Thương hiệu hơn 60 năm của Bưu điện kết hợp với thương hiệu của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), một ngân hàng hiện đại, năng động hứa hẹn sẽ đem đến cho xã hội và người dân cả nước các dịch vụ tài chính thiết thực và hữu ích.

Ngày 1/7/2011 đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển tiết kiệm bưu điện (TKBĐ) ở Việt Nam. Sau 12 năm được cung cấp như một trong nhiều dịch vụ tài chính của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post), TKBĐ đã trở thành dịch vụ của một ngân hàng thương mại sau sự kiện sáp nhập Công ty Dịch vụ TKBĐ (thuộc Vietnam Post) vào Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank).

Sự kiện trọng đại này đã dẫn đến việc chính thức đổi tên LienVietBank thành LienVietPostBank, mở đầu cho mô hình ngân hàng bưu chính đầu tiên tại Việt Nam.

Mục tiêu đặt ra là, trong 5 năm đầu sau sáp nhập, Ngân hàng sẽ phát triển mạng lưới đến 3.000 điểm bưu cục, cung cấp dịch vụ cho 10 triệu người, đạt mức huy động 60.000 tỷ đồng.

Nhìn lại chặng đường 2 năm sau sự kiện sáp nhập, LienVietPostBank và Vietnam Post đang từng bước thực hiện thành công chiến lược phát triển dài hạn của mình.

Từ các tổ chức có sự khác biệt nhất định về thể chế, văn hóa, điều kiện hoạt động, LienVietPostBank và Vietnam Post đã xây dựng 1 cơ chế hoạt động chung, thống nhất, hợp tác chặt chẽ và toàn diện trong từng kế hoạch cụ thể.

Từ cấp quản lý cho đến các nhân viên trực thuộc đều nhận thức rõ lợi ích của việc hợp tác giữa hai bên, quyết tâm triển khai thành công và có hiệu quả kế hoạch phát triển TKBĐ.

Một số cải cách, đổi mới về sản phẩm, dịch vụ được nhanh chóng triển khai tạo sự lựa chọn đa dạng hơn cho khách hàng. Các sản phẩm tiết kiệm ngắn và dài hạn không ngừng được bổ sung đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền.

Các chương trình tuyên truyền, tặng quà tri ân khách hàng được triển khai thường xuyên tạo sự tin tưởng, gắn bó của khách hàng với hệ thống. Vì vậy, chỉ sau chỉ sau 2 năm, Ngân hàng đã có thêm hàng trăm ngàn khách hàng, trong đó hơn 400.000 người tiếp tục duy trì tài khoản tại TKBĐ.

Số vốn huy động từ TKBĐ cũng tăng lên nhanh chóng, trung bình mỗi ngày toàn mạng giao dịch trên 150 tỷ đồng, trong đó có hơn 80 tỷ đồng tiền gửi vào. Tính đến hết năm 2012, số dư huy động TKBĐ đạt trên 10.200 tỷ đồng trong khi trước đó, số dư huy động tăng trung bình trong 1 năm của TKBĐ chỉ đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Ngay từ khi TKBĐ chuyển giao sang LienVietPostBank, điều kiện vật chất phục vụ công tác khai thác dịch vụ đã được Ngân hàng đặc biệt chú trọng. Hệ thống công nghệ thông tin cũ kỹ, lạc hậu đã được Ngân hàng đầu tư thay thế bằng một hệ thống hiện đại phục vụ khai thác và quản lý dịch vụ TKBĐ đến 10.000 điểm, với 1 danh mục các sản phẩm đa dạng sẽ từng bước cung cấp cho người dân.

Ngày 1/10/2012, Ngân hàng và Bưu điện đã đưa vào vận hành giai đoạn 1 hệ thống phần mềm khai thác TKBĐ mới thay thế hoàn toàn hệ thống cũ thống nhất toàn bộ cơ sở dữ liệu của TKBĐ, làm giảm thời gian giao dịch với khách hàng và tăng chất lượng dịch vụ, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý trên một hệ thống mạng lưới rộng lớn. Việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin hiện đại đã làm thay đổi, gần như toàn diện phương thức cung cấp dịch vụ, cũng như quản lý hệ thống TKBĐ làm tiền đề cho việc đa dạng hóa dịch vụ và tăng tính tiện ích cho người sử dụng. Nhờ đó, TKBĐ sẽ trở nên hấp dẫn và phổ cập hơn nữa.

Với mục tiêu phát triển nhanh chóng, cung cấp dịch vụ hoàn hảo, Ngân hàng và Bưu điện đã dành những điều kiện tốt nhất cho mạng lưới TKBĐ. Ngân hàng duy trì hoa hồng dịch vụ ở mức cao, tăng cơ chế khuyến khích cho nhân viên trực tiếp cung cấp dịch vụ tại bưu cục, coi họ là những khách hàng đặc biệt của mình. Ngoài việc phối hợp với LienVietPostBank đào tạo lại đội ngũ nhân viên bưu cục về nghiệp vụ TKBĐ, Vietnam Post còn chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên bưu cục công tác tiếp thị, bán hàng.

Chỉ sau hơn một năm đã có trên 20 khóa đào tạo với số lượng học viên lên đến hàng ngàn người đã được hai bên tổ chức liên tục. Với các nỗ lực không ngừng của LienVietPostBank và Vietnam Post, TKBĐ đã tăng mức huy động vốn ròng đến 48%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng số dư huy động tiết kiệm dân cư của thị trường là 28%.

Hai năm cùng song hành là quãng thời gian ngắn ngủi so với hợp đồng hợp tác 50 năm đã ký giữa Ngân hàng và Bưu điện, nhưng cũng đủ dài để hai bên hiểu nhau, thiết lập được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, tin cậy, cùng phấn đấu vì lợi ích của xã hội và vì sự phát triển của cả hai bên ngân hàng - bưu điện, “Hai thương hiệu, triệu giá trị”.

Vũ Anh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.