Các chuyên gia pháp lý cho rằng vợ của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai không những thoát chết mà có thể chỉ ngồi tù 9 năm, sau đó được thả để đi chữa bệnh, bất chấp bản án tử hình có ân hạn tuyên ngày hôm qua.

Bà nhiều khả năng sẽ sống cùng với hàng chục tù nhân chính trị, chủ yếu phạm tội tham nhũng, tại nhà tù Qincheng ở ngoại ô Bắc Kinh. Các nhà phân tích cho rằng nhà chức trách Trung Quốc muốn thuyết phục cả trong và ngoài nước bằng một bản án nghiêm khắc, chứng tỏ mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, giúp chấm dứt vụ bê bối chính trị lớn nhất trong vòng hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên những nhà quan sát nói quyết định tử hình mà hoãn thi hành đang vấp phải sự hoài nghi của dân chúng, nhất là trong cộng đồng mạng. Yao Bo, một bloger trên mạng xã hội Sina Weibo bày tỏ sự thất vọng khi tòa án đột ngột trở nên khoan dung, "phạm tội chủ ý giết người mà kết quả lại là tử hình hoãn thi hành án ư?".

Hong Huang, một blogger với hơn 5 triệu người theo dõi, đặt ra câu hỏi về thời gian bà Cốc phải chấp hành án. "Tôi có một câu hỏi về mặt pháp lý: Liệu án tử hình hoãn thi hành có thể trở thành án chung thân nếu biểu hiện tốt trong quá trình bị giam không? Và cải tạo tốt, án chung thân có thể giảm xuống còn tại ngoại hoặc được tha hay không?"

Doanh nhân người Anh Neil Heywood, nạn nhân của bà Cốc Khai Lai. Ảnh: AP

Theo Xinhua, tòa án khoan dung với bà Cốc vì bà phạm tội trong trạng thái "khủng hoảng tinh thần" và "khả năng tự kiểm soát suy giảm". Tuy nhiên, nhiều người cho rằng bà đã "cung cấp nhiều manh mối về những người vi phạm pháp luật khác và đóng một vai trò tích cực trong quá trình điều tra và xử lý những vụ án liên quan". Nhiều nhà phân tích cho rằng bà đã cung cấp những thông tin về người chồng của mình.

Ngoài ra, bà Cốc đã nhận tội, bày tỏ sự ăn năn và không có kế hoạch kháng án, Đó cũng được coi là dấu hiệu bà Cốc đồng ý không công khai thách thức phán quyết để đổi lấy sự khoan hồng của tòa án, các nhà quan sát nói.

Những hình ảnh về phiên tòa công bố bản án cho thấy bà Cốc mặc áo sơ mi trắng và bộ vest màu đen, vẫn tỏ ra điềm tĩnh khi nghe tuyên án. "Tôi thấy đây là một bản án công bằng", bà Cốc nói sau khi nghe tòa tuyên. "Bản án hoàn toàn tôn trọng luật, thực tế và đặc biệt là cuộc sống con người". Bà Cốc sẽ được gặp thân nhân trong vòng 10 ngày tới nếu không kháng án.

Theo luật pháp Trung Quốc, án tử hình ân hạn của bà Cốc chắc chắn được chuyển thành chung thân nếu bà không phạm tội gì trong hai năm tới, chuyển thành 25 năm nếu bà chấp hành án tốt. Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý phân tích rằng bà có thể chỉ phải ngồi tù ít hơn số năm nói trên.

Bà Cốc tại Đại Liên năm 1997. Ảnh: WSJ

Tuyên bố của Quỹ Dui Hua chuyên về nhân quyền, có trụ sở ở san Francisco, Mỹ, cho hay án tử hình có ân hạn nhiều khả năng trở thành chung thân, và những người thụ án chung thân thường được quyền xin ân xá để đi chữa bệnh sau 7 năm ngồi tù.

"9 năm nữa kể từ đây, nếu bà ấy thuyết phục được quản giáo rằng bà đang có bệnh nặng, sẽ có cơ sở pháp lý để bà ấy được thả", Joshua Rosenzweig, chuyên gia hình luật Trung Quốc của Đại học Hong Kong nói.

Năm 1981, bà Giang Thanh, vợ của cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, bị kết án tử hình có ân hạn hai năm vì những việc đã làm trong thời Cách mạng Văn hóa. 10 năm sau, bà được đưa vào bệnh viện với lý do nhân đạo về y tế.

Donald Clarke, chuyên gia về luật Trung Quốc tại trường Luật của George Washington University, Mỹ, viết rằng theo Tòa án tối cao Trung Quốc, một án tử hình có ân hạn có thể được giảm thành tù 15 năm dù không có ân xá với lý do y tế. Tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng.

Các nhà quan sát lưu ý rằng ngay trong tòa, một yếu tố liên quan đến tình trạng sức khỏe của bà Cốc đã được nêu ra, khi tòa đồng ý rằng bà Cốc giết người trong tình trạng "suy sụp tinh thần".

Nhà tù mà bà Cốc dự kiến được đưa đến là Qincheng, nơi giam giữ các cựu quan chức cấp cao bị án của Trung Quốc. Trong số này có Chen Xitong, cựu ủy viên bộ Chính trị và thị trưởng Bắc Kinh, bị tống giam năm 1998 và sau đó thả năm 2006, khi mới thụ một nửa mức án 16 năm. Cha của ông Bạc Hy Lai, ông Bạc Nhất Ba, từng phải vào nhà tù Qincheng sau khi bị thanh trừng trong những năm 1960.

Hiện chỉ có rất ít thông tin về điều kiện ăn ở tại Qincheng. Nhật báo kinh doanh Thâm Quyến mới đây đăng một phóng sự cho biết mỗi buồng giam ở nhà tù này rộng khoảng 20 mét vuông, có toilet riêng, có giường. Tường buồng giam được đệm bằng cao su để ngăn phạm nhân tự sát. Tuy nhiên buồng của các phạm từng có chức sắc thường rộng hơn, có đồ gỗ như bàn, phòng tắm, toilet bệt và máy giặt. Phạm nhân cũng được xem TV hai giờ mỗi tối, được người nhà đến thăm và chu cấp nhu yếu phẩm và quần áo.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.