Ra mắt hôm 26/7, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vẫn trong giai đoạn "tuyển quân". Hàng ngũ lãnh đạo đã sớm được bổ nhiệm, hầu hết là cán bộ ngân hàng lâu năm.

Vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên do Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình nắm giữ. Theo phân công của Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc sẽ kiêm nhiệm chức vụ này cho đến khi có quyết định mới.

Ông Đặng Thanh Bình từng 25 năm công tác trong ngành ngân hàng. Năm 1994, ông bắt đầu giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính, ba năm sau chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước.

Ông Đặng Thanh Bình, Chủ tịch HĐTV VAMC. Ảnh: Nhật Minh

Đến 2002, ông Bình giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Năm 2005, cùng với ông Nguyễn Đồng Tiến, ông được bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC - Nguyễn Quốc Hùng sinh năm 1960, tại Hà Nội, là Tiến sĩ Kinh tế. Năm 1978, ông học Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng (nay là Học viện Ngân hàng). Sau khi tốt nghiệp vào năm 1983, ông công tác tại Viện Năng lượng thuộc Bộ Điện lực. Hai năm sau, ông bắt đầu hoạt động trong ngành ngành tài chính, ngân hàng, với vị trí Phó giám đốc Chi nhánh Chèm thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) huyện Từ Liêm.

Từ năm 1988, ông Hùng bắt đầu làm việc tại phòng kinh doanh Agribank chi nhánh Hà Nội và bó gắn với nơi này 20 năm. Trong đó, năm 1991, ông được bổ nhiệm làm Phó phòng kinh doanh. Năm 1994, ông lên trưởng phòng. Tháng 9 năm 1999, ông làm phó giám đốc. Từ tháng 4/2001 ông là Bí thư Đảng ủy.

Cuối năm 2008, ông Hùng chuyển lên trụ sở chính của Agribank, với chức danh Phó tổng giám đốc, kiêm nhiệm thêm vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Thủy - Tổng giám đốc VAMC. Ảnh: PV

Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy cũng là Tiến sĩ Kinh tế. Trước khi lèo lái VAMC, ông Thủy công tác tại Cơ quan Thanh tra Giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước, vị trí Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Ông từng công tác trong hệ thống Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), từ chuyên viên kinh tế, qua cương vị giám đốc chi nhánh rồi đến phó tổng giám đốc. Ông cũng là một trong những thành viên xúc tiến thành lập hệ thống ngân hàng cổ phần và làm Tổng giám đốc Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (PG Bank), trước khi chuyển qua Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia để đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Giám sát Tập đoàn Tài chính.

Cùng với ông Thủy, ba phó tổng giám đốc ông Lê Quang Châu, ông Đoàn Văn Thắng và ông Bùi Tín Nghị đều có thâm niên công tác và kinh nghiệm trong các ngân hàng thương mại.

Ông Đoàn Văn Thắng - Phó tổng giám đốc VAMC. Ảnh: PV

Trong đó, ông Đoàn Văn Thắng là Cử nhân chuyên ngành Tín dụng, Trường cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng (nay là Học viện Ngân hàng), Tiến sĩ chuyên ngành Tài chính lưu thông tiền tệ, tín dụng của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Thắng công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh huyện Mê Linh, Hà Nội. Năm 1991, ông chuyển lên hội sở chính Agribank. Tại đây, ông lần lượt kinh qua các vị trí phó giám đốc tín dụng, trưởng phòng phân tích kinh tế tổng hợp, phó trưởng ban tín dụng, phó giám đốc phụ trách trung tâm thẻ, trưởng ban nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ. Sau năm 2008, ông chuyển qua Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) giữ cương vị Phó tổng giám đốc.

Ông Bùi Tín Nghị sinh năm 1960, cũng là Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, 16 năm kinh nghiệm làm giáo viên. Năm 1982, ông là giảng viên tại Học viện Ngân hàng. Đến năm 1994, ông được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm Khoa Kế toán Ngân hàng.

Tháng 4/1998, ông chia tay bục giảng để nhận vị trí Trưởng phòng đào tạo thuộc Vụ tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Năm 2001, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Từ năm 2007, ông làm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài gòn Hà Nội (SHB).

Còn ông Lê Quang Châu, trước chuyển lên hội sở làm Giám đốc Ban quản lý tín dụng thuộc Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã từng làm giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh của nhà băng này.

Thành viên cuối cùng, bà Lê Thị Mai Hương Trưởng ban Ban Kiểm soát VAMC trước đó là Trưởng phòng Xây dựng chương trình và thẩm định báo cáo kiểm toán thuộc Vụ Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước.

VAMC là công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Nghị định 53 về thành lập VAMC đã nêu rõ, mọi tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên so tổng dư nợ tín dụng phải bán nợ cho VAMC. Công ty này chỉ mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với những khoản nợ từ 3 tỷ đồng trở lên - đối với doanh nghiệp và từ một tỷ trở lên đối với khách vay cá nhân. Còn để VAMC mua nợ theo giá trị thị trường, khoản nợ đó phải được đánh giá có khả năng thu hồi và tài sản đảm bảo có thể phát mại.

Dự kiến công ty xử lý khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20%-40%. Ngân hàng Nhà nước cho hay tỷ lệ được hưởng là 2% tương ứng với mức thu của VAMC là 320-800 tỷ đồng. Thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của công ty này khoảng 60-160 tỷ đồng. Số tiền này ước tính sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm của công ty.
Hàn Phi (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.