Cập nhật 17/08/2012 3:03 PM
Một vài người có trách nhiệm của FPT chia sẻ, mấy ngày nay họ quay như chong chóng trước việc dư luận tỏ ra quá quan tâm đến thông tin CEO của họ nghỉ phép 2 tháng.
Sự quan tâm của dư luận không có gì lạ bởi FPT là một DN lớn, lại đang được coi là đứng đầu ngành công nghệ thông tin của ViệtNam. Trong thời điểm hoạt động DN và cả nền kinh tế “nước sôi, lửa bỏng” như hiện nay, việc nghỉ phép tới 2 tháng của CEO là một sự kiện... không mấy bình thường. Ngay cả những nhà đầu tư và cổ đông có trình độ của FPT cũng bán tín bán nghi trước việc liệu ông Trương Đình Anh có gắn bó với ghế nóng tại FPT.
Trong khi đó, trao đổi với ĐTCK, người có trách nhiệm của FPT không khẳng định chắc chắn, sẽ không có gì thay đổi tại FPT. Bản thân họ cũng bối rối và không có thông tin cụ thể về nhân sự cấp cao để chia sẻ.
Dù FPT đã là một tập đoàn lớn, mức độ chuyên nghiệp trong hoạt động rất cao, việc vắng mặt một vài nhân sự cấp cao trong bộ máy điều hành không làm cỗ máy chệch khỏi đường ray, nhưng sự lộn xộn về thông tin hiện nay không phải là điều tốt. Nếu thực không có lửa, một thông điệp chính thống, nhất quán từ lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn có lẽ là điều cần thiết.
Không chỉ FPT, gần đây việc thay đổi một loạt CEO ngân hàng tại Techcombank, Sacombank, MaritimeBank, VPBank, TiênPhong Bank, ABBank… cũng gây chú ý. Thông điệp ở một số ngân hàng đưa ra khi chọn CEO nước ngoài là nhằm hướng đến sự phát triển chuyên nghiệp, nâng cấp quản trị lên tầm quốc tế. Một số ngân hàng chọn tướng nội, đã thành danh nhất định ở ngân hàng khác về là nhắm đến mục tiêu cao hơn trong thời gian ngắn hơn. Sau những tràng pháo tay hoan hỉ ban đầu, sự hào hứng đã chùng lại. Nhân viên một ngân hàng có vị CEO nội từng thành danh cho hay, họ chưa thấy bất kể làn gió mới dễ chịu nào kể từ khi CEO mới đến. Quản lý cấp trung của một ngân hàng có CEO nước ngoài cũng cho hay, công việc của họ hiện vất vả hơn trước kia rất nhiều. Vất vả không phải để hiệu suất lao động cao hơn, mà vất vả hiểu theo nghĩa do có sự khác biệt trong cách quản lý và làm việc.
Đề cập đến câu chuyện của các CEO và tình hình quản trị DN lớn của Việt Nam thời nay, tại một buổi hội thảo mới đây, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, sẽ phải có nhiều thay đổi. Những ngân hàng mà ông chủ tịch HĐQT “thọc tay” vào mọi quyết định, trực tiếp ra lệnh cho các khoản vay, tạo ra những khoản giải ngân tín dụng “cánh hẩu”… sẽ phải thay đổi. Việc tách bạch quản trị và điều hành theo những thông lệ tiên tiến trên thế giới sớm hay muộn, DN Việt Nam cũng phải áp dụng. Nói rộng hơn, công tác quản trị DN phải được coi trọng hơn.
Trở lại với trường hợp của FPT, sau khi Công ty có công văn gửi Sở GDCK TP. HCM công bố thông tin về việc Tổng giám đốc nghỉ phép với lý do “để giải quyết công việc gia đình và một số vấn đề liên quan đến sức khỏe”, thị trường vẫn chưa thôi đồn đoán. Có cả những CTCK lớn như HSC tham gia bình luận. Rõ ràng, thông tin về các CEO luôn là phần rất quan trọng với DN và với bộ phận quan hệ cổ đông. Minh bạch trong hoạt động và sức khỏe tài chính chưa đủ, tới đây doanh nghiệp cần minh bạch và thông tin kịp thời (trong chừng mực có thể) về các nhân sự trọng yếu như CEO.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….