Ngay khi hai ngày Quốc tang còn chưa bắt đầu, đã có nơi nhân dân tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Thánh Võ. Ông được phối thờ với Đức Thánh Trần.

Người dân lập bàn thờ Đại tướng tại chùa Cót - Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Trần Quang Vinh, một cựu chiến binh 57 tuổi, đã không cho phép mình khóc trong buổi lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp sáng qua tại chùa Cót, Hà Nội. Nhưng bộ lễ phục trắng ông mặc lốm đốm những chấm nước mắt. “Tôi cũng xúc động chảy nước mắt. Nhưng mình đã làm nhiệm vụ thì phải ghìm lại để hoàn thành”, vị nhạc trưởng đội quân nhạc gồm toàn những chiến sĩ quân nhạc đã nghỉ hưu nói. Suốt cuộc đời, ông và đồng đội đã cùng nhau đi qua nhiều buổi lễ nhà nước long trọng, nhưng cảm giác của lễ tưởng niệm Đại tướng hôm qua lại khác hẳn.

Đó là một buổi lễ không do chính quyền tổ chức, nhưng có đại diện đến dâng hương. Câu lạc bộ phật tử của chùa Cót đã tổ chức lễ tưởng niệm này. Hơn 50 cháu nhỏ đã đến để dâng hoa. Cũng có cả những cụ già ngoài 80 chống gậy đến chào vị Tổng tư lệnh 103 tuổi. Họ không thể đến tư gia 30 Hoàng Diệu, cũng không thể đến số 5 Trần Thánh Tông; vì thế, nhóm phật tử đã tổ chức một lễ tưởng niệm để dân làng và những vùng xung quanh có thể đến viếng, để dâng hoa.

Người dân còn hát cả những bài ca người lính mà đội quân nhạc tấu lên: Vì nhân dân quên mình, Tiến về Hà Nội. Nhưng họ hát to và vang nhất những bài ca về một chiến thắng gắn với Đại tướng: Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên. “Chúng tôi đã tham gia nhiều nghi lễ của Đảng và Nhà nước rồi. Hàng nghìn buổi như thế. Nhưng ít khi thấy một buổi lễ mà dân khóc và hát theo như thế này”, ông Vinh nói.

“Chúng tôi không làm ngày 10.10 vì đó là ngày giải phóng thủ đô. Ngày 12 cũng không vì đó là ngày của nhà nước”, ông Nguyễn Ngọc Liêm, chủ nhiệm CLB phật tử nói. “Sau 35 ngày, theo phong tục cổ truyền miền Bắc, người mất quý nhất là được đưa lên chùa cùng với tổ tiên”, ông Liêm tiếp lời. “Gọi là theo Phật về chùa. Cho nên, sau 35 ngày chúng tôi sẽ chuyển bác về nhà mới. Đưa bài vị của bác lên thờ cùng với Đức Thánh Trần. Rồi chúng tôi sẽ khắc tượng bác để mọi người dân tín ngưỡng, để đời đời mãi mãi về sau”.

Ông Liêm cũng cho biết, thượng tọa Thích Thanh Tùng, Ủy viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng đồng ý với tâm nguyện này của nhiều người dân.

“Tôi đã từng viết trong một bài nghiên cứu rằng việc đưa Đại tướng sau khi mất vào chùa để thờ như thánh như thần không phải chờ lâu đâu. Sẽ có Đức Thánh Võ”, GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia nói.

Cũng theo ông Giang, có nhiều điểm có thể liên hệ giữa Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Đức Thánh Võ. Hai ông có rất nhiều tư tưởng quân sự giống nhau. Một tương đồng khác là cả hai đều có chức vụ vô cùng đặc biệt. Trần Hưng Đạo đã chỉ huy quân đội không phải với tư cách thượng thư bộ binh. Ông được nhà vua ban cho một chức vụ đặc biệt là Quốc công tiết chế. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng vậy, ông có quyền điều hành tất cả các lực lượng vũ trang, chứ không phải chỉ như một Bộ trưởng Quốc phòng. Điều đó theo GS Giang rất giống nhau. “Vì thế nên việc nhân dân phối thờ hai vị thánh này là chuyện dễ hiểu”, ông Giang nói.

Người dân sẽ được nhìn mặt Đại tướng trong lễ viếng

Thiếu tướng Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết theo phương án chuẩn bị, nhân dân sẽ được đến gần sát linh cữu của Đại tướng khi vào viếng ở nhà tang lễ quốc gia vào hôm nay.

Theo kế hoạch, các đoàn viếng cá nhân sẽ bắt đầu vào viếng Đại tướng từ 15 giờ đến 21 giờ 12.10.

Phan Hậu - Lê Quân

Trinh Nguyễn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.