Chính phủ Nga tuần trước khẳng định lệnh đóng cửa chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy người, chứ không phải hàng hóa nhưng thực tế có thể không như vậy.

Cuối tuần trước, Nga ra lệnh đóng cửa biên giới với Trung Quốc, nhằm ngăn dịch viêm phổi lây lan sang nước này. 16 trên 25 cửa khẩu dọc biên giới hai nước đã bị đóng lại. Bộ Ngoại giao Nga cũng thông báo ngừng cấp visa điện tử cho công dân Trung Quốc, ngừng cấp giấy phép đặc biệt cho du khách đến St Petersburg, Kaliningrad và một số vùng thuộc Viễn Đông trong ngắn hạn.

Các quy định này có thể đe dọa dòng chảy thương mại giữa hai nước. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch song phương năm 2018 tăng 25% lên 100 tỷ USD, Financial Times cho biết. Cả hai nước đã cam kết nâng gấp đôi con số này vào năm 2024, thông qua việc xây dựng các công trình mới, như cầu Blagoveshchensk - Hắc Hà hoàn thành tháng 11 và một cầu đường sắt dài 450 km, hoàn thành tháng 3 năm ngoái và được thiết kế để vận chuyển 20 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Chính phủ Nga tuần trước khẳng định lệnh đóng cửa chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy người, chứ không phải hàng hóa. Dù vậy, Alexander Gabuev - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng "Bản thân dịch bệnh chắc chắn có tác động đến kim ngạch thương mại rồi". Ông cho rằng chính các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc cũng sẽ hạn chế việc di chuyển và kéo theo giảm nhập nhiên liệu từ Nga.

Du khách đeo khẩu trang bên ngoài điện Kremlin (Nga). Ảnh: Bloomberg

Nhiên liệu đóng góp khoảng hai phần ba xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Trên lý thuyết, việc xuất khẩu lượng dầu khổng lồ từ Nga sang Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống sẽ không bị ảnh hưởng. Dù vậy, nhu cầu dầu của Trung Quốc cũng đã giảm tới 20% do dịch bệnh bùng phát.

"Việc đóng cửa biên giới hiện chỉ có tác động hạn chế lên thương mại Trung Quốc - Nga mà thôi. Còn dịch viêm phổi mới gây thiệt hại lớn hơn do nhu cầu hàng Nga tại Trung Quốc đi xuống", Gabuev nhấn mạnh.

Đồ điện tử và thiết bị công nghiệp chiếm gần nửa hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Nga, bên cạnh hàng dệt may, thời trang và nội thất. Thực phẩm, sản phẩm từ giấy và khoáng sản cũng được vận chuyển qua biên giới bằng xe tải hoặc tàu hỏa.

Thị trường phân bón, đặc biệt là phosphate và urea cũng có thể chịu ảnh hưởng, Jason Miner - nhà phân tích cấp cao tại Bloomberg Intelligence cho biết. Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn hai sản phẩm này. Việc sản xuất lại đặt chủ yếu ở các vùng tâm dịch. Dù vậy, đến nay, việc vận chuyển phân bón từ Trung Quốc sang công ty Uralkali (Nga) vẫn chưa bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử giữa hai nước cũng có thể mất 100 triệu USD mỗi tháng nếu dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn khó kiểm soát đến hết tháng, Fedor Virin - nhà nghiên cứu tại Data Insight cho biết. Đồng rouble Nga tuần trước đã giảm 2%, chủ yếu do nhà đầu tư lo ngại virus ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Trước đó, Nga cũng cấm các đoàn khách Trung Quốc vào nước này. Đây là lực đẩy chính với ngành du lịch Nga kể từ năm 2015. Hiệp hội Các nhà điều hành du lịch Nga cuối tuần trước ước tính nước này sẽ mất 100 triệu USD từ các lệnh hạn chế di chuyển, và thêm 10 triệu USD nữa từ việc khách Nga hủy hoặc hoãn chuyến đi đến Trung Quốc.

Còn tại vùng Viễn Đông của Nga, người tiêu dùng đã bắt đầu thấy giá hoa quả và rau xanh nhập từ Trung Quốc tăng lên. Một số hàng hóa khác cũng có dấu hiệu khan hiếm. "Hàng Trung Quốc giá rẻ một là biến mất, hai là tăng giá rồi", Vyacheslav Korenov - một cư dân tại Khabarovsk cho biết. Cà chua tại đây có giá tới 200 rouble một kg. Trước đây, giá này chỉ là 100-150 rouble.

Ở Blagoveshchensk, hoa quả và rau xanh Trung Quốc cũng "biến mất" khỏi các kệ hàng. Giá sản phẩm từ các nước khác cũng tăng lên, Elena Vishnyakova - một cư dân tại đây cho biết.

Hãng bán lẻ lớn nhì Nga - Magnit hôm thứ hai thông báo ngừng nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc vì lo ngại dịch viêm phổi và hoạt động logistics phức tạp. Cà chua, hạt tiêu, quýt, nho và bưởi Trung Quốc chiếm 3% doanh số rau quả của Magnit năm ngoái. Trong khi đó, hãng bán lẻ thực phẩm lớn nhất nước này - X5 cũng cho biết đang tìm nguồn cung thay thế hàng Trung Quốc, dù chúng chiếm "chưa đầy 1%" lượng nhập khẩu trực tiếp của công ty.

Biên giới Nga - Trung Quốc là một trong những đường biên giới dài nhất thế giới. Vài năm gần đây, khi quan hệ với phương Tây xấu đi, Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau. Chỉ 2 tháng trước, Nga và Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Amur ở biên giới hai nước, thắt chặt quan hệ thương mại giữa hai láng giềng.

Giới chức Nga cũng cho rằng thương mại hai nước sẽ gián đoạn phần nào vì các biện pháp phong tỏa. "Dĩ nhiên, chúng tôi không thể loại trừ một số biến động" trong dòng chảy hàng hóa giữa Nga và các đối tác thương mại, người phát ngôn điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết trong một hội thảo hôm qua, "Dù vậy, chúng tôi vẫn cho rằng nó sẽ không tác động đến nền tảng vững chắc trong quan hệ hai nước nói chung, và kinh tế - thương mại nói riêng".

Hà Thu (VNE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.