Cập nhật 05/07/2017 12:04 AM
Vừa qua, bản kết quả cuộc khảo sát Niềm tin kinh doanh trong tương lai do Công ty Nielsen thực hiện với các lãnh đạo doanh nghiệp đã xếp Việt Nam là một trong 3 thị trường hàng đầu để mở rộng kinh doanh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam cũng đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu 2016 với 50,8 điểm.

Ông Matthew Powell - Giám đốc phụ trách thị trường Hà Nội của Savills Việt Nam cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ dân số thành thị tăng khoảng 3 – 4% mỗi năm, tương đương 3,5 triệu người, là một thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp bán lẻ.

Bình quân mặt bằng bán lẻ hiện nay tại Hà Nội là 0,26m2/người, TP.HCM là 0,12m2/người - thấp hơn rất nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok (0,89m2/người), Singapore (0,75m2/người), Bắc Kinh (0,65m2/người)…

Cùng có nhận định tương tự, tại hội thảo Phát triển ngành bán lẻ do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 22/6, ông Ralf Matthaes - người sáng lập Infocus Mekong Research cho rằng, trong khi phần lớn người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi về tăng trưởng kinh tế và tỏ ra dè dặt trong tiêu dùng thì các doanh nhân tỏ ra có niềm tin hơn về sự phát triển của nền kinh tế. Đó là lý do khiến nguồn vốn đổ vào lĩnh vực này tiếp tục tăng.

Tại hội thảo, bà Trịnh Lan Phương – Chủ tịch HĐQT Bibo Mart cho biết, sau 10 năm thành lập với số vốn ban đầu 130 triệu đồng, Bibo Mart hiện được định giá 142 triệu đô la Mỹ, doanh thu trên 100 triệu đô la Mỹ và có 150 cửa hàng trên cả nước.

Nói về xu hướng đóng cửa các cửa hàng truyền thống, thay vào đó là sự lấn át của thương mại điện tử và cơn bão cách mạng công nghiệp 4.0, bà Lan Phương cho hay, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị về mặt tài chính, con người, công nghệ, hệ thống quản trị.

Bibo Mart đã phải tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu trong ngành bán lẻ thế giới như cựu lãnh đạo của Walmart, 7-Eleven… để quản trị công ty; đầu tư hàng triệu đôla Mỹ cho ứng dụng công nghệ, quản lý dữ liệu lớn…

Cũng trong hội thảo ngày 22/6, ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Trung tâm FPT Digital Retail cho rằng bán hàng đa kênh (omni-channel) đang trở thành một xu hướng bán lẻ hiệu quả.

Dẫn chứng là tại Việt Nam, 44% khách hàng tìm hiểu sản phẩm online và tiếp tục đặt hàng online trong khi tỷ lệ khách hàng tìm hiểu sản phẩm online nhưng mua tại các cửa hàng offline lên tới 51%. Bên cạnh đó, hành vi người tiêu dùng cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ khi các thiết bị điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến.

Tuy nhiên theo ông Quốc Bảo, để thành công trong mô hình bán hàng đa kênh, doanh nghiệp phải đương đầu với một loạt thách thức như làm thế nào để thông tin xuyên suốt trong toàn hệ thống; đội ngũ nhân lực để thích ứng với những thay đổi mới; sự xung đột giữa kênh online và offline – khi kênh này thu được một đồng có nghĩa kênh còn lại mất đi một đồng tương ứng…

Về lĩnh vực logistics hỗ trợ lĩnh vực bán lẻ, ông Lương Duy Hoài - nguyên Giám đốc Giao Hàng Nhanh cho biết, xu hướng tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ đang mở ra cơ hội và thách thức cho các hãng logistics. Không phải ai giao hàng nhanh nhất, mà bài toán đặt ra cho thị trường bán lẻ hiện đại là làm thế nào để phân phối hiệu quả sản phẩm tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người mua mỗi ngày. Mạng lưới giao hàng đáp ứng tính phức tạp trong yêu cầu cá biệt từng khách hàng quyết định sự thành công trong lĩnh vực này.

Xuân Thu (DNSGCT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….