Nhiều năm nay, thủ đô London của xứ sở sương mù đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của những khách du lịch Trung Quốc ham thích mua sắm hàng xa xỉ. Tuy nhiên, mới đây, một đại gia thời trang của Trung Quốc là Bosideng đã mở chi nhánh tại thành phố này.

Bosideng là nhãn hiệu thời trang nổi tiếng ở Trung Quốc và đang có tham vọng trở thành thương hiệu toàn cầu, cạnh tranh được với những đối thủ mạnh như Hugo Boss.

Theo tờ Financial Times, Bosideng là nhãn hiệu thời trang nổi tiếng ở Trung Quốc. Cuối tuần trước, hãng này đã mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại thủ đô nước Anh. Tuy nhiên, mục đích của họ không phải là để hấp dẫn khách hàng Anh mà cốt để "mượn" tiếng thời trang Anh để làm tăng vị thế quốc tế của Bosideng.

"Tham vọng của chúng tôi là trở thành một thương hiệu nổi tiếng, trong khi London lại chính là trung tâm thời trang của thế giới", ông Cao Đức Khang, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Bosideng cho hay. Với gần 11.000 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, ông Cao nói Bosideng đã trở thành "Marks & Spencer" (hãng thời trang tên tuổi tại Anh) của nước này.

Để thành công tại châu Âu, ông Cao đang tìm cách nâng thương hiệu của mình lên tầm cao cấp. Hãng hy vọng sẽ trở thành đối thủ của những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Hugo Boss.

Bosideng đã chi 20 triệu bảng Anh, một con số nhỏ trong tổng lợi nhuận 418 triệu bảng Anh hồi năm ngoái của hãng, để mở cửa hàng ở London. Tầng trên của cửa hàng còn có ý nghĩa như là "trụ sở" của hãng ở châu Âu. Hiện Bosideng đang lên kế hoạch mở cửa hàng ở Italy trong năm tới, đồng thời hoàn tất việc mua một cửa hàng ở đại lộ số 5, New York (Mỹ).

Không phải doanh nghiệp Trung Quốc thấy cơ hội kinh doanh ở Anh tuyệt vời, mà họ muốn mượn thị trường này để làm tăng uy tín với du khách Trung Quốc tới Anh về chất lượng hàng hóa và dịch vụ của họ.

Bằng cách nâng cấp hình ảnh thương hiệu như vậy, ông Cao Đức Khang hy vọng có thể tăng vị thế của mình trong mắt du khách Trung Quốc đến nước Anh, hơn là nhắm vào việc thu hút khách hàng bản địa. Và tới khi quay về nước, những du khách Trung Quốc này lại tích cực lui tới các cửa hàng của hãng ở đại lục.

"Việc Bosideng mạnh tay chi tiền chỉ để chứng tỏ họ là dân chơi", Paul French, một nhà phân tích Trung Quốc thuộc hãng nghiên cứu Mintel cho hay. "Mục tiêu hướng tới của họ là người Trung Quốc ở nước ngoài và họ cố gắng thể hiện mình như là một thương hiệu quốc tế dù họ thực sự không phải như vậy. Điều này không thực sự là vì bán hàng cho người tiêu dùng ở Anh".

French cho biết, công ty sữa Yili của Trung Quốc cũng có hành động tương tự trong suốt mùa Thế vận hội London vừa qua. Để thu hút khách hàng người Trung Quốc, họ đã đặt hàng loạt quảng cáo bằng tiếng Trung Quốc trên thân những chiếc xe bus ở London. Và không chỉ Bosideng, nhiều công ty khác của Trung Quốc cũng đang bắt chước tới London.

Ông Cao Đức Khang cho hay, những ngày gần đây, ông đã gặp nhiều đại diện của các công ty bán lẻ Trung Quốc. Những công ty này cũng đang quan tâm tới việc mở cửa hàng ở Anh và muốn học hỏi kinh nghiệm ở ông.

Thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết chất lượng hàng hóa của nhóm khách nhà giàu Trung Quốc.

Chuyên gia Tom Troubridge của PwC cho rằng, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc quan tâm tới thị trường Anh. "Mức độ quan tâm đã tăng lên một cách rõ rệt", ông nói. "Mỗi tuần chúng tôi tiếp nhận 2 hoặc 3 yêu cầu tư vấn, trong khi 5 năm trước, mỗi tháng chỉ có 2-3 yêu cầu tương tự".

"Chúng tôi đang xem xét nhu cầu tìm hiểu thị trường của các nhãn hàng cao cấp, từ ôtô xe máy cho tới túi xách, thời trang phụ nữ cho tới rượu', ông nói thêm. "Không phải vì họ nhận thấy cơ hội tăng trưởng tuyệt vời ở thị trường Anh, mà đơn giản là họ muốn mang danh tiếng về hàng hóa, dịch vụ của họ về Trung Quốc".

Các công ty Trung Quốc đang săn tìm cơ hội để thu hút được tầng lớp khách hàng giàu có tại thị trường đại lục, đồng thời ganh đua cùng các hãng phương Tây trong việc tăng sức ảnh hưởng đối với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các thương hiệu nội địa của họ rất yếu về thiết kế, tính sáng tạo và đột phá so với các công ty Anh, Troubridge cho hay.

Thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá chất lượng của nhóm khách hàng giàu có Trung Quốc. Điều này giải thích vì sao 90% quần áo của Bosideng được sản xuất tại Anh hoặc châu Âu.

Tuy nhiên, các hãng bán lẻ không phải là những doanh nghiệp duy nhất tìm cách tiếp cận người Trung Quốc ở nước ngoài.

Troubrigde tiết lộ một khách hàng Trung Quốc còn muốn ông tư vấn cách mua một chuỗi khách sạn tại Anh để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch Trung Quốc tới xứ sở sương mù. Họ cho rằng, người Trung Quốc sẽ thoải mái hơn nếu đi nghỉ ở nước ngoài và lưu trú tại khách sạn do chính người Trung Quốc làm chủ.

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.