Cập nhật 04/01/2021 1:44 PM
Dưới sự chèo lái của bộ đôi doanh nhân Lưu Anh Tiến và Nguyễn Quốc Minh, hệ thống Con Cưng - chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm cho mẹ và bé đã có tốc độ phát triển nhanh chóng trong một vài năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Quốc Minh (trái) và ông Lưu Anh Tiến. Nguồn ảnh Forbes VietNam.

Kinh doanh các dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bà mẹ và trẻ em là thị trường được đánh giá nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà đã có không ít nhà đầu tư chen chân vào lĩnh vực này. Một trong những nhà phát triển chuyên nghiệp nhất phải kể đến hệ thống Con Cưng với sự chèo lái của hai doanh nhân 8X Nguyễn Quốc Minh (SN 1980) và Lưu Anh Tiến (SN 1982).

Trong đó Lưu Anh Tiến là cái tên từng khá nổi tiếng trong giới sinh viên Việt Nam giai đoạn 2005-2006 ở cương vị đội trưởng đội Robocon “Bkpro” vô địch cuộc thi Robocon khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2006. Còn Nguyễn Quốc Minh là tiến sĩ khoa học máy tính đại học Georgia (Hoa Kỳ).

Khởi đầu cho sự hợp tác của hai doanh nhân này bắt đầu từ năm 2010 với hệ thống bán lẻ Con Cưng sau khi nhận thấy thị trường sản phẩm cho mẹ bầu và em bé nhiều tiềm năng nhưng chưa có hệ thống nào đủ mạnh thống lĩnh. Tại Con Cưng, họ phân vai rõ ràng, trong đó ông Lưu Anh Tiến lo đối ngoại, phụ trách phát triển kinh doanh còn Nguyễn Quốc Minh đảm trách việc xây dựng hệ thống quản lý, củng cố Con Cưng từ bên trong.

Từ đó Con Cưng trở thành thương hiệu tiên phong trong thị trường bán lẻ sản phẩm cho mẹ và bé ở Việt Nam. Sau khi tái cơ cấu sở hữu và nhận khoản đầu tư từ các quỹ trong và ngoài nước năm 2016, Con Cưng bắt đầu đẩy mạnh mở rộng sự hiện diện với 100 cửa hàng năm 2016, 400 siêu thị tới cuối năm 2018 và dự kiến 1.000 siêu thị cuối năm 2021.

Trực tiếp quản lý hệ thống Con Cưng chính là CTCP Đầu tư Con Cưng (tên viết tắt CCI). Tại ngày 9/4/2020, số vốn điều lệ của công ty này ở mức 29,9 tỷ đồng, trong đó tổ chức liên quan tới SSI là Quỹ Daiwa - SSIAM Vietnam Growth Fund II L.P nắm giữ 14% và Lee Young Hoon (5,73%). Chủ tịch HĐQT tại đây là ông Nguyễn Quốc Minh.

Dữ liệu Nhadautu.vn thể hiện, trong 3 năm 2017-2019, tình hình kinh doanh của CCI (công ty mẹ) không mấy khả quan khi không phát sinh lợi nhuận thuần, riêng năm 2019, doanh thu thuần ở mức âm 737 triệu đồng. Tuy nhiên, bước sang nửa đầu năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng từ COVID-19, CCI đã ghi nhận tăng trưởng với khoản lợi nhuận sau thuế hơn 25 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ năm trước, vốn chủ sở hữu ở mức 416 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, CCI cũng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu với giá trị huy động hơn 80 tỷ đồng. Trong đó đợt phát hành 41 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 17/1/2020 đã hé lộ việc CCI được định giá hơn 1.272 tỷ đồng, tương đương 56 triệu USD.

CCI là công ty mẹ của 3 pháp nhân khác là: CTCP Con Cưng (Con Cưng), CTCP Thương mại Liam (LTJSC) và CTCP Tập đoàn Sakura (Sakura Group). Trong đó, Con Cưng - nhà phát triển chuỗi cửa hàng, siêu thị Con Cưng, Toycity, CF có thể coi là doanh nghiệp hạt nhân và là động lực tăng trưởng chính của nhóm CCI.

Screenshot (365)

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Con Cưng được thành lập vào tháng 9/2015 với 3 cổ đông sáng lập là Lưu Anh Tiến, Lê Thái Mỹ Linh và Nguyễn Quốc Minh.

3 năm sau khi được thành lập, CTCP Con Cưng vướng đến lùm xùm khi bị tố nhập hàng không chính hãng. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ khiếu nại của một khách hàng tại TP.HCM khi mua một bộ quần áo thun. Khách hàng này cho rằng sản phẩm đã bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thailand". Từ khi bị nghi vấn, phía Con Cưng liên tục bác bỏ và đưa ra bằng chứng khẳng định mình không bán hàng giả, hàng nhái trong các thông cáo phát đi.

Sau đấy thanh tra kết luận công ty này đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tuy nhiên sau đó, công ty vẫn bị phạt 250 triệu đồng vì 11 lỗi vi phạm như không gắn tên địa điểm kinh doanh tại nơi kinh doanh, kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về ngôn ngữ sử dụng…

Cuộc khủng hoảng này dù vậy cũng không thể ngăn việc kinh doanh của Con Cưng phục hồi và tiếp tục tăng trưởng vượt bậc. Cập nhật tại ngày 10/4/2020 vốn điều lệ của công ty này ở mức 358 tỷ đồng, đồng thời phủ sóng trên nhiều tỉnh thành với việc đặt chi nhánh tại Lâm Đồng, Hà Nội, Đắk Nông, Cần Thơ, Bến Tre, Khánh Hòa, Tây Ninh, Vĩnh Long và Nghệ An. Các chỉ tiêu kinh doanh theo đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ, riêng năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đạt mức 2.458 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận thuần theo đó bật mạnh gấp 8,4 lần lên mức 14,8 tỷ đồng.

Với CTCP Thương mại Liam, công ty này được thành lập vào tháng 10/2015, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận. Tại ngày 30/11/2017, vốn điều lệ công ty này ở mức 91,6 tỷ đồng, trong đó CCI nắm giữ 99,99% VĐL, số ít cổ phần còn lại được chia đều cho Lưu Anh Tiến và Trần Phương Chi. Đến tháng 4/2020 vừa qua, LTJSC đã nâng vốn điều lệ lên mức 345,7 tỷ đồng. Trong năm 2019, LTJSC không phát sinh doanh thu, còn lỗ thuần ở mức 5,57 triệu đồng.

Tháng 9/2016, LTJSC đã đứng ra thành lập Sakura Group hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ đồ chơi trong các cửa hàng chuyên doanh với số vốn điều lệ ban đầu ở mức 2 tỷ đồng, trong đó LTJSC nắm giữ 99,9%, số còn lại thuộc về cặp bài trùng Lưu Anh Tiến và Nguyễn Quốc Minh. Ở lần thay đổi gần nhất (13/4/2020) số vốn điều lệ của Sakura Group đạt 20 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh của công ty này ghi nhận sự khởi sắc trong năm 2019 với doanh thu thuần và lợi nhuận thuần lần lượt đạt 31,5 tỷ đồng và 750 triệu đồng, trong khi năm 2018 không phát sinh các chỉ tiêu này.

Về phần mình, ông Lưu Anh Tiến còn là chủ sở hữu một loạt các doanh nghiệp khác là CTCP Công nghệ Mặt Trời, CTCP Xu hướng Thời Trang và CTCP Đầu tư Kiến Lửa.

Kết quả thanh tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước kết luận một nhà băng tư nhân đã không thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ với 4 nhóm khách hàng, trong đó có 1 nhóm là: CTCP Con Cưng; CTCP Đầu tư Con Cưng và CTCP TM Liam.

Do đó, ngân hàng này đã vi phạm quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012; khoản 1 Điều 6 Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng chống rửa tiền.

Xem thêm bài viết về: Nguyễn Quốc Minh và Lưu Anh Tiến
Khánh An (Nhà Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.