Cập nhật 15/02/2020 6:34 PM
Trong ngắn hạn, các tổ chức kinh tế lớn đều hạ dự báo và có đánh giá tiêu cực với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, về dài hạn, Covid-19 được cho là có mức độ ảnh hưởng tới kinh tế Trung Quốc thấp hơn dịch SARS.

Một thanh niên đeo khẩu trang đi qua trước trụ sở NHTW Trung Quốc (PBOC).

Các tổ chức lớn đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc

Những tín hiệu tích cực từ giữa tháng 1/2020 mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đem lại đã bị lu mờ hoàn toàn trước đại dịch Covid-19 mà Trung Quốc đang phải hứng chịu trong thời gian vừa qua.

Trước những diễn biến khó dự đoán của Covid-19, một loạt các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đã bước đầu đưa ra dự báo của mình về ảnh hưởng của dịch bệnh lần này tới tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Dự báo tăng trưởng của một số tổ chức kinh tế lớn đối với Trung Quốc

Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), với những thay đổi trong dự báo của các công ty và tổ chức lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể thấy nổi bật lên 2 điểm chính.

Thứ nhất, dự báo và đánh giá của các bên đều cho thấy triển vọng trong ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là tiêu cực.

Nhìn lại quá khứ, dịch SARS kết thúc vào quý II/2003, được cho là tác nhân chính khiến tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc giảm mạnh từ mức 11,1% quý trước xuống còn 9,1%, tương với mức giảm 2 điểm phần trăm (tuy nhiên, không phải tất cả đều do tác động của SARS). Ở lần dự báo mới này, 4 tổ chức cũng đã hạ tăng trưởng quý I/2020 của Trung Quốc xuống trung bình 1,4 điểm phần trăm, mức thấp hơn so với ảnh hưởng của dịch SARS.

Hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu được cho là hai thành tố sẽ bị tác động mạnh nhất trong thời gian sắp tới.

Thứ hai, về dài hạn, Covid-19 được dự báo sẽ có mức độ ảnh hưởng tới kinh tế Trung Quốc thấp hơn dịch SARS.

BSC cho biết, một báo cáo đã ước tính ảnh hưởng của SARS lên tăng trưởng GDP của Trung Quốc cả năm 2003 chỉ ở mức từ -0,5 đến -1 điểm phần trăm. Trong khi đó, con số này của dịch Covid-19 được dự báo sẽ chỉ ở mức trung bình -0,3 điểm phần trăm, thấp hơn so với ảnh hưởng mạnh của dịch SARS.

Ảnh hưởng thấp hơn dịch SARS của Covid-19 được BSC nhìn nhận chủ yếu là do Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp mạnh mẽ để tránh dịch lây lan diện rộng. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo sẽ bật tăng trở lại nhờ các biện pháp kích thích của Chính phủ.

Tính từ lúc dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, NHTW nước này (PBoC) đã tiến hành bơm thêm 174 tỷ USD vào thị trường nhằm hỗ trợ thị trường trước ảnh hưởng của Covid-19.

Tác động tới kinh tế thế giới và khu vực

Tính tới hết 2019, Trung Quốc đang đóng góp gần 20% vào GDP toàn cầu; về quy mô đã gấp 2,5 lần so với thời kì bùng nổ của dịch SARS. Thêm vào đó, so với đợt dịch trước, thương mại toàn cầu đã trở nên liên kết với nhau hơn bao giờ hết. Quy mô nền công nghiệp du lịch tăng mạnh ở Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tới mức độ lan rộng của dịch và thiệt hại do dịch bệnh.

%GDP Trung Quốc trong GDP toàn cầu

Tuy nhiên, “việc dựa vào ảnh hưởng của dịch SARS để đo lường tác động của Covid-19 lên tăng trưởng của Trung Quốc có lẽ còn thiếu sót”, BSC lưu ý.

Về tác động của Covid-19 lên các nền kinh tế khác trên thế giới, BSC cho biết, một nghiên cứu vào năm 2016 của IMF thiết lập giả định nếu nền kinh tế Trung Quốc giảm -1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP, ảnh hưởng sẽ tập trung chủ yếu vào các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các nước phát triển thuộc G20.

Theo như giả định này, nền kinh tế bị tác động nhiều nhất sẽ là Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út…

Với riêng Việt Nam, nghiên cứu của BSC cho biết, do có sự liên quan mật thiết của chuỗi cung ứng tới nền kinh tế Trung Quốc, tác động của dịch đối với nền kinh tế sẽ là không nhỏ. Mức độ ảnh hưởng đối với Việt Nam theo báo cáo này được dự báo ở mức giảm 0,2 điểm phần trăm GDP.

Trong khi đó, Bloomberg Economics cũng đưa dự báo có phần kém khả quan hơn khi cho rằng do Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ khách du lịch Trung Quốc và sự liên kết cao của chuỗi cung ứng giữa hai nước, Covid-19 có thể khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam giảm 0,4 điểm phần trăm.

Như Hoa (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….