Ai cũng biết ESOP là hình thức đãi ngộ lao động cấp tiến. Tại sao ít người làm?

Nếu REE phát hành ESOP để tăng hiệu suất làm việc của nhân viên thì Vinamilk và Masan lại muốn thưởng cho nhân viên khi đã đạt

Tháng 12.2004, hàng trăm cán bộ công nhân viên của Công ty Cơ điện lạnh (REE) hào hứng đăng ký chương trình hành động bằng việc cam kết làm việc xuất sắc để được tham gia chương trình thưởng ESOP (chương trình phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên chủ chốt nhằm tạo sự gắn kết của nhân viên với công ty và nâng cao hiệu quả làm việc).

Gần 880.000 cổ phiếu được REE phát hành cho các cán bộ cao cấp, nhân viên kinh doanh và kỹ sư cũng như cán bộ chuyên trách giỏi dưới hình thức là một khoản thưởng. Mục đích của chương trình kéo dài 4 năm này (kết thúc vào tháng 12.2008) là nhằm giữ chân nhân tài và tăng hiệu quả lao động.

Mặc dù chỉ mới làm quen với công cụ ESOP (REE là doanh nghiệp tiên phong phát hành ESOP) nhưng REE đã đạt được kết quả ấn tượng. Nhờ có ràng buộc về những cam kết làm việc hiệu quả, doanh thu và lợi nhuận REE trong giai đoạn 2004-2007 đã tăng trung bình lần lượt 60% và 94%.

Cái lợi lớn hơn mà REE mang đến cho các cổ đông nhận ESOP là giá cổ phiếu REE đã tăng ngoạn mục. Cuối năm 2004, giá cổ phiếu REE chưa đến 4.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng cuối năm 2007, con số này đã tăng gấp 8 lần (lúc đỉnh điểm tăng đến 11 lần). Tính theo giá trị lúc phát hành ESOP là 10.000 đồng/cổ phiếu, mức tăng này cũng đã hơn 4 lần.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, Giám đốc Tài chính REE, phát hành ESOP để giữ chân người lao động là “chính sách đúng và không có gì phải bàn cãi”. “Chúng tôi đang xây dựng các tiêu chí và dự kiến đề xuất phát hành tiếp ESOP trong Đại hội cổ đông năm sau cho các nhà quản lý và cá nhân xuất sắc của REE”, ông nói thêm.

Dù đã có bằng chứng cho thấy hiệu quả của việc phát hành ESOP, nhưng cho đến nay, phần lớn doanh nghiệp niêm yết vẫn còn dè dặt với công cụ này. Mãi đến năm 2013, một số doanh nghiệp lớn mới nghĩ đến ESOP như Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB), Tập đoàn Masan (MSN)... Tuy nhiên, tỉ lệ phát hành không đáng kể và kế hoạch mới chỉ tính đến yếu tố ngắn hạn.

Sếp Việt không cần ESOP?

Nếu REE phát hành ESOP để tăng hiệu suất làm việc của nhân viên thì những doanh nghiệp phát hành sau này lại muốn thưởng cho nhân viên khi đã đạt được những thành tích nhất định. Masan và Vinamilk (VNM) là những ví dụ điển hình.

Masan niêm yết đã 4 năm. Nhưng chỉ sau khi liên tục đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng và trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, tập đoàn này mới tính đến chuyện phát hành ESOP. Trong giai đoạn 2009-2013, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận ròng và giá cổ phiếu của Masan đều tăng khoảng 3 lần.

Tương tự, Vinamilk niêm yết từ năm 2006. Sau khi trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa, Vinamilk mới bắt đầu nghĩ đến chuyện phát hành ESOP (doanh thu và lợi nhuận năm 2010 tăng trung bình 50%).

Theo chương trình phát hành ESOP năm 2007-2011, Vinamilk đã phát hành tổng cộng gần 8,9 triệu cổ phiếu ESOP theo mệnh giá. Còn với Masan, hồi cuối tháng 6.2013, gần 18 triệu cổ phiếu MSN phát hành cho 28 vị trí lãnh đạo chủ chốt đã chính thức được giao dịch. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ gần bằng 1/10 so với thị giá của MSN tại phiên ngày 19.7.2013.

Cái lợi lớn nhất của những người được nhận ESOP ở Masan là nếu bán ngay, họ sẽ lãi gần 1.500 tỉ đồng nhờ chênh lệch giá cổ phiếu. Họ cũng nhận được khoản cổ tức không nhỏ mà Masan chia cho cổ đông hằng năm. Còn ở Vinamilk, động lực ESOP giúp Công ty tiếp tục tăng trưởng mạnh dù quy mô đã rất lớn. Doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk năm 2012 tăng lần lượt trên 20% và gần 40% so với năm trước đó.

Dễ thấy được lợi ích của ESOP, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng phát hành ESOP thuận lợi. Chẳng hạn như trường hợp của Vinamilk. Bất đồng giữa các cổ đông lớn và ban lãnh đạo khiến phương án được đánh giá là công cụ quản trị hiện đại này bị trì trệ đã 2 năm qua.

Hồi đầu tháng 5.2013, Đại hội Cổ đông Vinamilk đề nghị tiếp tục phát hành ESOP giai đoạn 2012 -2016 nhưng đã không được cổ đông lớn nhất - Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) - đồng thuận. Ông Lê Song Lai, đại diện SCIC, cho rằng nếu phát hành ESOP, tỉ lệ sở hữu của SCIC sẽ bị pha loãng 1,2%. Nói rõ hơn, SCIC lo ngại sẽ dần mất quyền kiểm soát.

Theo phương án do ban lãnh đạo đề xuất, từ năm 2012-2016, mỗi năm Vinamilk phát hành cổ phần tương đương 0,4% vốn điều lệ nếu tốc độ tăng trưởng kép bình quân lợi nhuận trước thuế là 21%. Trong trường hợp tỉ lệ này dao động từ 16% đến dưới 21%, cổ phần phát hành chỉ là 0,2% vốn điều lệ cho mỗi năm; còn dưới 16% sẽ không phát hành ESOP.

Nếu phát hành ESOP với tỉ lệ 0,4%/năm trong vòng 5 năm thì tổng số cổ phiếu sẽ tương đương 2%. Trong khi đó, tỉ lệ tăng trưởng kép sau 5 năm sẽ tăng hơn 100%. Nhiều cổ đông cho rằng nếu so giữa cái lợi SCIC nhận được với thiệt hại bị pha loãng sở hữu thì họ được nhiều hơn mất. Đó là chưa kể đến tiềm năng tăng trưởng của Công ty trong tương lai.

Về vấn đề này, Giám đốc Điều hành một quỹ đầu tư tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho rằng SCIC có quyền lo xa về tính hiệu quả của ESOP vì họ là cổ đông lớn nhất của Vinamilk và có toàn quyền phủ quyết. Nếu tỉ lệ sở hữu giảm thì cổ tức cũng giảm theo. Số cổ phần trong Vinamilk đóng góp cho SCIC khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Trong khi đó, chương trình ESOP giai đoạn 2007-2011 đã khiến tỉ lệ sở hữu của họ giảm hơn 2,5%. Năm 2009, SCIC nắm 47,54% cổ phần Vinamilk nhưng nay chỉ còn hơn 45%.

Nhưng ông Trần Vinh Dự, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn TNK Capital Partners, người có kinh nghiệm làm ESOP cho các công ty tại Mỹ, lại nghĩ khác. “SCIC đại diện cho kiểu làm việc của đơn vị nhà nước nên khó tránh khỏi cách làm việc theo trách nhiệm”, ông nói. Nói cách khác, đối với SCIC, trách nhiệm bảo toàn vốn nhà nước luôn quan trọng hơn các mục tiêu khác.

Bên cạnh rào cản từ phía cổ đông lớn nhà nước, việc phát hành ESOP vẫn còn vướng nhiều khúc mắc khác.

Trong hơn 1 thập niên qua, doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng số doanh nghiệp có chiến lược phát triển lâu dài và tập trung theo định hướng vạch sẵn không nhiều. Chính việc sa đà vào kinh doanh bất động sản hay đầu tư chứng khoán đã khiến hiệu quả kinh doanh của nhiều đơn vị không thể đi vào ổn định qua từng năm. Bởi thế, xét công trạng để thưởng ESOP dường như chưa phải là điều có thể thuyết phục tất cả các cổ đông của công ty.

Chưa xứng đáng là một chuyện, nhưng quan trọng hơn, theo ông Dự, TNK Capital Partners, lãnh đạo một số doanh nghiệp vẫn có nhiều cách kiếm tiền khác ngoài chế độ lương thưởng tại công ty. Nhận hoa hồng của nhà cung cấp là điển hình nhất. “Tinh vi hơn, họ còn lập ra các công ty vệ tinh do họ sở hữu để moi tiền doanh nghiệp do chính mình quản lý dưới hình thức chuyển giá, chuyển doanh thu, hoặc nhận đầu tư”, ông nói.

Thực tế này có thể thấy qua mạng lưới công ty con của một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp với hệ thống sở hữu chéo chằng chịt, như ở Fideco (FDC). Báo cáo tài chính riêng Công ty mẹ năm 2011 cho thấy Fideco có đến hơn chục công ty con lẫn liên doanh liên kết với hiệu quả hoạt động thấp. Đây cũng là một lý do dẫn đến cuộc thâu tóm thù địch tại Fideco trong năm 2011.

Thông thường, ở những doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông phân tán, ban lãnh đạo hay nắm đa số cổ phần. Hoặc những doanh nghiệp ít có cổ đông lớn độc lập và am hiểu tài chính cũng là nơi thích hợp để ban lãnh đạo có cơ hội “làm mưa làm gió” đối với các khoản thưởng từ vượt kế hoạch lợi nhuận cuối năm.

Chẳng hạn như trường hợp của Tổng Công ty Gas Petrolimex (PGC), Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (LAF) trong năm 2011. Các công ty này đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2011 chỉ bằng một nửa kết quả đạt được của năm trước đó nên dễ dàng đạt chỉ tiêu đề ra và lĩnh thưởng tiền mặt.

Ngoài những lý do trên, ông David Đỗ, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Investment Group (VIG), cho rằng vấn đề cơ bản vẫn là nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu bộ quy tắc chuẩn khi phát hành ESOP cũng như chưa được sự tư vấn bởi các chuyên gia có kinh nghiệm. “Quan trọng hơn hết là việc bảo đảm cân bằng quyền lợi giữa người được nhận ESOP và các cổ đông khác. Điều này hầu như chưa được nhắc đến nhiều”, ông cho biết.

Và vì công cụ này còn mới đối với doanh nghiệp Việt nên khi áp dụng, họ không dễ tính toán được ESOP nên thực hiện lúc nào, chia cho ai và với tỉ lệ bao nhiêu. “Danh sách những người được thưởng ESOP cũng chưa từng được công bố rộng rãi cho cổ đông biết”, ông David Đỗ nói thêm.

Giải pháp nào cho ESOP?

Theo quan sát của ông David Đỗ, VIG, hiện nay cơ chế nhận “lương cứng” của các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm khoảng 60% trong tổng gói đãi ngộ hằng năm. Trong khi đó, ở các nước phát triển, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia đều có quy định về cơ cấu thu nhập hằng năm của các cấp quản lý. Cơ cấu gói đãi ngộ thường được xác định gồm 25% là lương cơ bản, 15% lương thưởng và 60% từ ESOP.

Với cơ cấu này, các lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới có thể trắng tay nếu công ty kinh doanh kém hiệu quả. Ngược lại, họ cũng có thể trở thành triệu phú đô la nếu doanh nghiệp ăn nên làm ra.

Tuy nhiên, trước khi nhận được các khoản thưởng kếch xù từ ESOP, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải trải qua một quá trình thử thách. Theo ông David Đỗ, họ phải cam kết ở lại lãnh đạo doanh nghiệp trong 4 năm, có các chỉ số đánh giá năng lực cá nhân đạt yêu cầu và một số cam kết riêng khác.

Ngược lại, khi tình hình hoạt động của doanh nghiệp xuống dốc, cổ đông có thể xem xét tùy mức độ mà quyết định thu hồi một phần số cổ phiếu ESOP đã thưởng trước đó (gọi là clawback).

Chính REE cũng đã áp dụng luật clawback trong giai đoạn phát hành ESOP 2004-2008. Nếu nhân viên không hoàn thành cam kết trong năm thì sẽ bị thu hồi 50% số lượng cổ phiếu ưu đãi đã được thưởng. Ngoài ra, nếu trong 2 năm liên tục (hoặc cách khoảng) không đạt, thành viên ESOP sẽ bị thu hồi toàn bộ cổ phiếu thưởng trong năm không hoàn thành cam kết lần 2.

Dù vậy, thiệt hại pha loãng cổ phiếu của cổ đông không được nhận ESOP vẫn còn. Để giải quyết mâu thuẫn này, ông David Đỗ cho biết các công ty nước ngoài thường áp dụng 2 cách. Một là mỗi năm trích quỹ dành cho phát hành ESOP. Khoản này sẽ được ghi nhận vào chi phí hoạt động chung của công ty, không ảnh hưởng cho riêng bên nào. Hai là doanh nghiệp có thể mua lại cổ phiếu trôi nổi trên thị trường làm cổ phiếu quỹ bằng với số cổ phiếu ESOP phát hành để tránh pha loãng. “Thậm chí, có thể dùng số cổ phiếu mua được làm cổ phiếu ESOP luôn”, ông nói.

Vĩnh Bảo - Ngọc Dương (Nhịp cầu đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.