Những doanh nhân chân chính đều luôn sẵn sàng lỗ tạm thời để người công nhân không phải ra đứng đường. Nếu khó khăn mà nói rằng, đừng trị lạm phát, hãy "cứu" doanh nghiệp thì đó là xúc phạm doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ.
Kêu gọi 'cứu' doanh nghiệp là xúc phạm doanh nhân

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, câu chuyện về hình ảnh doanh nhân Việt Nam tiếp tục được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ cùng Diễn đàn kinh tế Việt Nam, báo VietnamNet.
Chống lạm phát cũng là cứu doanh nghiệp
Thưa ông, vừa qua, một số ý kiến nói trong bối cảnh khó khăn này cần có những chính sách ban hành ra nên cứu doanh nghiệp song song với trị lạm phát. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Nếu bảo là phải "cứu" doanh nghiệp mà buông lạm phát thì tôi thấy nói điều đó là xúc phạm giới doanh nhân. Vì chống lạm phát cũng là cứu doanh nghiệp mà cứu doanh nghiệp cũng là góp phần chống lạm phát và chúng ta điều hòa hai vấn đề này sao cho hợp lý.
Lạm phát cao thì doanh nghiệp "chết" trước, nếu lạm phát hơn 20% thì doanh nghiệp hoạt động thế nào được? Ví dụ bơm tiền ra mà không kiểm soát được cung tiền thì một số doanh nghiệp có thể "thoi thóp" được nhưng rồi lạm phát cao sẽ là gánh nặng cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đồng hành với Chính phủ trong việc chống lạm phát vì lợi ích chung của nền kinh tế và trong đó, cũng là có lợi ích doanh nghiệp.
Ngay cả vừa rồi, Chính phủ có chương trình sử dụng một khoản tiền để hỗ trợ doanh nghiệp, tôi e là khó, vì làm thế là phải tăng tín dụng. Nhưng nếu các địa phương trên cơ sở nguồn thu của mình, co kéo cách này cách kia, tiết kiệm được để có nguồn lực hỗ trợ cho bộ phận doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh thì sẽ tốt hơn. Ví dụ như giảm đầu tư công, chuyển vốn đó sang làm vốn tín dụng cho vay đối với các doanh nghiệp chẳng hạn...
Khi khó khăn, mỗi nhóm doanh nghiệp sẽ lại kiến nghị Chính phủ "giải cứu" vì quyền lợi của nhóm mình, ngành mình và đôi khi các kiến nghị này mâu thuẫn với nhau. Ví như các doanh nghiệp bất động sản muốn nới tín dụng, sản xuất muốn hạ lãi suất, còn ngân hàng thì cần lãi suất có lợi. Làm sao để Chính phủ hay VCCI đưa ra giải pháp, kiến nghị chính sách cân đối điều đó?
Ông Vũ Tiến Lộc: Đấy là cái khó của những tổ chức đại diện chung cho cộng đồng doanh nghiệp như VCCI, cũng là khó cùa Chính phủ. Vì chúng tôi sẽ phải đưa ra các kiến nghị có lợi chung cho toàn bộ cộng đồng.
Hoạt động của nhóm các đại biểu Quốc hội là doanh nhân cũng vấp phải ý kiến này. Tôi vẫn nói với mọi người rằng, nếu các hiệp hội doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội là doanh nhân nói lên tiếng nói chính đáng, hợp pháp của cộng đồng mình, ngành kinh doanh của mình hay bộ phận doanh nghiệp đó thì sẽ phù hợp với lợi ích toàn dân.
Khi một nhóm doanh nhân nắm vững thông tin, có thực tế và đứng trên quan điểm lợi ích chung, việc giải cứu ngành đó, nhóm đó có tác dụng tốt cho nền kinh tế thì ý kiến đưa ra sẽ hợp lý. Bởi nếu để đổ vỡ lĩnh vực đó có thể sẽ gây tác động xấu cho nền kinh tế. Nhưng nếu họ đứng trên lợi ích riêng của ngành mình mà không quan tâm các vấn đề kinh tế liên quan thì không chấp nhận được.
Doanh nghiệp làm đại biểu Quốc hội trên chính trường, phải nói tiếng nói vì lợi ích cử tri mà họ đại diện chứ không vì lợi ích riêng doanh nghiệp mình.
Mong thế hệ trẻ thấm đẫm tinh thần doanh nhân
\Người ta vẫn nói, bản chất doanh nghiệp là vì lợi nhuận, là làm giàu cho bản thân. Ông có suy nghĩ gì về lợi ích riêng đó của doanh nghiệp?
Ông Vũ Tiến Lộc: Vừa rồi, các doanh nghiệp trụ vững không phải vì chính họ mà vì cả nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi, cái lo là làm sao để hàng nghìn công nhân, cán bộ của tôi không ra đứng đường, phải giữ được đối tác của tôi, kể cả tôi chấp nhận mất đi một ít tài sản, chấp nhận lỗ tạm thời, giảm lãi.
Tôi thấy có những doanh nghiệp làm như vậy, họ biết kết hợp hài hòa lợi ích của đất nước với lợi ích chính họ, không phải ai cũng chỉ vì mình đâu. Những doanh nghiệp chân chính đều làm như vậy.
Như ông Bill Gates kinh doanh có phải làm vì tiền bạc cho riêng mình đâu. Ở các nước khác, các doanh nghiệp chân chính cũng đều hành xử như vậy. Họ không vì tích lũy riêng cho bản thân mà nhiều doanh nghiệp lớn đã dành tài sản để làm từ thiện cho xã hội.
Chúng ta hoàn toàn có thể đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có tầm nhìn như thế, có trách nhiệm đối với xã hội. Tất nhiên, luôn có sự giằng xé giữa nhóm lợi ích riêng và lợi ích chung. Nhưng tôi thấy là đã có những hiệp hội, những doanh nghiệp đề xuất từ cái tâm của người ta, có thể ý kiến cụ thể là chưa chuẩn thôi.
Thưa ông, VCCI đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về vai trò của doanh nhân trong thời đại mới để trình Bộ Chính trị sắp tới. Vậy, quan điểm cửa ông về vai trò của doanh nhân thời đại hiện nay là gì?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trước đây, hầu hết những người trở thành doanh nhân là một sự lựa chọn bất đắc dĩ, bởi vì họ không làm trong Nhà nước, cơ quan giải thể , về hưu "một cục" chẳng hạn, rồi họ ra làm buôn bán kinh doanh bên ngoài. Nhưng giờ đây, lựa chọn này là lý tưởng phổ biến của giới trẻ.
Trước đây, nhiều người muốn con mình là công chức nhưng giờ, nhiều người muốn con cái mình là doanh nhân, ngay cả thế hệ trẻ bây giờ, nhiều em đã đặt mục tiêu, hoài bão lập nghiệp như vậy.
Tuy nhiên, quan niệm về doanh nhân hiện nay còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thống nhất. Trong dự thảo Nghị quyết, chúng tôi đã xác định lại quan điểm về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày hôm nay và nêu 7 nhóm giải pháp để phát triển doanh nhân Việt Nam.
Tóm gọn lại, chúng tôi đã xác định doanh nhân Việt Nam là lực lượng trụ cột trong nền kinh tế thị trường, một nhân tố quyết định sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước. Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, tham gia vào giá trị toàn cầu, phấn đấu đến năm 2020 tăng tỷ trọng doanh nghiệp vừa và lớn, phấn đấu có một số doanh nghiệp đạt tầm cỡ khu vực và thế giới, chuẩn mực quốc tế.
Đặc biệt, làm sao để sau Nghị quyết này, sẽ khơi dậy tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội như một lý tưởng, hoài bão như tinh thần bộ đội Cụ Hồ thời chiến tranh.
Tôi rất muốn tinh thần này cần đưa vào không chỉ trong các trường đại học mà phải đưa vào các trường phổ thông.
Ngày xưa, trong bài học cấp 1 đã có hình ảnh anh bác sĩ, anh công an, cô giáo, anh công nhân, anh bộ đội thì giờ, phải đưa hình ảnh anh doanh nhân. Từ các em mẫu giáo, học sinh rồi sinh viên đại học để làm sao, tinh thần doanh nhân phải thấm vào các em rồi trở thành khát khao hoài bão làm giàu cho đất nước.
Cho đến nay, ông có trăn trở gì về tầm vóc, hình ảnh của doanh nhân Việt Nam?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trong bối cảnh ngày nay, chính doanh nhân mang lại niềm tự hào dân tộc. Nói tới Nhật Bản, người ta nghĩ tới Sony, Toyota, nói tới Hàn Quốc là Daewoo, Hyundai, Samsung... Những thương hiệu đó đến với người dân dễ hơn là tên quốc gia.
Việc gắn thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia là rất tự nhiên. Ví dụ như café Trung Nguyên của Việt Nam có thể đến được vào bữa sáng của người dân khắp thế giới, đi thẳng vào dạ dạy, thẳng vào nếp sống của người dân nước ngoài.
Doanh nghiệp hay thương hiệu lớn đã trở thành tài sản của đất nước. Vì thế, việc xây dựng các doanh nghiệp lớn còn là trách nhiệm của Nhà nước nữa. Trong chính sách vừa rồi, chúng ta đều khuyến khích thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp tư nhân lớn chứ không phải chỉ là các tập đoàn, các doanh nghiệp Nhà nước lớn như vừa qua.
Nhưng tôi nghĩ, đối với Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập rồi, các chuỗi giá trị toàn cầu đều chẻ nhỏ từng chi tiết, chúng ta cần hướng tới các doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế, có chất lượng cao, là điều tiên quyết.
Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.