Bạc Hy Lai được cho là bắt đầu nghe lén từ thời còn ở Liêu Ninh, đến khi tới Trùng Khánh ông Bạc nghe trộm điện thoại của tất cả mọi cấp, kể cả những lãnh đạo cao nhất của nhà nước.

Bạc Hy Lai từng được dự kiến sẽ nắm giữ chức vụ cao sau kỳ đại hội đảng vào cuối năm, bất ngờ bị cách chức và điều tra. Ảnh: AFP

Màu đỏ là màu tượng trưng cho cách mạng ở Trung Quốc, đường dây thông tin quan trọng của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng được gọi là "đường dây đỏ" vì hai nghĩa. Đầu tiên là vì thiết bị này màu đỏ, tuy nhiên tên gọi này là nhằm thể hiện tầm quan trọng và mức độ bảo mật thông tin trao đổi trên đường dây.

"Đường dây đỏ" chỉ dành riêng cho các nhà lãnh đạo đảng và chính phủ, chủ tịch các tập đoàn nhà nước và lãnh đạo các kênh truyền thông nhà nước. Một hệ thống mã hóa đặc biệt được sử dụng để bảo mật cho đường dây.

Sự sụp đổ của Bạc Hy Lai xảy ra nhanh hơn vì có liên quan đến việc nghe lén đường dây đỏ.

Những tình nghi được nhắc đến trong biên bản của cuộc họp nội bộ của Văn phòng trung ương đảng ngày 11/4. Chủ tịch một tập đoàn nhà nước, người được đọc biên bản nêu trên, cho biết nhiều lãnh đạo cao cấp trong Bộ chính trị đã bị Bạc Hy Lai nghe lén, trong đó có cả phó chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Ông Bạc, vốn đã bị xa lánh từ trước đó, đang mong đợi một ghế trong Ban thường vụ Bộ chính trị, trụ cột trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo. Lý do Bạc nghe lén điện thoại của lãnh đạo được cho là để tìm kiếm thông tin về tình hình bố trí nhân sự.

Một cựu quan chức trong chính quyền thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, cho biết từ khi còn là thị trưởng thành phố, ông Bạc đã yêu cầu cấp dưới ghi âm cuộc điện thoại của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân đang ở thăm Đại Liên.

Người bị nghi ngờ thực hiện những cuộc ghi âm là Vương Lập Quân, trợ thủ đắc lực của Bạc Hy Lai, cựu giám đốc công an và phó thị trưởng Trùng Khánh. Vương dường như đã nắm vững các kỹ thuật về nghe lén điện thoại từ những năm 1990, khi còn là giám đốc an ninh huyện Thiết Linh, tỉnh Liêu Ninh.

Thời điểm đó, Vương cũng có một chức danh khác là chuyên gia đặc biệt về công nghệ điện thoại và Internet của Đại học Bưu điện và Truyền thông Bắc Kinh. Đại học này là đầu mối quản lý và phát triển đường dây đỏ. Vương có thể đã thu thập được các cách nghe trộm từ những mối quan hệ trong trường.

Sau khi Vương Lập Quân xin tị nạn tại Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô hồi tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và các thành viên khác trong hàng ngũ lãnh đạo quyết định lập tổ điều tra đặc biệt đối với Vương và những người liên quan. Trong quá trình điều tra, các chuyên gia phát hiện ra rằng chính Bạc Hy Lai là người yêu cầu nghe trộm các cuộc điện thoại.

Một sự việc khác cũng làm dấy lên lo lắng là chuyến thăm của Bạc Hy Lai đến quân đoàn 14 của Quân khu Trùng Khánh đóng tại tỉnh Vân Nam ngay sau khi Vương đến lãnh sự quán Mỹ. Quân đoàn do ông Bạc Nhất Ba, cựu phó thủ tướng Trung Quốc, cha của Bạc Hy Lai, thành lập. Việc này làm dấy lên những tin đồn.

Tuy nhiên, theo báo quân đội Trung Quốc, tướng Quách Bá Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương, tới thăm quân khu Thành Đô khi Bạc Hy Lai đã chính thức bị cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh, nói với các quan chức rằng "không nghe, không tin và không nói chuyện về những tin đồn chính trị".

Sự việc Vương Lập Quân xin tị nạn ở Mỹ dường như là đỉnh điểm sự bất tín nhiệm của các lãnh đạo cấp cao với Bạc Hy Lai.

Theo Vũ Hà (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.