Hơn nửa năm sau khi quyết định chia tay với đối tác Thái Lan CP Foods, Công ty Cổ phần Minh Phú vẫn chưa thực hiện được mục tiêu kinh doanh đầy lạc quan mà họ đã đưa ra. Tính đến hết tháng 6.2013, Minh Phú chỉ mới đạt được 34 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 87,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này được cho là một thất bại, bởi kế hoạch lợi nhuận cả năm của Minh Phú sẽ là 295 tỉ đồng lợi nhuận.

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu thủy sản từ đây cho đến cuối năm có thể sẽ không mấy khả quan. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết lượng đơn hàng chuyển về không nhiều, dù hằng năm đến thời điểm này nhu cầu thường tăng cao.

Không chỉ vậy, lượng tồn kho của Minh Phú tính đến giữa năm đã tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, dù Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lê Văn Quang từng cho biết đã có thêm nhiều khách sẵn sàng mua tôm của Công ty với giá cao. Từ đầu năm đến nay, Minh Phú cũng đã cắt giảm 4% nhân sự.

Hãy trở lại với chiến lược của Minh Phú. Hồi đầu năm, công ty này bất ngờ thông báo lộ trình hủy niêm yết trong giai đoạn 2013-2014. Theo ông Quang, Minh Phú hủy niêm yết để tái cơ cấu và chuẩn bị tiếp nhận một đối tác thích hợp hơn sau CP Foods.

Đến cuối tháng 9.2013, Minh Phú đã giải thể một công ty con là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Nuôi tôm sinh thái Minh Phú. Đơn vị này ra đời vào năm 2010, có nhiệm vụ nuôi tôm tự nhiên ở Cà Mau để xuất khẩu với giá cao. Bỏ công ty con này, Minh Phú chỉ còn dồn lực cho Công ty Chế biến Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, chủ yếu chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ cá.

Về chuyện đối tác sau CP Foods, ông Quang từng cho biết Minh Phú đang có 4 đối tác tiềm năng trả giá khá cao, trong đó có một đơn vị Nhật. Tuy nhiên, ông khẳng định dù có hợp tác với đối tác nào đi nữa thì cũng sẽ không bán cổ phần cho họ với tỉ lệ chi phối quá lớn vì muốn để lại Công ty cho gia đình.

Có thể nói, gánh nặng giữ lại sản nghiệp cho gia đình đã phần nào hạn chế tiềm năng phát triển của Minh Phú. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Hùng Vương là một ví dụ điển hình thành công nhờ tư tưởng thông thoáng của người chủ.

Ra đời sau Minh Phú hơn 10 năm, nhưng hiện nay Hùng Vương đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản. Tuy doanh thu năm 2012 của hai doanh nghiệp này ngang nhau, khoảng 8.000 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận lại có sự chênh lệch đáng kể. Nếu như Hùng Vương thu được 260 tỉ đồng, con số này của Minh Phú chỉ là 16 tỉ đồng, giảm 94% so với năm trước đó.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hùng Vương, một yếu tố quan trọng giúp Công ty vươn lên nhanh chóng là sự góp sức của các nhà đầu tư bên ngoài. Ông Minh cũng cho biết không có ý định đưa người trong gia đình lên lãnh đạo và nói sẽ tạo điều kiện để những nhà quản trị giỏi lên thay mình. Ông chủ Hùng Vương cũng đã chọn được khoảng 10 người cấp dưới có năng lực, có thể thay thế ông trong tương lai.

Tư tưởng thông thoáng của ông chủ Hùng Vương cũng được thể hiện qua tỉ lệ sở hữu. Hiện tại, ông Minh chỉ nắm khoảng 36% cổ phần và người trong gia đình ông hầu như không sở hữu cổ phần hay quản lý Công ty.

Còn ở Minh Phú, gia đình ông chủ đang nắm đến 67% cổ phần và tỉ lệ sở hữu của người nhà trong công ty này cũng khá lớn. Ông Quang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc và vợ ông, bà Chu Thị Bình, thì giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc. Nhiều vị trí quản lý chủ chốt khác ở Minh Phú đều do người nhà ông Chủ tịch nắm giữ.

Mang tư tưởng thông thoáng như ông chủ Hùng Vương là bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, một doanh nghiệp khác thành công trong ngành thủy sản. Bà Khanh trọng dụng nhân tài mặc dù họ là người ngoài, đặc biệt khuyến khích sinh viên gốc Đồng Tháp (quê của bà) tốt nghiệp đại học, phát triển sự nghiệp tại Công ty. Người nhà của bà Khanh hầu như không nắm giữ vai trò quản lý nào ở Vĩnh Hoàn.

Là một doanh nghiệp cùng thời với Minh Phú, nhưng hiện nay Vĩnh Hoàn vẫn kinh doanh rất thành công. Lợi nhuận năm 2012 của doanh nghiệp này tuy có giảm so với năm trước đó, nhưng vẫn đạt mức 208,8 tỉ đồng, bằng 104,4% kế hoạch năm. Bà Khanh cũng là người giàu nhất ngành thủy sản Việt Nam, được xếp hạng cao hơn ông Minh của Hùng Vương và ông Quang của Minh Phú.

Sau khi tuyên bố hủy niêm yết, Minh Phú hầu như giấu mình hoàn toàn trước giới truyền thông. Tuy nhiên, hồi tháng 5, công ty này đã thực hiện một thay đổi nhân sự quan trọng. Đó là đưa ông Nguyễn Thiện Tâm, cựu Giám đốc Tài chính Phở 24, về thay cho ông Lê Văn Điệp, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính, cũng là em trai Chủ tịch Lê Văn Quang, vào vị trí Giám đốc Tài chính của Minh Phú. Dường như Minh Phú đang có một chiến lược mới.

Thanh Hương - Hà Nguyễn (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.