Doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam vừa nhận 2 tin vui cùng lúc: Được rút kết luận điều tra và thắng lớn ở kết quả kinh doanh năm 2020.

Không có bằng chứng kết luận Thủy sản Minh Phú “né” thuế chống bán phá giá

Bộ Công Thương vừa có thông cáo, bình luận việc Hoa Kỳ không áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (công ty Minh Phú), là quyết định khách quan, công bằng, cân nhắc đầy đủ các thông tin, nỗ lực của công ty Minh Phú và các bên liên quan trong quá trình xử lý vụ việc.

Trước đó, ngày 11/2/2021, cơ quan Hải quan và Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã ban hành quyết định về việc không có bằng chứng để kết luận công ty Minh Phú lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ đang áp dụng với tôm của Ấn Độ.

Trên cơ sở đó, CBP sẽ xem xét, điều chỉnh biện pháp ban hành ngày 13/10/2020 để không áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của công ty Minh Phú.

Quyết định này cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác, đồng thời, Minh Phú cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp trước đó theo quyết định ngày 13/10/2020.

Vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với công ty Minh Phú được CBP khởi xướng điều tra ngày 9/10/2019 dựa trên đơn kiện của ủy ban Thực thi thương mại tôm Hoa Kỳ (đại diện các nhà sản xuất tôm trong nước).

Sau đó, CBP thông báo áp dụng các biện pháp điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và áp dụng ký quỹ tạm thời ở mức 10% với các lô hàng xuất khẩu của công ty Mseafood (công ty con của Minh Phú) vào Hoa Kỳ.

Cụ thể, tại kết luận ngày 13/10/2020, CBP cho rằng MSeafood Mseafood vi phạm luật Thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Từ đó, cơ quan EAPA của CBP đã yêu cầu áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ với Minh Phú dựa trên nhận định rằng: Hệ thống truy xuất của Minh Phú còn có một số lỗi nhỏ, Minh Phú chưa hợp tác đầy đủ vì chưa cung cấp được hồ sơ truy xuất chi tiết của từng loại nguyên liệu tôm tới từng chuyến hàng xuất khẩu với thông tin và tài liệu như cơ quan này yêu cầu.

Ngay sau đó, lãnh đạo Minh Phú đã quyết định nộp đơn khiếu nại hành chính lên cơ quan cấp cao của CBP, yêu cầu xem xét lại kết luận nói trên, vì kết luận này đã bỏ qua bằng chứng quan trọng nhất là Minh Phú đã có hệ thống truy xuất riêng hiệu quả dù không theo đúng cách thức mà EAPA yêu cầu và không sử dụng tôm nguyên liệu Ấn Độ cho hàng xuất vào Hoa kỳ.

“Vua tôm” Minh Phú đang làm ăn ra sao?

Lãi hợp nhất năm 2020 đạt 617 tỷ đồng (tăng 38% so với năm trước), riêng quý 4/2020 thu lãi 140 tỷ đồng (cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2019)…, đây là những điểm sáng nổi bật trên bản báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 và lũy kế cả năm 2020 mà Minh Phú vừa công bố.

Theo đó, quý 4/2020, Minh Phú đạt doanh thu thuần 4.352 tỷ đồng (tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận gộp đạt 366 tỷ đồng (tăng 33% so với quý 4/2019).

Minh Phú là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 3 tỷ so với cùng kỳ, đạt hơn 43 tỷ đồng, trong khi nhờ tiết giảm chi phí (chi phí tài chính giảm hơn một nửa, chi phí quản lý DN cũng thấp hơn) nên kết quả Minh Phú lãi ròng gần 140 tỷ đồng (cao gấp 2,7 lần so với quý 4/2019).

Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của DN đạt 14.334 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ) song lợi nhuận sau thuế lại tăng 38,3%, đạt 617 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là hơn 617 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 2.984 đồng.

Trước đó, năm 2019, doanh số xuất khẩu của Minh Phú đạt 643 triệu USD, giảm 14,25% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được đưa ra là do thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu của công ty này.

Sau đó, DN có sự tăng tốc bằng các biện pháp “bơm” vốn cho hoạt động kinh doanh đi đôi với thắt chặt chi tiêu.

Tại thời điểm ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Minh Phú đạt hơn 8.263 tỷ đồng (tăng 1.440 tỷ đồng so với đầu năm), nợ vay gần 2.911 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với đầu năm, trong đó đa số là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây Minh Phú thông báo đã thông qua tăng vốn cho công ty con là công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang. Cụ thể, Minh Phú góp thêm 398,4 tỷ đồng để nâng tỷ lệ vốn góp tại công ty này lên 99,89% và vốn điều lệ sau khi góp thêm là 1.217,05 tỷ đồng.

DN có sự khởi sắc ngay trong bối cảnh nhiều ngành nghề kinh doanh của Việt Nam sa sút vì dịch bệnh Covid-19. Trong quý 3/2020, doanh nghiệp nhà “vua tôm” Lê Văn Quang ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.781 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 244,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 166 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2019.

Xem thêm bài viết về: Ông Lê Văn Quang
M.Minh (Người Đưa Tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.