội Takuzen để bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng; Viện trưởng Viện Giáo dưỡng Tokyo...

Xem niên biểu của Shibusawa Eiichi trong Duy Tân thập kiệt, sẽ thấy kể từ năm 29 tuổi, gần như cứ theo từng năm về sau, Eiichi hoặc là sẽ lập một công ty, ngân hàng, hội quán nào đó, hoặc là sẽ giữ một chức vụ mới ở một tổ chức kinh tế, thương mại...

Trong đời mình, Eiichi đã lập ra khoảng 500 công ty lớn trong các lĩnh vực quan trọng từ ngân hàng tới đường sắt, vận tải, mậu dịch...

Ông trở thành nhà khởi nghiệp vĩ đại của nước Nhật, được xem là cha đẻ của triết lý kinh doanh Nhật Bản như lời ông tâm sự trong sách Luận ngữ và bàn tính:

"Đừng tưởng lầm là thương nghiệp và đạo đức không thể dung hòa được với nhau như nước với lửa. Cho dù tri thức có phát triển và tài sản có gia tăng bao nhiêu chăng nữa, nếu không có đạo đức thì không thể nào phát huy được hết sức mình trong thiên hạ".

Với những đóng góp cho đất nước, Shibusawa Eiichi còn được mệnh danh là "ông tổ chủ nghĩa tư bản Nhật Bản", hoặc "cha đẻ của kinh tế tập đoàn Nhật Bản hiện đại".

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay chịu ảnh hưởng từ triết lý kinh doanh của ông, điều đó giúp sản phẩm của xứ Phù Tang luôn vươn tầm thế giới về chất lượng.

Trần Đình Ba (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Người từng lập 500 công ty, là cha đẻ triết lý kinh doanh Nhật

    Người từng lập 500 công ty, là cha đẻ triết lý kinh doanh Nhật

    30/09/2020 3:00 PM

    Shibusawa Eiichi được xem là cha đẻ của triết lý kinh doanh Nhật Bản với dấu ấn về kinh tế và đạo đức kinh doanh. Việc siêng đọc sách từ nhỏ góp phần to lớn vào thành công của ông.

  • Tỷ phú doanh nhân Shigenobu Nagamori - người đi “ngược chiều”

    Tỷ phú doanh nhân Shigenobu Nagamori - người đi “ngược chiều”

    31/12/2016 9:01 AM

    Phía nam những ngôi đền Kyoto linh thiêng của Nhật Bản, nổi bật giữa các nhà máy công nghiệp và khu dân cư trung bình là một tòa nhà chọc trời. Trong một căn phòng trên đỉnh của tòa nhà, tỷ phú doanh nhân Shigenobu Nagamori - với chiếc cà vạt xanh lá cây, áo túi vuông cùng cặp kính trong, đang diễn thuyết về đường lối kinh doanh của mình, Bloomberg mô tả.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.