Tin đáng chờ đợi nhất cho cổ đông (CĐ) Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cuối cùng cũng xuất hiện: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các cơ quan có chức năng đã nhất trí với các đề xuất từ "chủ nợ" về tái cơ cấu nợ cho HAGL. Dù kế hoạch vẫn còn chờ Chính phủ xem xét nhưng bước đầu đã gợi mở lối thoát cho HAGL.

Lối thoát

Ngay khi thông tin được loan đi, cổ phiếu (CP) HAG của HAGL và CP HNG của Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lập tức tăng trần, với lệnh đặt mua ồ ạt. Tuy nhiên, sự hưng phấn này chỉ kéo dài được 2 phiên. Từ ngày 19/5, CP HAG giảm trở lại.

Đáng chú ý, trong lúc nhà đầu tư (NĐT) Việt Nam hồ hởi gom mua CP HAG thì khối ngoại lại rất bình thản, không những không đặt lệnh mua trong 2 ngày nóng sốt đó mà còn bán khi có thể.

Thị trường vẫn chưa thể yên tâm khi nhìn vào số nợ và phương án giải cứu cho HAGL. Điểm mấu chốt trong kế hoạch "giải cứu" cho HAGL bị đánh giá là "nhạy cảm". Việc các ngân hàng (NH) cơ cấu, gia hạn, miễn phạt, giảm lãi cho các khoản vay cho HAGL mà không chuyển nhóm nợ làm dấy lên lo ngại nợ tại HAGL không được nhìn nhận đủ và đúng.

Tuy nhiên, các NH có động lực để "dễ chịu" với HAGL. Bởi nếu họ chuyển nhóm nợ của HAGL xuống mức thấp hơn, số nợ đó sẽ bị xem là nợ xấu. Lúc đó, chiếu theo quy định, HAGL sẽ không có cơ hội để được vay vốn mới, không thể khắc phục khó khăn và dễ rơi vào nguy cơ phá sản. Giữ nguyên nhóm nợ cho HAGL giúp các NH bớt được áp lực về nợ xấu trên sổ sách, bớt phải trích lập dự phòng.

HAGL sẽ tận dụng việc giải cứu như thế nào để thoát khó? Ảnh: Quý Hòa

Theo báo cáo tài chính quý I/2016, HAGL vay ngắn hạn, dài hạn hơn 28.000 tỷ đồng, trong đó, vay từ NH, qua hình thức vay vốn lẫn phát hành trái phiếu chiếm hơn 90%. Vì thế, khi HAGL yếu dần khả năng thanh toán, với tỷ số thanh toán hiện hành về dưới 1, theo báo cáo quý I/2016, không riêng HAGL gặp áp lực mà các chủ nợ cũng rất lo lắng, nhất là những chủ nợ lớn như BIDV, Eximbank, VPBank.

Nếu phương án tái cơ cấu nợ cho HAGL được phê duyệt, NHNN sẽ phải tái cấp vốn để giúp các NH có thêm nguồn lực xử lý, như vậy sẽ đụng đến ngân sách và sự công bằng. Bởi nhiều doanh nghiệp đang rơi vào khó khăn tương tự như HAGL nhưng lại không được giải cứu.

Phía các NH cho rằng, HAGL vốn là doanh nghiệp (DN) có lịch sử tín dụng tốt. Khó khăn mà HAGL đang gặp phải có yếu tố rủi ro khách quan và khó lường, đến từ lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc thời tiết và biến động giá cả, như cao su, mía đường.

Cũng cần thấy, HAGL là DN tiêu biểu, có quy mô lớn, tiếng tăm không chỉ trong nước mà cả quốc tế, đầu tư mạnh sang Lào, Campuchia, Myanmar, đặc biệt, những vùng trồng mía đường, cao su, cọ dầu dọc tuyến biên giới Campuchia, Lào với diện tích lên tới 50.000ha đều liên quan đến đối ngoại của Việt Nam.

Bởi thế, Thủ tướng Lào vừa qua đã có công hàm gởi Chính phủ Việt Nam đề nghị có sự hỗ trợ cho các DN Việt Nam đang trồng cao su tại Lào, trong đó điển hình là HAGL và Tập đoàn Cao su Việt Nam. Với những đặc điểm kể trên, các NH và nhà quản lý không thể làm ngơ trước khó khăn của HAGL.

Hậu giải cứu

Vấn đề là HAGL sẽ tận dụng việc giải cứu như thế nào để thoát khó khăn. Nhìn trên báo cáo tài chính vài năm trở lại đây, HAGL vẫn đạt mức tăng trưởng về doanh thu, như doanh thu năm 2015 tăng gấp đôi so với 2014. Tuy nhiên, đáng chú ý là cơ cấu doanh thu của HAGL lại thường thay đổi.

Nếu như năm 2009 - 2012, nguồn thu chủ yếu của HAGL là từ bất động sản thì đến giai đoạn 2013 - 2014, mía đường giữ vai trò chủ lực. Từ năm 2015, đàn bò trở thành nguồn thu lớn của HAGL. Riêng những mảng được HAGL dồn lực đầu tư, gồm cao su, bất động sản và dầu cọ lại èo uột, thậm chí chưa thấy nguồn thu.

Hiệu quả kinh doanh của HAGL cũng là điều đáng xem xét. Hiện tại, tỷ lệ lãi gộp của HAGL trong hầu hết các mảng đều giảm. Chẳng hạn, tỷ lệ lãi gộp bán bò trong quý I/2016 giảm còn 10,8%, từ mức 29,2% của năm 2015. Hay ở lĩnh vực mía đường, tỷ lệ lãi gộp chỉ còn 31% trong khi năm 2015 là 42,4%.

Trong định hướng của HAGL, bò vẫn là nguồn đóng góp chính cho nguồn thu. Nhưng bò của HAGL đang vấp phải trở ngại về đầu ra và áp lực cạnh tranh của đối thủ trong nước cũng như bò nhập ngoại. Riêng tồn kho đường hàng trăm tấn và giá bán đường không như mong đợi cũng gây khó khăn cho HAGL.

Sự thất thường về giá nông sản đã đặt HAGL vào những rủi ro khó lường, trong khi trung tâm thương mại ở Myanmar lại chưa ghi nhận nguồn thu. Đây sẽ là các thách thức cho HAGL, dù có nhận được sự giải cứu.

Trên thị trường từng chứng kiến nhiều DN được giải cứu trong khả năng tự quyết của các NH. Ví dụ năm 2013, Công ty Năm Bảy Bảy (NBB) đã cơ cấu được hơn 1.000 tỷ đồng tiền nợ và trái phiếu, chiếm 83% tổng nợ. Việc cơ cấu được thực hiện theo hướng gia hạn thêm thời gian, giãn nợ từ 1 - 5 năm.

Sau đó, NBB tìm cách mở rộng liên doanh, liên kết với nhiều đối tác lớn như Tập đoàn Creed - Nhật Bản, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII). Nhờ đó, 2 khó khăn lớn của NBB là áp lực trả nợ vay và nguồn vốn để phát triển các dự án đều đã được giải quyết. Tuy nhiên, với lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2014 - 2015 của NBB chỉ vài chục tỷ đồng/năm, sự phục hồi của NBB được đánh giá mới là bước đầu.

Tương tự, Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng đã tái cơ cấu mạnh mẽ, phát hành CP để chuyển đổi nợ vay. Đến nay KBC đã đủ khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, đến hạn, đáp ứng kịp thời các khoản vay sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Đông Nam Á, nếu KBC không nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho và thu hồi các khoản phải thu thì rủi ro về thanh khoản sẽ tăng cao do tiền mặt của Công ty ở mức thấp, dưới 250 tỷ đồng.

Đối với những DN không có lợi thế riêng như quỹ đất sạch hay sở hữu nhiều khu công nghiệp lại tham gia vào thị trường ở giai đoạn nóng sốt (2007-2008), đi vào phân khúc không phù hợp với khách hàng, dù NH muốn cứu cũng rất khó thoát nạn. Điều này đang được nhìn thấy ở những bất động sản "trùm mền".

Rõ ràng, DN giải quyết nợ nần và phát triển ra sao sau khi nhận được hỗ trợ về chính sách và nguồn vốn mới là yếu tố then chốt.

Diệu Thảo (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.