Bỏ ngoài tai biệt danh “cậu ấm” mà giới truyền thông đặt cho mình, ông Đoàn Quốc Huy đang nỗ lực để khẳng định, ông không phải là người chỉ biết thừa hưởng những thành quả mà cha mẹ để lại.

Đoàn Quốc Huy là con trai của Tiến sỹ Đoàn Quốc Việt - một doanh nhân thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, thương mại dịch vụ tại Ba Lan và sáng lập tập đoàn BIM Group. Huy thuộc “thế hệ thứ hai” bắt đầu gánh vác trên vai “sứ mệnh” giữ vững và phát triển tập đoàn BIM Group trong giai đoạn mới.

Những bài học đầu tiên từ bố

Theo bố mẹ sang Ba Lan từ khi còn nhỏ, ông Đoàn Quốc Huy sinh sống và lớn lên chủ yếu ở nước ngoài nhưng ông và chị gái vẫn được bố dạy nhiều điều về quê hương Việt Nam.

Ông Đoàn Quốc Huy kể: "Bố tôi - dù là doanh nhân bận rộn vẫn luôn bên cạnh, quan tâm chỉ bảo và đồng hành với các con. Bố là người bạn, người thầy đầu tiên trong cuộc đời tôi, từ kiến thức sách vở đến thực tế. Ðiều bố dạy con đầu tiên là giữ gìn tiếng Việt. Trong gia đình tôi, tất cả luôn nói tiếng Việt, tôi và chị gái phải học nói, học viết tiếng Việt để không bao giờ quên nguồn cội. Hàng năm, tôi và chị gái vẫn được bố mẹ cho về nơi chôn rau cắt rốn. Những ngày về Việt Nam, bố thường dắt hai chị em tôi lang thang trên những con phố, thưởng thức món ăn Việt, ngắm những ngôi nhà đậm kiến trúc Việt…"

Ông Đoàn Quốc Việt và con trai Đoàn Quốc Huy.

Tới bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì, ông Huy luôn được bố dạy thói quen quan sát; không biết thì hỏi; không hiểu thì đọc sách và quan sát thêm… "Ngày đó, mỗi khi tôi và chị theo bố đến một địa điểm mới, một tòa nhà mới, bố luôn hỏi “Con thấy chỗ này thế nào, con thấy điều gì đặc biệt...”. Rồi bố giảng giải, ba bố con cùng thảo luận để tôi và chị hiểu…", ông Huy nói.

Ngay từ khi còn rất bé, ông Huy đã hiểu những vất vả của bố mẹ trong lĩnh vực kinh doanh “khốc liệt”. Trong mỗi bữa ăn sum họp gia đình, bố mẹ ông luôn chia sẻ cởi mở về công việc kinh doanh cho con cái nghe. Khi doanh nghiệp có thành công hay khó khăn gì, ông Huy và chị gái luôn được chia sẻ như người trong cuộc. "Ðam mê kinh doanh vì thế ngấm vào tôi từ khi còn rất nhỏ…", ông Huy bộc bạch.

Chia sẻ về cách giáo dục của cha mình, ông Huy nói: "Chúng tôi được bố mẹ dạy tự lập từ bé. Không bao giờ bố mẹ giục chị em tôi làm cái này, cái kia mà luôn đặt ra những chỉ tiêu để hoàn thành. Có những việc tầm quy mô nhỏ do tôi khăng khăng cho là đúng, bố cứ để làm đến khi nhận ra sai để rút kinh nghiệm. Chưa bước vào thương trường nhưng tôi thấm thía rõ giá trị của những lần vấp ngã và tự mình đứng dậy sửa sai. Tôi tự nhủ phải học thật giỏi để bước những bước vững vàng như bố…"

Khi sang Mỹ học trung học phổ thông, ông Huy luôn cố học thật nhanh và hiệu quả để vào được trường đại học tốt nhất với chuyên ngành phù hợp nhất. Ở California, trường kinh doanh tốt nhất khi đó là USC (University of Southern California). Trong đó chuyên ngành mà ông muốn theo: Entrepreneuship - một trong những chuyên ngành top đầu. Và để vào được trường đại học ông phải nằm trong tốp 5% số học sinh đạt điểm cao của trường.

Xác định được mục tiêu, ông Huy đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn chăm chỉ để nằm trong top đầu của lớp. Cuối cùng, mọi nỗ lực cũng được đền đáp. Nhưng ngay lập tức ông lại đứng trước hai lựa chọn. Một là vừa học vừa đi làm kiếm tiền để đỡ nặng nề cho bố mẹ, hai là học thật nhanh để về nước giúp được bố mẹ sớm.

"Tôi so sánh giữa học phí cùng chi phí sinh hoạt và thu nhập có thể kiếm được khi làm thêm, sau đó quyết định sẽ học thật nhanh rút ngắn từ việc học 5 năm xuống còn 3 năm để tốt nghiệp với 2 chuyên ngành. May mắn cùng với sự chăm chỉ miệt mài đã giúp tôi hoàn thành kế hoạch đặt ra", ông Huy chia sẻ.

Hai bài học kinh doanh đầu tiên

Hăm hở cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi ở Mỹ về, ông Huy khi đó vẫn nghĩ, kinh doanh không quá khó. Thế nhưng, mọi việc lại chẳng đơn giản như những cuốn sách hay kiến thức đã học ở Mỹ. Những ngày đầu làm việc, đối diện với thực tế, phương pháp quản lý của công ty, ông rất khó hòa nhập. Hầu như kiến thức tư duy tài chính được học ở nước ngoài rất khó áp dụng ở Việt Nam.

Khi mới về, công việc đầu tiên ông được giao là xây dựng một phòng bán hàng mới và điều hành đội ngũ bán hàng chỉ có 2 người. Công việc tưởng chừng vô cùng đơn giản, nhưng làm rồi mới thấy để tổ chức được một việc từ A đến Z thật khó. "Sau này nhìn lại, tôi nghiệm ra rằng, bắt đầu từ một vị trí thấp, lắng nghe và học hỏi những người đi trước để hoàn thiện kĩ năng của mình", ông Huy nói.

Đoàn Quốc Huy là con trai của Tiến sỹ Đoàn Quốc Việt - một doanh nhân thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, thương mại dịch vụ tại Ba Lan và sáng lập tập đoàn BIM Group.

Ông Đoàn Quốc Huy được cha mình dạy về kinh doanh từ khi còn rất nhỏ.

Công việc đầu tiên ấy cũng mang đến cho ông bài học đầu tiên: Làm gì cũng phải rất cụ thể, phải tìm hiểu thật kỹ và biết lắng nghe tất cả những người liên quan, không đưa ra quyết định chủ quan và vội vàng. "Không làm thì thôi, đã làm phải cật lực và thật quyết liệt. Muốn thành công, không thể không chăm. Nghe thật đơn giản nhưng bắt tay thấy không dễ chút nào" ông Huy chia sẻ.

Bài học thứ hai mà ông học được đó là, nếu không biết điều gì nên hỏi, nếu không quen mà có việc cần hỏi, phải tìm cách để làm quen với người ta tìm hiểu về đề tài mình định làm và không bao giờ được ngại.

"Ðiều này xuất phát từ những lần bố dạy tôi rằng, mình phải luôn học cách kế thừa từ xã hội. Không nhất thiết phải phát minh ra một cái gì mới cả, chỉ cần hỏi những người đi trước và nghĩ ra cách tối ưu vấn đề cho nó hợp với bối cảnh của mình là có thể thành công rồi", ông Huy cho biết.

Hoài bão của thế hệ kế nhiệm

Ông Huy hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (công ty con của Tập đoàn BIM Group). Anh còn giữ các chức vụ quan trọng khác như: Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BIM Foods, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lifestyle Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần năng lượng tái tạo BIM Energy…

Trong hầu hết các lần xuất hiện hiếm hoi trên báo chí, ông Huy cho thấy những hoài bão, khát vọng không chỉ cho riêng mình, mà còn là cả một thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam đầy năng lượng, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ như hiện nay.

Cụm 3 nhà máy điện mặt trời 330 MWP được BIM Group khánh thành từ năm 2019.

“Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình hòa nhập, tôi mong rằng những doanh nhân trẻ như chúng tôi sẽ không chỉ tập trung phát triển thương hiệu Việt, sản phẩm Việt ở các nước Đông Nam Á hay Châu Á mà còn phải vươn xa sang các nước phát triển trên toàn thế giới”, Huy chia sẽ trên truyền thông.

‘Tôi tự cho mình là người rất may mắn, được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, có cơ hội để làm việc, được gặp những người giỏi. Khi mình đã may mắn như vậy rồi mà không biết tận dụng thì quá phí…’ Huy từng chia sẻ.

Huy từng thừa nhận là thế hệ tiếp nối BIM Group với sự khởi đầu kinh doanh không mấy thuận lợi khi vừa tiếp quản mảng bất động sản thì thị trường rơi vào khủng hoảng, rồi tiếp đến là việc ngừng bay của Air Mekong.

Sau “thất bại” với Air Mekong, Đoàn Quốc Huy đang đưa BIM Group tập trung nguồn lực tối đa vào những mảng kinh doanh cốt lõi, và phát triển “thần tốc” trong cả 3 ngành nghề.

Cụ thể: đối với nhóm ngành nông nghiệp, mảng kinh doanh muối của tập đoàn đã chiếm được trên 70% thị trường muối tinh công nghiệp tại Việt Nam. Trong bối cảnh các doanh nghiệp thủy sản Viêt Nam luôn bị vướng vào các rào cản xuất khẩu do việc quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm, các sản phẩm tôm nuôi của tập đoàn đêu đạt năng suât rất cao, trên 18 tấn/hecta và luôn được các bạn hàng lớn trong và ngoài nước săn lùng.

Trong nhóm ngành thương mại – dịch vụ, Elite Fitness đã mở thêm nhiều cơ sở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh và tiếp tục khẳng định vị thế câu lạc bộ thể dục thể thao cung cấp dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam.

BIM Group cũng mở rộng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, trong đó tiNi World là là chuỗi trung tâm “Giáo-Trí” đầu tiên tại Việt Nam xây dựng và phát triển dựa trên mô hình kết hợp giáo dục & giải trí dành cho trẻ em từ 2-12 tuổi được các bậc phụ huynh tin tưởng đưa con mình tới.

Thương hiệu Zpizza đến từ Mỹ cũng được nhiều người đón nhận và phát triển trở thành chuỗi nhà hàng được khách hàng Việt Nam ưa chuộng

Với bất động sản, lĩnh vực được coi là chiến lược cốt yếu của BIM Group vì đã mang lại thành công nhất định trong thời gian vừa qua, sẽ được Tập đoàn đẩy mạnh ở Phú Quốc và Quảng Ninh.

Cụ thể, trong tương lai trung và dài hạn, tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD vào các đại dự án của tập đoàn tại Hạ Long (khoảng 2 tỷ USD), Phú Quốc (khoảng 600 triệu USD) và các khu vực khác. Bên cạnh dự án Halong Marina đang triển khai tại Quảng Ninh, BIM Group đã mở rộng thị trường sang Lào và Phú Quốc.

Ngoài bất động sản, một lĩnh vực kinh doanh đang được Bim Group phát triển mạnh dưới thời của Đoàn Quốc Huy là năng lượng tái tạo.

Hồi đầu năm 2019,Tập đoàn BIM Group chính thức khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MWP tại NInh Thuận, đây sẽ là cụm nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tính tới thời điểm hiện tại.

Với tổng công suất 330MWP, cụm nhà máy bao gồm: nhà máy điện BIM 1 có công suất 30Mwp; BIM 2 có công suất 250Mwp và BIM 3 có công suất 50Mwp. Cụm 3 nhà máy điện mặt trời được đầu tư hơn 7.000 tỷ, lắp đặt hơn 1 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kwh/năm, phục vụ 200 nghìn hộ gia đình mỗi năm và góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.

Nói về lĩnh vực kinh doanh mới, Đoàn Quốc Huy cho biết: “BIM Group định hướng trở thành nhà đầu tư tiên phong hàng đầu về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, hướng đến năm 2022, tổng công suất năng lượng sạch do BIM Energy cung cấp sẽ đạt tổng quy mô 1000Mwp điện mặt trời và điện gió. Với việc khánh thành một lúc cụm 3 nhà máy có công suất lớn nhất trong thời gian ngắn là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của BIM Group vào năng lượng sạch. Chúng tôi mong muốn góp phần và chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho tương lai đất nước”.

Xem thêm bài viết về: Ông Đoàn Quốc Việt
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chuyện về "người kế nghiệp" nhà BIM Group

    Chuyện về "người kế nghiệp" nhà BIM Group

    03/11/2020 11:11 AM

    Bỏ ngoài tai biệt danh “cậu ấm” mà giới truyền thông đặt cho mình, ông Đoàn Quốc Huy đang nỗ lực để khẳng định, ông không phải là người chỉ biết thừa hưởng những thành quả mà cha mẹ để lại.

  • Đại gia đa ngành Đoàn Quốc Việt

    Đại gia đa ngành Đoàn Quốc Việt

    05/08/2020 8:50 AM

    CafeLand – Nhắc đến cái tên Đoàn Quốc Việt, nhiều người nghĩ ngay đến ông chủ doanh nghiệp đang sở hữu khối bất động sản khổng lồ ở phía bắc. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng vị chủ tịch HĐQT kín tiếng của Tập đoàn BIM còn là một “ông trùm” trong lĩnh vực nông – thủy sản.

  • Nhiều ông lớn nhảy vào lĩnh vực điện mặt trời

    Nhiều ông lớn nhảy vào lĩnh vực điện mặt trời

    27/09/2019 4:06 PM

    Năm 2019, một loạt các dự án điện mặt trời đi vào hoạt động, với tổng công suất dự kiến lên đến 2.200 MWp. Điều bất ngờ là thâu tóm những nhà máy điện mặt trời lớn hiên nay lại là các Tập đoàn kinh tế tư nhân đình đám.

  • Đại gia Việt bỏ nghìn tỷ kinh doanh hãng bay tư nhân

    Đại gia Việt bỏ nghìn tỷ kinh doanh hãng bay tư nhân

    12/11/2013 2:19 PM

    Không dễ dàng gì để cạnh tranh với “ông lớn” Vietnam Airlines nhưng nhiều đại gia Việt vẫn sẵn sàng bỏ hàng nghìn tỷ đồng để thành lập hãng bay tư nhân.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.