Là đệ nhất phu nhân người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Mỹ, bà luôn đòi hỏi mọi thứ phải thật hoàn hảo và dù không thích chính trị, bà đã luôn theo sát người chồng nổi tiếng.

Michelle Obama – một đệ nhất phu nhân xuất sắc


Đệ nhất phu nhân Michelle Obama khá nóng tính và hay nổi giận không chỉ với đội ngũ cận vệ của Tổng thống mà còn với cả chính ông chồng của bà.


Tháng 1/2010, khi Đảng Dân chủ để mất ghế trong Thượng viện của thượng nghị sỹ Edward Kennedy, Tổng thống Barack Obama giữ thái độ bình tĩnh trong các buổi họp, ông từ chối nói đến thất bại hay trách mắng nhân viên. Đệ nhất phu nhân Michell Obama, tuy nhiên không thể hài lòng với việc Nhà trắng lại để mất chiếc ghế quan trọng, cần thiết để giúp Tổng thống Mỹ có thể thông qua dự luật về cải tổ ngành y tế cũng như nhiều chương trình nghị sự khác.


Đối với bà, thất bại có nguyên nhân trực tiếp từ cái mà bà đã nói bao lâu nay: những tư vấn viên của Tổng thống Obama quá thiển cận và không có cái nhìn chiến lược. Bà đã hy vọng người chồng của mình sẽ trở thành một nhân vật mang đến nhiều bước ngoặt, tuy nhiên khi ông không bảo vệ được chương trình cải tổ ngành y tế của mình, nhiều người dân Mỹ coi ông như một chính trị gia bình thường.


Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ không bao giờ đối đầu trực diện với tư vấn của Tổng thống, đó không phải cách hành xử của bà, thế nhưng tư vấn viên Tổng thống biết được thái độ của bà qua chính ngài Tổng thống.


Ông Rahm Emanuel, sau này đảm nhiệm vị trí phụ trách Nhà Trắng, hết sức bực mình với tính cách của đệ nhất phu nhân. Trong bài phỏng vấn ngắn mới đây, ông phủ nhận việc ông có bất đồng với bà Michelle Obama, tuy nhiên nhiên tư vấn viên Tổng thống kể lại tình huống đáng buồn: một ngài Tổng thống với hàng loạt dự luật bế tắc, một đệ nhất phu nhân không hài lòng với hướng giải quyết của Nhà Trắng và một người phụ trách phản đối ảnh hưởng từ phía bà.


Bà Michelle Obama của tháng 1/2012 là bậc thầy trong việc lôi cuốn người khác, “người nữ anh hùng” của các hoạt động từ thiện như giúp đỡ gia đình quân nhân, trẻ em béo phì; bà ngoài ra còn luôn muốn gây ảnh hưởng đến quá trình tranh cử Tổng thống lần 2 của ông Obama.


Đối với chồng, bà luôn luôn theo sát và ủng hộ ông; bà là một nhân vật khá xuất sắc, luôn cảm nhận rõ áp lực và cơ hội của một đệ nhất phu nhân người Mỹ gốc Phi đầu tiên và luôn cố gắng khiến vai trò của mình có thật nhiều ý nghĩa.


Ban đầu, bà trì hoãn việc chuyển đến Nhà Trắng trong nhiều tháng, sau khi đến, bà hết sức bực mình với hàng loạt quy định và ràng buộc của cuộc sống nơi đây. Bà không thể dắt chó đi dạo mà không bị chụp ảnh trộm, bà chịu sự giám sát của cận vệ Thủ tướng đối với mọi việc, từ việc trang trí khu nhà ở riêng của gia đình cho đến việc đưa theo chuyên viên trang điểm trong các chuyến đi ra nước ngoài.


Bà rất quan tâm đến việc chồng bà được bầu lên để làm gì và luôn biết gìn giữ các giá trị. Đối với đội ngũ cộng sự của chồng, bà còn khắt khe với họ hơn chính ông và có khi bà còn đề xuất thay đổi một số người trong họ. Sự căng thẳng đã có lúc lên cao đến mức đã có một buổi họp vào năm 2010 chỉ riêng về vấn đề này.


Trong một, bài phỏng vấn, ông David Axelrod, chiến lược gia lâu năm của Tổng thống Obama, nhận xét: “Bà luôn quan tâm rất chặt chẽ đến chồng mình. Khi bà nghĩ mọi chuyện đã sai lầm hoặc không đúng theo lộ trình, bà lập tức sẽ thể hiện quan điểm. Bởi bà kỳ vọng rất nhiều vào ông và hiểu ông đã phải vất vả như thế nào, bà luôn muốn đảm bảo mọi người đang làm đúng phận sự và trách nhiệm của họ.”


Cũng giống như nhiều người luôn ở bên và ủng hộ Tổng thống Obama, bà Obama quan tâm nhiều đến khoảng cách giữa tầm nhìn, tham vọng của ngài Tổng thống và thực tế những gì ông có thể làm được. Bà căng thẳng với các tư vấn của Tổng thống cũng bởi họ luôn tranh cãi Tổng thống nên là người như thế nào, bà luôn muốn ông thực hiện được chương trình đầy hoài bão nhưng không mấy được ủng hộ như cải tổ ngành y tế hay sửa luật nhập cư.


Susan S. Sher, người làm việc thân cận nhất với đệ nhất phu nhân, chia sẻ: “Bà ấy nghĩ rằng còn nhiều thứ tệ hại hơn cả việc thất bại trong một cuộc bầu cử. Việc sống thật với chính bản thân mình, theo bà, còn quan trọng hơn. Thỉnh thoảng bà cũng nói về việc cuối cùng mọi chuyện sẽ ra sao nếu chồng bà thua cuộc trong cuộc bầu cử năm 2012. Chúng tôi biết mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp cả thôi.”


Michelle Obama – 1 trong 25 phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới


Michelle LaVaughn Robinson Obama sinh ngày 17 tháng 1 năm 1964 – năm Giáp Thìn. Sinh trưởng ở South Side, Chicago, Michelle tốt nghiệp Đại học Princeton và Trường Luật Đại học Harvard. Bà trở về Chicago, làm việc cho công ty luật Sidley Austin, có tên trong ban nhân viên của Thị trưởng Chicago Richard M. Daley, bà cũng làm việc cho Đại học Chicago và Trung tâm Y khoa Đại học Chicago. Bà là chị của Craig Robinson, huấn luyện viên đội bóng rổ nam Đại học Tiểu bang Oregon.


Michelle Robinson chào đời tại Chicago, Illinois, là con gái của Frasier Robinson (mất năm 1990), Robinson là nhân viên nhà máy nước, cũng là trưởng một chi bộ Đảng Dân chủ, và Marian Robinson, thư ký cửa hàng tiếp thị Spiegel. Michelle lớn lên trong khu cộng đồng South Shore ở Chicago, trong một gia đình truyền thống, ở đó mọi người quây quần quanh bàn ăn tối. Michelle có một em trai nhỏ hơn mình 16 tháng tuổi, Craig, học nhảy lớp hai.


Hầu hết thân nhân của Michelle đều sống ở Nam Carolina. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học Whitney Young năm 1981, Michelle đến Đại học Princeton theo học chuyên ngành xã hội học, và chọn môn phụ khảo cứu về người Mỹ gốc Phi. Năm 1985, bà tốt nghiệp với văn bằng cử nhân hạng giỏi.


Tại Princeton, Michelle tranh luận về phương pháp dạy Pháp ngữ bởi vì bà cảm thấy cần có nhiều thảo luận hơn trong lớp học. Luận văn tốt nghiệp của bà có tựa đề “Người da đen từng học ở Princeton và Cộng đồng Da đen”. Năm 1988, Michelle đậu bằng Tiến sĩ Luật (J.D.) tại Đại học Harvard. Trong thời gian theo học ở Harvard, Michelle tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ việc tuyển dụng giáo sư thuộc các sắc dân thiểu số.


Michelle gặp Barack Obama khi họ là hai người da đen duy nhất làm việc tại công ty luật, lúc ấy bà được giao nhiệm vụ hướng dẫn Obama, một nhân viên làm việc trong mùa hè. Mối quan hệ của họ bắt đầu với một bữa ăn tối để bàn công việc, kế đó là một buổi họp về tổ chức cộng đồng, ở đó Obama đã gây ấn tượng tốt đối với bà. Lần hẹn hò đầu tiên của hai người là cùng đi xem một cuốn phim của Spike Lee Do the Right Thing. Hôn lễ cử hành vào tháng 10 năm 1992. Họ có hai con gái, Malia Ann (sinh 1998), và Natasha (Sasha, 2001). Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của chồng, Michelle cam kết chỉ “xa nhà một lần trong tuần – để vận động tranh cử hai ngày mỗi tuần, và có mặt ở nhà vào chiều tối ngày thứ hai” để chăm sóc con. Hiện nay, Michelle là cố vấn thân tín nhất của chồng mặc dù bà từng nói, “Công việc của tôi không phải là một cố vấn trưởng.”


Sau khi tốt nghiệp trường luật, Michelle đến làm việc tại văn phòng Chicago của công ty luật Sidley Austin trong lĩnh vực tiếp thị và quyền sở hữu trí tuệ. Về sau, bà đảm nhiệm một số chức trách về khu vực công của chính quyền thành phố Chicago trong cương vị phụ tá thị trưởng, rồi Phụ tá Ủy viên Quy hoạch và Phát triển. Đến năm 1993, bà trở thành giám đốc điều hành văn phòng Chicago của Public Allies, một tổ chức phi lợi nhuận chủ trương khuyến khích giới trẻ tham gia các hoạt động xã hội do các cơ quan chính phủ hoặc các nhóm thiện nguyện điều hành. Trong thời gian gần bốn năm làm việc cho Public Allies, Michelle mở kỷ lục gây quỹ đứng vững suốt 12 năm sau khi bà rời tổ chức này.


Năm 1996, bà về làm phụ tá giám đốc sinh viên vụ cho Đại học Chicago, ở đó bà phát triển Trung tâm Dịch vụ Cộng đồng của viện đại học. Năm 2002, bà trở thành giám đốc điều hành các vấn đề cộng đồng cho các bệnh viện Đại học Chicago, đến tháng 5 năm 2005 được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Chủ tịch đặc trách Đối ngoại và các vấn đề Cộng đồng. Bà vẫn giữ vị trí này, tuy chỉ làm việc bán thời gian để dành nhiều thời gian hơn cho các con.


Cùng với sự thăng tiến của chồng như là một chính khách hàng đầu của nước Mỹ, Michelle Obama trở thành một phần của nền văn hóa đại chúng. Tháng 5 năm 2006, tạp chí Essence kể tên bà trong danh sách “25 phụ nữ có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới.” Tháng 7 năm 2007, tờ Vanity Fair chọn bà là một trong “10 người mặc đẹp nhất thế giới.” Trong bảng xếp hạng “100 nhân vật Harvard” của tạp chí 02138 (tháng 9 năm 2007), Michelle ở vị trí 58, trong khi chồng bà chiếm hạng 4. Tháng 7 năm 2008, tên bà lại xuất hiện trong danh sách những người mặc đẹp nhất. Bà cũng được chọn vào danh sách những phụ nữ mặc đẹp nhất của tờ People (2008), theo tạp chí này, là do nét đẹp “cổ điển và sự tự tin” của bà. Nhiều người ví Michelle Obama với Jacqueline Kennedy do phong cách chải chuốt nhưng không thái quá của bà, trong khi tờ New York Times so sánh bà với Barbara Bush, không chỉ vì khiếu thẩm mỹ mà còn vì tính cách của bà.

Theo Ngọc Diệp (TTVN/Nytimes, Economist, Wikipedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.