Từ cổ tức đến ESOP, Masan Group (mã MSN) luôn là doanh nghiệp có cách làm khác biệt so với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
6 năm không chi trả một xu cổ tức
Masan có lẽ là trường hợp duy nhất trên sàn chứng khoán khi không hề trả cổ tức cho cổ đông từ khi niêm yết đến nay.
Khác với những trường hợp thua lỗ nặng nề, không có lợi nhuận để chia cho cổ đông, lợi nhuận của Masan tăng trưởng khá tốt. Nhưng chuyện cổ tức 0 đồng vẫn lặp đi lặp lại đã 6 năm qua.
Vì sao lại thế? Cổ đông của Masan dường như đã thuộc lòng lý do mà Masan đưa ra để lý giải cho vấn đề không chia cổ tức: Doanh nghiệp sẽ dùng khoản lợi nhuận giữ lại này để tiếp tục tái đầu tư và M&A thêm các dự án khác.
Tuy nhiên, lý do này thường xuyên được các doanh nghiệp khác lấy cớ để trì hoãn trả cổ tức cho cổ đông. Vậy đâu là lý do khiến cổ đông của Masan vẫn “bình chân như vại”?
Ngay sau khi BizLIVE đưa tin Masan Group xin không trả cổ tức năm thứ 6 liên tiếp, nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán đã tỏ thái độ về vấn đề này.

Một nhà đầu tư cho rằng tốt nhất là dùng LNST để tái đầu tư tiếp, tuy nhiên doanh nghiệp phải làm ăn “ngon” thật sự, còn nếu không được thế thì cổ đông cần được nhận cổ tức.

Điều khiến cổ đông MSN vẫn tin tưởng ở ban lãnh đạo có lẽ nhờ việc “nói được, làm được”. Nhìn lại thời gian qua, có thể nói Masan đang rất dứt khoát trong hoạt động M&A.
Ngoài việc bán đứt các mảng hoạt động để tái cơ cấu doanh nghiệp, trong vòng 1 năm trở lại đây, Masan đã liên tục thực hiện M&A với 3 thương vụ lớn: mua lại 100% Lamka, 32,8% Cholimex Foods và 100% Saigon NutriFood.
Các nhà đầu tư trên TTCK hiện tại vẫn cho rằng cổ phiếu MSN không phải là cuộc chơi dành cho những cá nhân nhỏ lẻ. Và thực tế, phần lớn cổ phiếu của MSN đang nằm trong tay các nhà đầu tư tổ chức với định hướng tìm kiếm lợi nhuận lâu dài. Vì vậy họ có cơ sở để ủng hộ việc sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư.
Băn khoăn ESOP

Một vấn đề nữa là việc phát hành ESOP của MSN.

Trong khi không chia cổ tức cho cổ đông nhưng Masan lại xin phát hành 12 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương tỷ lệ 1,63% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty.

Giá phát hành bằng mệnh giá, là 10.000 đồng/cổ phần. Trong khi đó, giá cổ phiếu MSN đang giao dịch trên thị trường trong vòng 1 tháng qua dao động từ 75.000- 85.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng quan tâm là trong tờ trình được công bố sắp tới, không có nội dung nào đề cập đến việc 12 triệu cổ phiếu ESOP có bị hạn chế chuyển nhượng hay không. Nếu không bị ràng buộc về thời gian chuyển nhượng, những cổ phần này có thể ngay lập tức bán ra thị trường và người sở hữu có thể thu về khoản tiền gấp 6-7 lần vốn bỏ ra.

Trước đó, năm 2013, Masan cũng đã từng phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phần và toàn bộ số cổ phiếu này đều không bị hạn chế chuyển nhượng.

Cố phiếu MSN đang có xu hướng đi lên sau một thời gian dài sụt giảm. Tuy nhiên, so với mức đỉnh từ đầu năm 2015 đến nay (90.000 đồng/cổ phiếu), giá trị thị trường của cổ phiếu MSN hiện tại đã sụt giảm 10%.
Nguyên Minh (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.