CafeLand - Kinh doanh đa cấp (KDĐC) là một loại hình kinh doanh không còn mới mẻ so với thế giới. Bởi lẽ, từ thập niên 30 của thế kỷ trước mô hình này đã hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Mỹ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, KDĐC mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây với nhiều tai tiếng và chịu sự lên án gay gắt của xã hội. Vậy bản chất mô hình KDĐC có thật sự chỉ là công cụ lừa đảo hay đã bị một số cá nhân lợi dụng làm biến tướng nhằm trục lợi bất chính?

Kinh doanh đa cấp không hẳn bất chính

Trong kinh doanh đa cấp biến tướng lợi nhuận không thực sự xuất phát từ việc giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới.

Theo tư liệu từ Wikipedia, kinh doanh đa cấp (Multi - level Marketing) hoặc kinh doanh theo mạng (Network Marketing) hay bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) là thuật ngữ dùng chung để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động kinh doanh/ bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, họ có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty (hoặc qua một nhà phân phối duy nhất) mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.

Đây được đánh giá là một phương thức kinh doanh phân phối sản phẩm tiết kiệm được khá nhiều chi phí so với phương thức truyền thống như chi phí kho bãi, vận chuyển, quảng cáo, tiếp thị… Có thể thấy, xét trên khía cạnh tích cực thì phương thức kinh doanh này khá ưu việt bởi nó đã đơn giản hóa tối đa hành trình của một sản phẩm từ sản xuất cho đến tay người tiêu dùng. Mặt khác, KDĐC có thể tận dụng triệt để lợi thế tiếp thị truyền miệng, tạo niềm tin cho khách hàng từ chính kinh nghiệm sử dụng của người phân phối. Do đó, sản phẩm không cần phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh như tiếp thị, quảng cáo… Vì vậy giá thành sản phẩm sẽ hạ xuống, đồng thời chi phí tiết kiệm được sẽ dùng để trả thưởng cho người phân phối hay dùng để nghiên cứu và nâng cấp chất lượng sản phẩm.

Trên thế giới, KDĐC hoạt động theo khá nhiều mô hình chuyên biệt như: mô hình nhị phân, mô hình ma trận, mô hình bậc thang li khai. Trong đó, mô hình bậc thang li khai là mô hình tiên tiến nhất hiện nay, được sử dụng ở nhiều công ty KDĐC có quy mô lớn.

Một yếu tố quan trọng khác là sản phẩm dùng để kinh doanh theo mô hình đa cấp phải đảm bảo theo tiêu chí “độc” hoặc có chất lượng cao cấp vượt trội, đồng thời đáp ứng được nhu cầu sử dụng lâu dài của đa số người tiêu dùng.

KDĐC Việt Nam: sự ẩn mình của những con đỉa hút máu!

Ảnh minh họa

Đầu thế kỷ 21, KDĐC đã xâm nhập vào Việt Nam với những thành công bất ngờ của nhiều thương hiệu lớn như Amway, Oriflame, Herbalife... Tuy nhiên, nhiều vụ việc bê bối lừa đảo cũng thi nhau bùng phát kể từ thời điểm này khi hệ thống pháp luật về KDĐC còn yếu ớt và sơ sài. Đến 24/8/2005, Luật về bán hàng đa cấp mới được ban hành.

Có thể thấy, các mô hình KDĐC đã được liệt kê đều có chung mục tiêu ban đầu là đem lại lợi ích cho nhiều người thông qua mô hình kinh doanh tiết kiệm và tối ưu. Nhưng trên thực tế, quá trình phát triển của KDĐC tại Việt Nam lại phát sinh nhiều hệ lụy đáng báo động mà trong thời gian qua báo chí và nhiều diễn đàn đã liên tục phản ánh.

Những kẻ cơ hội đã tận dụng sự non trẻ của thị trường KDĐC Việt Nam làm biến chất ý tưởng kinh doanh tốt đẹp ban đầu và biến nó trở thành một công cụ lừa đảo tài tình.

Trong đó, hình tháp ảo là dạng kinh doanh đa cấp bất chính, biến dạng từ mô hình ma trận và mô hình nhị phân. Và đây chính là chiêu bài chính của những kẻ cơ hội. Trong mô hình hình tháp ảo lợi nhuận không thực sự xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới!

Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, “Đối tượng làm việc của kinh doanh theo mạng chính thống là sản phẩm, còn đối tượng của hình tháp ảo là tiền. Cho dù nó thường được quy đổi thành sản phẩm, hay dịch vụ nhất định thì nó vẫn là hình tháp ảo khi số lượng sản phẩm tiêu thụ được sẽ luôn tương xứng với số người tham gia (đối với hình thức chân chính, số lượng sản phẩm bán tùy thuộc vào khả năng nội tại của mỗi người). Khi đó, các công ty hình tháp ảo, sử dụng thuật ngữ "đa cấp" ám chỉ việc những người khởi xướng và phát động hệ thống (nằm ở đỉnh tam giác - kim tự tháp) lợi dụng và bóc lột những thành viên bên dưới (đáy tam giác).”

Con người ta sẽ dễ dàng mờ mắt trước cái lợi trước mắt mà quên đi sự tỉnh táo suy xét. Không ai nghĩ tiền từ đâu mà ra hay thậm chí là cố tình lờ đi nhằm đua theo lợi nhuận. Khi người tham gia phải mua một sản phẩm với cái giá trên trời mà không hề biết chất lượng ra sao ngoài những lời quảng cáo mỹ miều của người tư vấn. Có loại hình kinh doanh nào mà bán hàng chỉ là thứ yếu còn lôi kéo được người tham gia mới là yêu cầu hàng đầu? Chỉ cần dừng lại một chút với sự suy xét cẩn thận, chắc chắn ai cũng nhận ra được bản chất thật của mô hình KDĐC biến tướng này.

Bản thân người viết cũng đã hơn 3 lần được mời gọi gia nhập vào đội ngũ kinh doanh đa cấp. Với sự huấn luyện và kỹ năng thuyết phục bài bản, hùng hồn, những “tư vấn viên” này dễ dàng lôi cuốn người nghe vào mê trận lợi nhuận khổng lồ trước mắt. Nào là thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng, với nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn khi có lượng cấp dưới khổng lồ, được đi du lịch hay công tác khắp nơi trên thế giới... Theo đó, việc bạn cần làm chỉ là đóng tiền tham gia hay mua sản phẩm rồi sau đó lôi kéo được thật nhiều người gia nhập là xem như có thể ngồi “rung đùi” chờ tiền rơi vào túi! Nhưng mọi chuyện không hề suôn sẻ được như thế…

Một thực tế phũ phàng là mô hình KDĐC biến tướng theo hình tháp ảo có sự cạnh tranh và đào thải vô cùng khắc nghiệt. Khi đã tham gia, nếu không muốn mất vị trí cấp bậc đang có bạn phải liên tục tìm được người mới tham gia vào hệ thống. Ngược lại, nếu không đáp ứng được chỉ tiêu doanh số bạn có thể bị đưa về ngay thứ bậc ban đầu và mất đi lợi nhuận từ cấp dưới và mọi thứ sẽ trở về con số 0 trong tích tắc. Do đó, đây không phải là công việc có thể làm trong lúc nhàn rỗi, thậm chí đôi khi còn là một cuộc chiến bất kể thời gian nhằm để tồn tại và leo lên các thứ bậc cao hơn trong hệ thống.

N.T.Tiến, từng là sinh viên trường ĐH Hồng Bàng, mặc dù đã tốt nghiệp 2 năm nhưng anh vẫn chưa có được một việc làm ổn định sau nhiều năm đeo bám tham gia KDĐC. Từ lúc còn sinh viên năm 1, Tiến đã bước chân vào một công ty kinh doanh đa cấp khá mạnh lúc bấy giờ là LH, dưới anh có gần trăm người theo. Lợi nhuận ban đầu làm Tiến rất thoả mãn, từ đó lôi kéo cả gia đình và bạn bè tham gia. Tuy nhiên, công ty này cũng sớm phá sản. Tiến lại chạy qua những công ty khác như TC, BH...

Tâm sự với người viết, Tiến cho biết, thật ra kinh doanh đa cấp bản chất không xấu nhưng quả thật quá áp lực và cảm thấy quá tải. Mối quan hệ quen biết có bao nhiêu Tiến cũng đã tận dụng hết. Vì trải qua nhiều công ty đa cấp khác nhau nên chẳng còn mấy ai mặn mà khi nghe Tiến rủ rê nữa. Hiện anh đang cố tìm cho mình một công việc ổn định, giấc mơ làm giàu bằng KDĐC coi như tan theo mây khói cùng rất nhiều thời gian, tiền bạc và những mối quan hệ đã bị rơi rụng do KDĐC gây ra.

Hiện nay, KDĐC đã len lỏi vào tận ngóc ngách của cuộc sống, từ thành thị cho đến nông thôn, từ sinh viên, bà nội trợ đến nông dân quê mùa đều được giới kinh doanh đa cấp dòm ngó tới. Đây là lúc cần phải cảnh giác cao độ bởi loại hình KDĐC dần dần bộc lộ nhiều biến tướng khó lường.

Sa chân vào con đường kinh doanh đa cấp bất chính là đồng nghĩa với việc lòng tham của bạn sẽ lên dây cót cho chính bạn, thúc đẩy bạn điên cuồng tìm kiếm người mới hay nôm na có thể gọi là “con mồi”. Những tên cầm đầu đã đánh trúng tâm lý làm ít, tiền nhiều, có người mới là có tiền... Họ chỉ cần bơm lên một viễn cảnh như mơ với nhiều khẩu hiệu kích thích “Bạn có thể làm được không?”, “Thành công đang trong tay bạn”, “Xu hướng kinh doanh mới của thời đại”… Tất cả điều đó chỉ như miếng mồi nhử không hơn không kém. Khi bạn đã bị chinh phục cũng là lúc bạn tự nguyện còng lưng đem tiền về cho những “con đỉa” hút máu. Những đồng tiền bạn kiếm được cũng chính là sự đánh đổi uy tín, mối quan hệ, thời gian của chính bạn. Do đó, bất cứ khi nào tham gia vào một công ty đa cấp, bạn phải tìm hiểu thật rõ cách thức hoạt động cũng như cơ chế trả thưởng, lịch sử hình thành như thế nào trước khi quyết định dấn thân theo con đường kinh doanh này.

Khánh Linh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.