Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định lãi suất chắc chắn sẽ giảm, nhưng chưa chắc doanh nghiệp (DN) đã vay, bởi tổng cầu của nền kinh tế vẫn tăng chậm.
Không ai đi vay tiền về để trong tủ!

* Liên tiếp hai lần hạ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa lãi suất huy động xuống mức 12%/năm. Theo ông, lãi suất cho vay cũng sẽ thấp ?


- Chắc chắn, tới đây lãi suất cho vay sẽ thấp hơn, nhìn từ ba yếu tố.

Thứ nhất, nếu căn theo lạm phát tính theo năm, thì tính tới cuối kỳ đã xuống khoảng 14,55%, còn tính bình quân kỳ là 15,95%. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ giao động từ 14-16%. Như dự báo, lạm phát tiếp tục được kéo xuống, lãi suất cho vay sẽ từ mức 20% hiện nay xuống khoảng 18% vào cuối năm.


Thứ hai, hiện nay không phải tất cả các ngân hàng đều thiếu thanh khoản. Nhiều ngân hàng thừa thanh khoản nhưng không cho vay được. Khó cho vay, các ngân hàng này sẽ dìm lãi suất xuống, bởi đây là nhóm chiếm thị phần lớn, chi phối thị trường.


Thứ ba, việc NHNN bơm thanh khoản ra nhưng không hút về hết, tạo một lượng tiền lớn trong nền kinh tế, cũng sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay giảm.


* Như vậy, có thể hy vọng lãi suất giảm xuống mức 10%?

- Hoạt động ngân hàng liên quan tới rủi ro, tới lạm phát và sức chịu đựng của DN. Vì vậy, lãi suất cho vay đến cuối năm không thể giảm xuống 10%, nhưng lãi suất huy động thì có thể.


Khi lãi suất huy động kéo xuống 10% hoặc dưới 10%, lãi suất cho vay vào khoảng 14-15%, phù hợp với nền kinh tế hiện nay.


* Nếu chỉ hạ lãi suất mà không thay đổi được cầu tín dụng, thì hiệu quả không bao nhiêu?


- Lo ngại nhất hiện nay là thanh khoản của nền kinh tế chứ không hẳn bởi cung - cầu tín dụng, hay thanh khoản của ngân hàng. Những ngân hàng thiếu thanh khoản đều thuộc đối tượng cơ cấu lại. Tiền rất nhiều nhưng chỗ nào cũng bảo thiếu. Nó đang tắc ở đâu thì phải khơi thông.


Hiện, NHNN đã khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, thậm chí không hạn chế cả bất động sản, chứng khoán điều kiện để vay nợ được nới lỏng nhiều.


Bên cạnh đó, NHNN đang xem xét lại quy định của Thông tư 13 (chỉ được sử dụng 80% vốn huy động để cho vay), tới đây, sẽ mở rộng lên 90-100%. DN kêu không tiếp cận được tín dụng, kêu vậy thôi chứ với mức lãi suất hiện nay, họ vẫn không vay.


* Như ông nói, vấn đề cần giải quyết là cầu, song bằng cách nào?


- Quý I/2012, gần 12.000 DN đăng ký phá sản và ngừng hoạt động. Chúng ta không thể nói chung chung mà phải nhìn vào thực trạng DN phá sản.


Ở đây, phải làm rõ DN khu vực nào phá sản, ngừng hoạt động, vì sao? Bởi thực tế, có DN chưa tồn tại đã khai “chết”. Đầu tư ngoài ngành khiến không ít DN thủy sản “chết” không vì thủy sản mà vì bất động sản.


Thực tế, lãi suất trên 20%, nhiều DN vẫn phải vay để cầm cự. Như vậy, kéo lãi suất xuống 14-15% các DN “sắp chết” có thể phục hồi. Một số DN khác, khi lãi suất đã xuống 14-15% mà vẫn không sống được, thì nên “để cho chết”.


* Lãi suất cho vay hạ, DN cũng không mặn mà, tại sao vậy ?


- Không ai đi vay tiền về để ở trong tủ. Về tăng tổng cầu, từ 2001 đến nay vẫn dùng chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng dịch vụ xã hội, nếu loại trừ yếu tố về giá, tăng 8-10% thì kể cả 2008-2009 vẫn tăng rất cao, nhưng đến 2011 thì mức tăng sụt nhanh.


Tức là tổng cầu, dù đã loại trừ giá, vẫn tăng rất chậm, cho thấy nền kinh tế có vấn đề.


Lãi suất hạ, nhưng sẽ rất gay nếu chúng ta không có chính sách kích cầu kịp thời. Xưa nay, cái gì làm ra đều bán được, dù giá cao hay lạm phát. Nhưng đến 2011, hàng làm ra không bán được.


Năm nay, không hẳn là người ta không có tiền, người ta không tiêu bởi hai nguyên nhân.


Một là, vấn đề về sự kỳ vọng và niềm tin. Có tiền nhưng người ta không tiêu mà tích trữ.


Hai là, bất bình đẳng về thu nhập tích lũy trở nên quá lớn. Tiêu thụ đường, xi măng, sắt thép ách tắc, trong khi người có tiền đã hết nhu cầu.


Những người có nhu cầu thì không dám tiêu hoặc do không có tiền, mà số này lại chiếm phần lớn. Vậy tiền đang nằm ở đâu?


* Cảm ơn ông!

Theo Doanh nhân SG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.