Trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam từ khi xóa bỏ bao cấp đến nay chưa từng có giai đoạn nào có những biến động khó lường như những năm từ 2005-2011. Thị trường tiền tệ liên ngân hàng (NH) luôn có những diễn biến bất thường, tạo ra tâm lý hoang mang trong xã hội. Lãi suất cho vay của các ngân hàng có những lúc lên tới 27%/năm khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn, dẫn đến sản xuất bị đình trệ, nền kinh tế đất nước đứng trên bờ khủng hoảng nguy hiểm.
Lãi suất NH quá cao dẫn đến thị trường “tín dụng đen” phát triển rầm rộ, nạn đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi như nấm mọc sau mưa... Truy tìm nguyên nhân, nhà chức trách Việt Nam đã phát hiện có sự lũng đoạn của một số nhà tài phiệt, mà Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên, “Kiên đầu bạc”) là một trong số đó.

Ngòi nổ lãi suất ngân hàng

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, vào những năm 2005-2011, NH ACB huy động được từ dân lượng tiền nhiều với lãi suất cao, nhưng việc cho vay gặp nhiều khó khăn. Việc gửi liên NH cũng không thực hiện được bởi nhiều ngân hàng cũng lâm vào tình trạng tương tự. Để giải quyết vấn đề này, Lý Xuân Hải – TGĐ NH ACB - đã đề xuất ủy thác cho nhân viên lấy tiền huy động được của dân đem gửi vào các tổ chức tín dụng khác để hưởng chênh lệch lãi suất.
Đề xuất này đã được Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch HĐ sáng lập - chấp thuận và chỉ đạo thường trực HĐQT NH ACB thực hiện. Việc này được cụ thể hóa bằng nghị quyết HĐQT NH ACB do ông Trần Xuân Giá làm chủ tịch, Lê Vũ Kỳ - Phó Chủ tịch, Lý Xuân Hải - TGĐ, Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang - là các thành viên - cùng ký với nội dung: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng.
Giao TGĐ kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng... ủy quyền cho Kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác.” Thực hiện nghị quyết trên, NH ACB đã ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào các NH khác. Trong đó, từ ngày 27.6.2011- 5.9.2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo ủy quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện ủy thác số tiền 718,9 tỉ đồng cho 19 nhân viên NH ACB gửi tiền vào các NH khác.
Không chỉ có vậy, NH ACB còn ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 NH với tổng số tiền 28,3 nghìn tỉ đồng lãi suất từ 7,5%/năm đến 22%/năm và 71,2 triệu USD với lãi suất 0,3%/năm đến 6%/năm. Số tiền gửi VND và USD đã thu được lãi là 1,1 nghìn tỉ đồng, trong đó số lãi vượt trần là 243,6 tỉ đồng; số tiền gửi USD thu được lãi là 1,2 triệu USD. Hành vi này của NH ACB là đã vi phạm quy định tại Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 và được coi là ngòi nổ kích thích sự bùng nổ của lãi suất NH trong những năm 2010-2011 khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng hết sức khó khăn.
Thương vụ 21 nghìn tỉ đồng
Trong các nhà “tài phiệt” của ngành NH, có lẽ chưa từng có nhà tài phiệt nào có chiêu kinh doanh tài tình bằng cách “lấy mỡ nó rán nó” như Nguyễn Đức Kiên. Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã có đủ bằng chứng kết luận từ ngày 15.5.2007 đến 3.8.2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 Cty, gồm B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN, Cty Thiên Nam do Kiên làm chủ tịch HĐQT hoặc chủ tịch HĐTV để tổ chức hoạt động kinh doanh trái phép, với tổng số tiền 21,4 nghìn tỉ đồng.
Cụ thể, ngày 25.3.2008, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng pháp nhân của Cty ACBI có chức năng kinh doanh BĐS, xây dựng và cho thuê nhà ở... để phát hành 8 triệu trái phiếu, trị giá 800 tỉ đồng và bán cho NH ACB. Khoản tiền nhận được từ ACB, Cty này đã chi gần 700 tỉ đồng để trả tiền nhận chuyển nhượng 9,67 triệu cổ phiếu NH Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) từ 12 cá nhân.
Số tiền còn lại, ACBI đã chuyển cho Cty ACI vay để mua cổ phiếu NH Xuất-Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ngoài việc phát hành trái phiếu để mua cổ phiếu các NH, “Kiên đầu bạc” còn chỉ đạo ACBI đầu tư vào hàng loạt Cty như Cty cổ phần ximăng Hoà Phát, Cty cổ phần thương mại dịch vụ Bắc Qua, Cty cổ phần thương mại Lãng Yên, Cty TNHH đầu tư và kinh doanh siêu thị Á Châu... với số tiền hàng trăm tỉ đồng để nắm giữ cổ phần số lượng lớn có thể điều khiển hoạt động của các doanh nghiệp này.
Chỉ riêng đối với việc giật dây, điều hành tại Cty ACBI, Viện KSNDTC đã cáo buộc Nguyễn Đức Kiên kinh doanh trái phép hơn 1.433 tỉ đồng.
Tương tự như vậy, Nguyễn Đức Kiên lập nên Cty B&B với chức năng kinh doanh là xây dựng dân dụng công nghiệp, xây kho bãi đỗ xe...; thế nhưng, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên ngày 30.11.2010, Cty B&B đã phát hành 10 triệu trái phiếu giá trị 1.000 tỉ đồng và bán cho NH ACB. Số tiền thu được Cty B&B đã chuyển 426,3 tỉ đồng cho Nguyễn Thuý Hương (em gái Kiên) để mua 36 triệu cổ phiếu Cty CPBĐS Hoà Phát-Á Châu.
B&B uỷ thác cho bà Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên) 39 tỉ đồng và hai cá nhân khác 285,6 tỉ đồng để mua cổ phiếu của NH Thương mại cổ phần Việt Nam Thương tín (VietBank). Số tiền còn lại, Nguyễn Đức Kiên tiếp tục uỷ thác hoặc chuyển cho các Cty, cá nhân khác để mua cổ phần của các Cty khác. Tổng cộng, Cty B&B đã mua cổ phần, góp vốn vào các Cty khác gần 2.349 tỉ đồng.
Tại Cty AFG, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo sử dụng toàn bộ số vốn điều lệ 3.200 tỉ đồng để mua 160.000 trái phiếu của NH ACB. Sau đó, đến tháng 3.2008, Cty AFG phát hành 4 triệu trái phiếu đợt 1 có tổng giá trị 400 tỉ đồng và bán ngay cho NH Thương mại cổ phần Phương Nam. Khi lấy được tiền từ NH, Nguyễn Đức Kiên sử dụng số tiền này đầu tư vào các Cty nằm trong hệ thống của mình để kinh doanh. Tổng số tiền kinh doanh tài chính trái quy định tại AFG của “bầu Kiên” lên đến 4.068 tỉ đồng.
Tại Cty ACI, sau khi nhận được hơn 190 tỉ từ Cty B&B chuyển sang; 63 tỉ đồng từ Cty AFG,... Nguyễn Đức Kiên tiếp tục chỉ đạo Cty này mua 37,5 triệu cổ phần của Cty cổ phần đầu tư và thương mại Nhà Rồng; 6,375 triệu cổ phần của Cty cổ phần dịch vụ hàng hoá Sài Gòn...
Đối với Cty ACI-HN, Nguyễn Đức Kiên cũng đã chỉ đạo Cty này phát hành 3,5 triệu trái phiếu trị giá 350 tỉ đồng để bán cho Vietbank. Sau khi lấy tiền của Vietbank, số tiền bán trái phiếu lập tức được chuyển cho Cty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) để mua lại gần 11 triệu cổ phiếu NH ACB. Đến 10.11.2010, ACI-HN phát hành 11 triệu trái phiếu, sau đó bán 6,5 triệu trái phiếu cho NH ACB được 650 tỉ đồng.
Số tiền này được chuyển cho các ông Nguyễn Văn Hoà (Kế toán trưởng NH ACB), Đỗ Minh Toàn (thành viên Hội đồng thành viên ACBS), Lê Vũ Kỳ, Huỳnh Vân Sơn để những người này đứng tên thay cho Nguyễn Đức Kiên mua cổ phần NH Thương mại cổ phần Đại Á (DaiABank). Một phần khoản tiền trên tiếp tục được ACI-HN uỷ thác NH ACB 58,5 tỉ đồng để mua 58.500 cổ phiếu của Vietbank.
Ngoài tiền bán trái phiếu, ACI-HN còn sử dụng tiền của mình, uỷ thác cho NH ACB mua 17.500 cổ phiếu của Vietbank; sử dụng 198 tỉ đồng thông qua các ông Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Đàm Văn Tuấn đứng tên mua 19,8 triệu cổ phiếu KienLongBank; sử dụng hơn 129 tỉ đồng và thông qua các ông Đỗ Minh Toàn, Nguyễn Văn Hoà, Huỳnh Vân Sơn để mua gần 20 triệu cổ phần DaiABank...
Nếu như các Cty mà Nguyễn Đức Kiên thành lập ra có tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu thì không có gì đáng nói. Điều đáng nói là tất cả những Cty mà Nguyễn Đức Kiên thành lập ra không có tài sản, không hề hoạt động theo đúng chức năng đã đăng ký mà chỉ nhằm tạo pháp nhân để lập giấy tờ nhằm sử dụng tiền của NH ACB và các NH khác, đầu tư lòng vòng kiếm lời từ thị trường tài chính. Việc làm này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính trong những năm 2008-2012.
Lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỉ đồng
Cũng theo cáo trạng, không chỉ “tay không bắt giặc”, sử dụng chiêu “lấy mỡ nó rán nó” để kiếm lời vô cùng lớn trong việc mua bán lòng vòng cổ phiếu các NH, Nguyễn Đức Kiên còn bị cáo buộc phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể với tư cách là Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT Cty và quyết định của HĐQT.
Nội dung biên bản và quyết định khống thể hiện chủ trương của Cty bán 20 triệu cổ phần Cty cổ phần thép Hoà Phát mà ACBI đang sở hữu để cung cấp cho Cty TNHH một thành viên thép Hoà Phát. Mục đích chính để Cty này có lòng tin và ký hợp đồng mua cổ phần của Cty ACBI, chiếm đoạt 264 tỉ đồng. Thực tế, số cổ phiếu này ACBI đang thế chấp cho NH ACB.
Không chỉ có vậy, lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, Nguyễn Đức Kiên với thủ đoạn ký hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính giữa Cty B&B với Nguyễn Thúy Hường (em gái Kiên) để chuyển lợi nhuận của DN sang cho cá nhân, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN của Cty B&B với số tiền 25 tỉ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên còn cố ý làm trái trong việc cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu NH ACB, gây thiệt hại gần 688 tỉ đồng.
Không chỉ “tay không bắt giặc”, sử dụng chiêu “lấy mỡ nó rán nó” để kiếm lời vô cùng lớn trong việc mua bán lòng vòng cổ phiếu các ngân hàng, Nguyễn Đức Kiên còn bị cáo buộc phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Châu Anh (Báo Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.