Cập nhật 27/06/2012 10:40 AM
Lợi nhuận trước thuế gần 1.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, FPT là một trong những công ty duy trì được mức độ kinh doanh hiệu quả nhất trong số các DN tư nhân tại Việt Nam.

Tập trung cho viễn thông, nhưng buộc phải tìm và bước đi trên những con đường mới là điều người đối diện có thể cảm nhận được qua cuộc trò chuyện với ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc CTCP FPT.

5 tháng qua, viễn thông đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận của FPT. Có vẻ như FPT đang dồn sức cho lĩnh vực này, thưa ông?

Viễn thông là lĩnh vực phát triển rất nhanh. Từ năm 2007, sau khi được cấp phép xây dựng đường trục, FPT đã bỏ ra 10 triệu USD tham gia tuyến cáp quang biển AAG, được dung lượng 30 Mgb, chạy từ Việt Nam sang Hồng Kông. Năm ngoái, khi AAG nâng cấp pha 2, nhiều DN bỏ quyền, chúng tôi mua lại. Tháng 9 tới, FPT sẽ có thêm 130 Mgb nữa cập bờ ở Vũng Tàu.

FPT cùng với Viettel và CMC Telecom góp vốn thành lập công ty đầu tư vào tuyến cáp biển APG. Trước đây, đối tác Việt Nam tham gia tuyến cáp riêng rẽ, ví như những con cá bé nên tỷ lệ băng thông thấp hơn. Chúng tôi đầu tư nâng từ khung hạng B lên hạng A, do đó băng thông nhận được tăng lên 30%. APG cập bờ ở Đà Nẵng năm 2012, chúng tôi đang đẩy mạnh kết nối với các nhà cung cấp ở biên giới Việt Nam, Trung Quốc để có dung lượng chạy đến Hồng Kông, Thượng Hải. Tổng dung lượng quốc tế là 300 Mgb, so với thời gian Việt Nam mới gia nhập chỉ 2 Mgb là một bước tiến lớn.

FPT đặt kế hoạch sáp nhập FPT Telecom trở lại bằng cách hoán đổi cổ phiếu và đang đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét. Trong khi vừa qua, SCIC đã bán toàn bộ phần vốn góp của họ ở Công ty CMC Telecom, ông nghĩ sao về điều này?

Quy mô của CMC và FPT hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi đã đưa ra phương án hoán đổi cổ phiếu để đưa FPT Telecom trở thành 100% vốn FPT và đang chờ câu trả lời của SCIC. Trong suốt 7 năm qua, khi mời SCIC tham gia FPT Telcom, chúng tôi đã kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi ích cho cổ đông. Vốn điều lệ ban đầu của FPT Telecom là 33 tỷ đồng, Nhà nước góp 17 tỷ đồng. Hiện nay, vốn của FPT Telecom là hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu tăng vốn từ lợi nhuận để lại, chưa kể giá trị của DN còn được định giá nhiều hơn nữa. Đề nghị của chúng tôi với SCIC là một đề nghị rất hợp lý trong việc đem lại giá trị tăng trưởng cao cho các cổ đông, trong đó có SCIC.

Nếu SCIC bán đấu giá phần vốn góp của họ ở FPT Telecom thì sao? Có phải Công ty đặt mục tiêu bằng mọi giá sẽ mua lại FPT Telecom?

Hiện nay, chúng tôi đang thương lượng trên cơ sở hoán đổi cổ phiếu và tỷ lệ sở hữu, SCIC là một trong những cổ đông lớn nhất của FPT. Đề nghị của FPT trên cơ sở mang lại lợi ích lớn nhất và dài hạn cho các cổ đông. SCIC cũng thấy nỗ lực của FPT và đánh giá cao nỗ lực này. Trong thời gian qua, FPT đã chi viện cho FPT Telecom về mọi mặt, từ yếu tố con người đến tài chính.

Gần đây, FPT thông qua FPT Telecom tuyên bố tham gia làm cả truyền hình cáp. Liệu FPT đầu tư có dàn trải, thưa ông?

Các dịch vụ mạng có tính chất hội tụ. Trên cùng một sợi cáp có thể cung cấp nhiều dịch vụ. Nhà cung cấp chỉ cung cấp một dịch vụ trên một sợi cáp đều không có khả năng tồn tại được. Mong muốn của chúng tôi là kết nối đến mỗi hộ gia đình, vì FPT không có băng tần để làm di động nên không thể kết nối đến mỗi cá nhân được. Chúng tôi đã đi các sợi cáp ADSL tới trên 700.000 khách hàng và có tham vọng đem các dịch vụ đang có đến nhiều khách hàng hơn. Chúng tôi thấy, hiện nay, truyền hình cáp là một phương tiện có thể cung cấp truyền hình cáp và Internet trên cùng một sợi cáp. Nếu đi được sợi cáp như truyền hình thì khả năng cung cấp dịch vụ ổn định và tốt hơn sợi cáp đồng.

Thị trường truyền hình cáp có cơ hội rất lớn, Việt Nam đã qua giai đoạn một, giai đoạn manh mún đầu tư, giờ người tiêu dùng cần những sản phẩm chất lượng cao hơn rất nhiều. Hy vọng, với nỗ lực của FPT Telecom, chúng tôi sẽ tạo ra một thị phần lớn tương tự như đã làm với ADSL. Cách đây 9 năm, không ai nghĩ FPT có thể cung cấp được ADSL.

Đặt cược vào viễn thông, FPT chủ trương mở rộng đầu tư ra nước ngoài?

Chúng tôi muốn tham gia thị trường di động và đang tìm kiếm cơ hội. Đầu tư viễn thông có nhiều xu hướng, một là đầu tư theo chiều rộng, cung cấp dịch vụ ở một vài thành phố rồi phủ sóng ra toàn quốc. Trước đây, FPT chỉ cung cấp dịch vụ ADSL ở Hà Nội, TP. HCM rồi mở ra 44 tỉnh, thành, 2 năm nữa sẽ phủ toàn quốc. Muốn tạo ra bước phát triển tiếp thì phải đi ra ngoài, mà ra ngoài dễ nhất là thị trường gần mình. FPT làm thử ở Campuchia, Lào, có kinh nghiệm sẽ đi xa hơn. Vừa rồi, FPT đã thâu tóm được một công ty có giấy phép viễn thông tại Campuchia, trong tháng 5 đã cung cấp dịch vụ Internet băng rộng và sẽ mở rộng tại các tỉnh, thành phố ở Campuchia. Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội tương tự tại Lào và Myanmar. Viettel đi trước chúng tôi cũng có những kỳ vọng tương tự như vậy.

Ở thị trường di động, Việt Nam đang bão hòa nhu cầu, với mức cước và thị trường này rất khó cạnh tranh, chúng tôi sẽ tìm các thị trường nhỏ để thử nghiệm, nếu làm được sẽ đi xa hơn.

Muốn tham gia thị trường di động, vậy tại sao FPT lại bán rẻ băng tần đã được cấp ở Việt Nam?

Quan trọng không phải là bán rẻ, mà là có cơ hội hay không. Đó là lý do tại sao chúng tôi lại từ bỏ thương vụ EVN Telecom, đầu tư vào đó chắc chắn không hiệu quả, mặc dù DN có băng tần, có hạ tầng.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….