Liên kết sản xuất với nông dân là một trong những hướng sản xuất bền vững tập đoàn HAGL triển khai để đón đầu thị trường khi TPP có hiệu lực.

Ông Võ Ngọc Trường Sơn, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, dự án sẽ thực hiện ngay trong năm nay, tại huyện Kbang và xã An Phú, nơi gia đình ông Đoàn Nguyên Đức đang sinh sống. Sau khi mô hình thành công sẽ nhân rộng ra các khu vực khác. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư bò giống cho hộ nông dân vỗ béo. Sau khi đủ chuẩn đơn vị sẽ mua lại, giết mổ và phân phối ra thị trường.

Theo ông Sơn, đây là một cách xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và nông khi gia nhập TPP. Tổng giám đốc tập đoàn này cho rằng, hạn chế của nông nghiệp Việt Nam là vùng sản xuất manh múm, chi phí nhân công cao nên giá thành sản phẩm cao. “Đất sản xuất rất khó. Với riêng HAGL, chúng tôi kiếm mãi mấy năm cũng chỉ được 8.000-10.000 ha, phải qua Lào mới có thể đầu tư để áp dụng cơ giới hóa”, ông Sơn nói.

Theo tính toán của HAGL, nếu phát triển tốt chăn nuôi trong nước, cải thiện hạ tầng thì khi TPP có hiệu lực, bò Úc cũng khó cạnh tranh được với bò Việt Nam. Ảnh: H. Dịu.

Cơ sở hạ tầng chưa tốt cũng là trở ngại để ngành nông nghiệp có thể cạnh tranh tốt khi hội nhập. Đơn cử như việc vận chuyển một con bò thịt từ Gia Lai ra Hà Nội phải mất chi phí 3,3-4 triệu đồng, cùng nhiều phí phát sinh khác, khiến giá thành 1 kg thịt bò đến tay người dùng bị đẩy lên cao.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng khẳng định, các doanh nghiệp không nên quá lo thịt ngoại sẽ tràn thị trường. Bởi theo tính toán, hiện một con bò sống đưa từ Australia về Việt Nam cũng mất chi phí khoảng 350 USD. Nên nếu phát triển tốt chăn nuôi trong nước, hạ tầng cải thiện thì giá thành rẻ, bò nội sẽ cạnh tranh tốt với bò Úc, Mỹ.

Tại diễn đàn Đầu tư nông nghiệp thời TPP tổ chức tại TP HCM hôm nay, các doanh nghiệp sữa cũng khẳng định, ngành sữa đủ sức cạnh tranh tốt với các cường quốc lớn như New Zealand, Australia, Mỹ, Canada… khi TPP thực thi.

Ông Ngô Minh Hải, Phó tổng giám đốc TH True Milk, cho biết dù ngành sữa sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, nhưng những cường quốc về sữa cũng có những điểm yếu của họ. DN Việt sẽ khai thác các điểm hạn chế đó.

Thị trường sữa Việt Nam vẫn đủ lực cạnh tranh với các cường quốc nhờ lợi thế về vận chuyển, bảo quản. Ảnh: H.L.

Ông dẫn chứng, với sữa tươi, đây là xu thế tiêu dùng tất yếu. Các nước New Zealand hay Australia họ muốn kinh doanh tại Việt Nam thì phải mất thời gian, chi phí lớn để vận chuyển nguyên liệu về sản xuất. Và điều này càng khó hơn với với sữa thanh trùng. Hạn sử dụng chỉ 7-10 ngày thì doanh nghiệp ngoại chắc chắn không cạnh tranh được, vì thời gian vận chuyển dài.

“Vận chuyển là bài toán khó với các nước. Nếu vận chuyển sữa bột còn có khả năng, nhưng đưa sữa tươi từ Mỹ, New Zealand sang Việt Nam bán là cả vấn đề lớn. Nếu chúng ta chế ngự được điều này thì chúng ta có lợi thế”, ông Hải nói.

Ngoài ra, theo vị này, cần phải xây dựng một thị trường sữa minh bạch. Phải tuyên truyền để người dân hiểu đúng về sữa hoàn nguyên và sữa tươi. Nếu người dân hiểu đúng thì doanh nghiệp làm sữa trong nước không phải lo vấn đề cạnh tranh. Vì các nước họ sẽ chỉ có thế mạnh cạnh tranh tại thị trường Việt Nam với sữa bột.

Các chuyên gia lưu ý, để ngành sữa đủ lực cạnh tranh, cần phải xây dựng một thương hiệu đủ mạnh, tạo dựng bằng chính niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng không thua sản phẩm từ nước ngoài. Và quan trọng hơn là tuyên truyền để người tiêu dùng không còn tư tưởng sính ngoại.

H.Linh (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.