Thông tin về mức lương "khủng" của lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM khiến dư luận không khỏi choáng váng. Nhiều người nhẩm tính, mức lương/ngày của vị giám đốc bằng lương công nhân làm trầy trật 2,5 tháng ròng.

Cao bất thường

Theo kết quả thanh tra, trong năm 2012, mức lương các "sếp" của 4 doanh nghiệp công ích: Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP.HCM, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh đều cao ngất ngưởng.

Trong đó mức lương Giám đốc Công ty thoát nước đô thị là 2,6 tỷ/năm, Giám đốc Công ty chiếu sáng là 2,2 tỷ/năm, 2 vị giám đốc còn lại lương lần lượt là 856 triệu và 759 triệu/năm.

Mức lương 'khủng' nói trên khiến không ít người giật mình. Độc giả Nguyễn Văn Thắng chua chát so sánh: "Chúng tôi đang làm cái nghề "cao quý nhất trong các nghề cao quý" mà lương của người sắp về hưu cũng chưa được 10 triệu. Vậy mà mấy anh thoát nước này lại có lương tới hơn 200 triệu/tháng".

Công ty cấp thoát nước đô thị TP.HCM từng được nhận huân chương Lao động hạng ba - (Ảnh: Người lao động)

Bi kịch hơn, một công nhân nhẩm tính: "Lương tháng tôi giờ 2,5 triệu, cả năm trầy trật mới được 30 triệu. Không ăn tiêu gì thì phải 86 năm sau tôi mới tích được con số 2,6 tỷ. Thật trớ trêu quá! Tiền lương 1 năm của các vị bằng công nhân, nông dân làm cả đời".

Trong khi lương các sếp cao ngất ngưởng là vậy, anh Trần Văn Bá nêu thực tế, lương của công nhân vệ sinh lao động trực tiếp rất thấp, lam lũ cả ngày đêm như vậy nhưng tiền thưởng Tết chỉ có 150 nghìn/người.

"Thật không thể hiểu cách quản lý tiền lương kiểu gì mà để những giám đốc của các công ty này lấy được lương như vậy. Công nhân làm vất vả lương thấp còn Giám đốc, Kế toán ngồi mát ăn bát vàng. Thanh tra hãy kiểm tra để lấy lại công bằng cho công nhân. Ai sai phải trả lại và phải xử lý đúng pháp luật. Không để bất công như vậy được, Thật khổ cho người lao động", bạn đọc Nguyễn Thị Giáp bức xúc.

Dù một số giám đốc đã lên tiếng thanh minh rằng lương "khủng" là do công ty làm thêm các hợp đồng bên ngoài, nhưng lập luận này chưa thuyết phục được dư luận.

Theo phân tích của nhiều độc giả, sở dĩ lương các sếp công ty nói trên cao là do ăn chặn tiền bảo hiểm, phúc lợi xã hội của hàng trăm công nhân. Thay vì ký hợp đồng xác định thời hạn, các công ty này chỉ ký hợp đồng dịch vụ. Từ đó giảm các khoản chi và ung dung chia nhau các khoản lợi nhuận này.

Tuy nhiên điều khiến dư luận băn khoăn, năm nào kiểm toán nhà nước cũng đến làm việc định kỳ, tại sao không phát hiện sai phạm nào, thậm chí Công ty Thoát nước đô thị còn được nhận Huân chương lao động?

Phải truy trách nhiệm đến cùng

Dùng lời lẽ khá gay gắt, độc giả Minh Quang nhận định: "Rõ ràng đây là một dạng tham nhũng tập thể, không hiểu các cơ quan quản lý về tài chính trách nhiệm đến đâu? Vai trò của tập thể, các tổ chức Đảng, đoàn thề ở đó như thế nào? Phải làm rõ mới biết cách xử lý và quy trách nhiệm".

Đồng quan điểm, độc giả Đỗ Văn Lương cho rằng trong vụ việc này cần phải xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan, xem doanh nghiệp có đăng ký tiền lương với cơ quan quản lý lao động theo đúng quy định không? Kiểm toán có làm việc công minh không?... Cần phải cho thanh tra nhà nước và thanh tra độc lập vào cuộc.

Công nhân lao động vất vả nhưng thu nhập trung bình vẫn thấp hơn "sếp" vài chục lần (ảnh: VietNamNet)

Phân tích cụ thể hơn, bạn đọc Nguyễn Tuấn chỉ đích danh lỗi thuộc về Sở Tài chính - đơn vị cấp phát ngân sách và phê duyệt đơn giá dịch vụ công ích và Sở lao động TB&XH - đơn vị phê duyệt đơn giá tiền lương và định mức lao động.

"Trong kết luận của UBND TP.HCM và các bài báo đều chưa thấy đặt vấn đề trách nhiệm của 2 cơ quan này", độc giả này nhấn mạnh.

Không đồng tình với việc các giám đốc chỉ xin lỗi và hứa nộp lại tiền, độc giả Thái Quang cho rằng 4 công ty công ích nói trên đã vi phạm Luật Lao động và Luật Hình sự.

"Cụ thể: Một mặt họ ăn chặn các khoản BHXH của số lao động thời vụ, mặt khác không loại trừ họ đã kê khai khống số lao động thời vụ (có ít, kê nhiều) để có được quỹ lương lớn, từ đó chia nhau. Ở đây, có trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý (chủ quản, BHXH, Công đoàn, Tài chính, Thuế..). Hy vọng TP HCM không cho qua vụ việc này.

Bạn đọc ở địa chỉ wolfnp0408@... lại cho rằng những hành vi này có thể quy kết vào tội "cố ý làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng".

"Hy vọng kết thúc vụ này sẽ không chỉ dừng ở kỷ luật, rút kinh nghiệm, không truy cứu trách nhiệm do có nhiều công lao. Cần phải làm sáng tỏ để lấy lại công bằng cho người lao động và niềm tin nơi người dân", độc giả Trần Minh nhắn nhủ.

Không phải cá biệt

Kết quả thanh tra tại TP.HCM khiến nhiều người "choáng váng" là vậy, nhưng theo nhiều độc giả tình trạng này không phải là cá biệt.

"Tất cả các công ty cấp thoát nước trên toàn quốc như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh ... đều chỉ ký hợp đồng dài hạn với viên chức quản lý. Các loại lao động khác mặc dù làm việc quanh năm, suốt tháng nhưng chỉ được ký hợp đồng thời vụ 3 tháng để tránh nộp bảo hiểm. Thực trạng này đã tồn tại từ lâu nhưng không ai biết. Lương giám đốc các doanh nghiệp này không dưới 1 tỷ/năm", độc giả Lê Mai thông tin.

Một độc giả khác cũng đề nghị thanh tra vào cuộc thanh tra các đơn vị công ích ở các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Những vụ phát hiện được chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm.

Thậm chí, một độc giả khác còn nêu thực tế, ở nhiều công ty lớn hiện cũng đang áp dụng hình thức bóc lột lao động theo kiểu chỉ kí hợp đồng cộng tác viên 11 tháng, không bảo hiểm y tế, lương thấp hơn 4-5 lần so với nhân viên chính thức.

Độc giả này đề nghị tiếp tục mở rộng thanh tra về việc chấp hành luật lao động, tiền lương tại các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước.

T.Hạnh (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.