Một đêm sau sáp nhập, "nàng lọ lem" Southern Bank sẽ bước chân vào ngôi nhà giàu có, nền nếp gia phong.

Đề án nhận sáp nhập tự nguyện Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vừa được lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chia sẻ với VnExpress tối qua. Thông tin này không quá bất ngờ với giới đầu tư bởi những đồn đoán sáp nhập đã được hé mở từ sau cuộc đổi chủ lớn tại Sacombank hồi năm 2012. Tuy vậy, nếu so sánh thực lực của hai bên, nhiều người băn khoăn tại sao Sacombank - một ngân hàng năng lực quản trị thuộc hàng đầu hệ thống - lại muốn sánh đôi với đơn vị mà tổng tài sản chỉ bằng phân nửa, lợi nhuận làm ra chưa bằng một phần bảy như Southern Bank.

Theo đại diện Sacombank, hai bên tìm đến nhau bởi Southern Bank tự thấy không thể tự tái cấu trúc và đây cũng là cách để ngân hàng ông tăng quy mô. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và giới lãnh đạo ngân hàng, lý do thực sự có thể nằm ở cơ cấu sở hữu liên quan đến gia đình ông Trầm Bê tại 2 ngân hàng.

Ông Trầm Bê là nhân vật ảnh hưởng ở cả Sacombank lẫn Southern Bank.

Tại Ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê và các con đều đang sở hữu vượt 20% cổ phần. Tương tự, cha con ông cũng là những người có ảnh hưởng lớn tại Sacombank sau cuộc chuyển giao quyền lực từ cha con ông Đặng Văn Thành năm 2012. Trong khi ông Trầm Bê là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT) thì con trai Trầm Khải Hòa cũng là thành viên HĐQT. Tổng cộng đến hết năm 2013, ông và 3 người con đang nắm khoảng 6,8% cổ phần của Sacombank. Không chỉ vậy, một nửa bộ lãnh đạo cấp cao của Sacombank hiện nay cũng là người cũ từ Southern Bank.

Cũng vì lẽ đó mà có chuyên gia nhìn nhận đây là phần kết thúc có hậu và đúng kịch bản của một thương vụ thâu tóm ngân hàng, đã đến lúc các ông chủ quy về một mối để dễ quản lý.

Còn nếu nhìn từ góc độ của cuộc tái cấu trúc hệ thống, tổng giám đốc một nhà băng cổ phần cũng vừa trải qua đợt sáp nhập, hợp nhất các năm trước lại thấy đây là cách tốt để giải quyết chuyện sở hữu chéo giữa Sacombank và Southern Bank. Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, cho rằng, khi chủ của hai đơn vị có liên quan đến nhau, việc họ đưa chung về một mái nhà sẽ có cái lợi là chống sở hữu chéo.

Hiện cả hai bên vẫn phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước về đề án cũng như sự thông qua của các cổ đông. Sau sáp nhập, Sacombank mới (thương hiệu Southern Bank sẽ biến mất) trở thành ngân hàng cổ phần có quy mô lớn nhất hệ thống với vốn điều lệ 16.500 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 240.000 tỷ. Như vậy, về quy mô, Sacombank chỉ còn đứng sau 4 "ông lớn" quốc doanh Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV.

Sau sáp nhập, Sacombank mới sẽ là ngân hàng cổ phần lớn nhất hệ thống.

Mạng lưới tăng thêm cũng sẽ là một điểm cộng cho Sacombank sau khi sáp nhập. Trên thực tế, hiện diện của Southern Bank chủ yếu ở TP HCM mà ở đây, Sacombank đã có đủ sự bao phủ rộng khắp từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy định mở rộng mạng lưới, chi nhánh ngày càng thắt chặt với mọi nhà băng, Sacombank hoàn toàn có thể xin cơ quan quản lý đổi 1-1, đổi chi nhánh tại nơi thừa sang các khu vực, tỉnh khác cần mở rộng mà chưa có giấy phép. Điều này rất có lợi cho một đơn vị xác định đi theo con đường bán lẻ.

Ngoại trừ hai điểm này, giới phân tích cho rằng Sacombank không có nhiều cái "được" sau sáp nhập mà bên hưởng lợi nhiều nhất là Southern Bank. Bởi nếu so với họ, Southern Bank còn quá nhỏ bé. Vốn điều lệ, số nhân viên, tổng dư nợ cho vay của Sacombank gấp 3 lần Ngân hàng Phương Nam. Tổng tài sản và lượng tiền gửi từ khách hàng của người anh này cũng lớn gấp đôi. Trong khi mạng lưới của Sacombank nhiều gấp 4 thì lợi nhuận thậm chí gấp 6-7 những gì Southern Bank tạo ra.

Theo ông Phan Dũng Khánh, dù đây là cuộc sáp nhập giữa người mạnh và kẻ yếu nhưng Sacombank sẽ không vì thế mà yếu đi. "Sức mạnh sẽ tăng nhưng thêm nhiều hay ít còn tùy thuộc vào khả năng hợp nhất sau quản trị. Dù sao thì Phương Nam tuy là ngân hàng nhỏ nhưng cũng tương đối lâu đời và có tiếng chứ không đến nỗi làng nhàng lắm", ông Khánh phân tích.

Cũng nêu ra những thách thức cho Sacombank, một chuyên gia từng là lãnh đạo công ty kiểm toán quốc tế độc lập nói thêm: "Nếu Sacombank điều hành không khéo, rủi ro có thể là làm chậm quá trình phát triển đang rất tích cực của họ. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng nhiều vào bộ máy này bởi dù sao, họ vừa trải qua một cuộc đổi chủ với bao nhiêu xáo trộn mà vẫn phát triển tốt trong năm 2013. Như vậy chỉ có thể nhờ nền tảng, bộ máy quản trị tốt mà thôi".

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cũng ở phía Nam chia sẻ thêm với VnExpress: "Về mặt lợi ích của Phương Nam thì đã rõ khi được thừa hưởng uy tín và hệ thống của Sacombank. Nhưng ngược lại, sẽ là một thách thực sự với đội ngũ nhân sự của Phương Nam khi hòa nhập với trình độ quản lý được coi là hàng đầu Việt Nam như Sacombank".

Với quy mô và tầm vóc của hai bên, không khó để nhìn ra kết cấu của nhà băng mới sau vụ sáp nhập này. Theo đó, "ngôi nhà" mới này sẽ được xây bằng tất cả bộ khung sườn là tư duy, quản trị của dàn lãnh đạo điều hành cấp trung và cấp cao Sacombank cũ. Nhưng "nóc" của nhà băng này chắc chắn vẫn mang dáng dấp các "ông chủ", bộ máy HĐQT của Ngân hàng Phương Nam, trong đó có cha con ông Trầm Bê - những cổ đông lớn.

Thanh Thanh Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.