Cập nhật 10/10/2015 5:17 PM
Được xem là “ông vua” của thế giới ảo, Chủ tịch của Tencent, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, nhưng thật chẳng dễ dàng để tìm hiểu đầy đủ thông tin về Ma “Pony” Huateng qua mạng internet.
Không chỉ có ông chủ của Tencent mà chính Công ty này cũng rất kín tiếng đối với các phương tiện truyền thông đại chúng.
Hôm qua (8/10), Ma “Pony” Huateng và Jack Ma, ông chủ của Alibaba, hai đối thủ kỳ cựu trên thương trường trong hơn một thập kỷ qua, vừa có cú bắt tay lịch sử bằng một thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD. Theo đó, Meituan.com, do Alibaba Group Holdings Ltd sở hữu và Dianping.com, thuộc Tencent Holdings Ltd sẽ cùng hợp tác để cung cấp các dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Đại lục.
Đây là lần thứ 2 trong năm, cũng là lần thứ 2 trong lịch sử, 2 “ông lớn” ngành thương mại điện tử Trung Quốc hợp tác với nhau. Lần đầu tiên vào đầu năm 2015, khi 2 công ty kết hợp dịch vụ Didi và Kuaidi, tạo nên một đối thủ có thể vượt mặt Uber Technologies Inc tại Trung Quốc.
Ma “Pony” Huateng (29/10/1971) là một kỹ sư phần mềm, doanh nhân nổi tiếng với khối tài sản vào khoảng 17,6 tỷ USD. Theo Forbers, ông là người giàu có thứ 3 Trung Quốc và xếp thứ 11 trong danh sách những tỷ phú công nghệ.
Ma Huateng, theo phương Tây là một cái tên “kỳ cục”, vì họ Ma theo tiếng Trung Quốc là “ngựa”. Thêm vào đó, ông chủ của Tencent lại chọn tên tiếng Anh cho mình là “Pony”, có nghĩa là “ngựa non”. Đây có thể là cách Ma Huateng khiêm nhường tự xưng, nhưng thực tế cho thấy, ông là một trong những doanh nhân được trọng vọng không chỉ ở Đại lục mà còn trên toàn cầu. Pony học ngành kỹ sư phần mềm tại Đại học Thẩm Quyến và tốt nghiệp năm 1993. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại bộ phận nghiên cứu và phát triển cuộc gọi qua internet tại rất nhiều công ty công nghệ khác nhau.
Năm 1998, Pony cùng 4 người bạn đồng sáng lập Tencent Inc. Trong thời gian này, ông đảm nhận nhiều vị trí, từ người gác cổng cho tới thiết kế website, nhằm duy trì hoạt động của Công ty.
Năm 1999, khi Jack ma bắt đầu xây dựng Alibaba tại căn hộ ở Hàng Châu của mình với chỉ 60.000 USD, sau đó biến nó trở thành công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc thì Pony cùng lúc đã sáng tạo nên dịch vụ tin nhắn QQ cho Tencent tại Thẩm Quyến. Chỉ trong vòng 1 năm, số người sử dụng dịch vụ QQ lên tới 550 triệu người.
Đến năm 2004, Tencent trở thành nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin lớn nhất Trung Quốc. Tháng 6/2004, khi tiến hành IPO, cổ phiếu của Tencent ngay lập tức tăng giá tới gần 60%.
Sức mạnh của Tencent dưới sự lãnh đạo của Ma Huateng đã thực sự khiến các công ty khác cùng lĩnh vực phải kiêng nể. Không có công ty Internet nào khác trên thế giới, kể cả Google, đạt được vị trí thống lĩnh thị trường nội địa như Tencent. Tencent hiện được biết đến với gói dịch vụ giải trí trực tuyến “tất cả trong một” và dịch vụ tin nhắn tức thời trên di động với thương hiệu QQ. QQ đã trở thành một “hiện tượng văn hóa” ở Trung Quốc. Đối với những người trẻ tuổi, QQ là một nhận diện ảo, quan trọng như địa chỉ email hoặc số điện thoại di động. Hiện tại, có hơn 1 tỷ người sử dụng tin nhắn, trò chơi và các dịch vụ khác của Công ty.
Có thể thấy, tất cả các dịch vụ của Tencent đều hướng đến phục vụ giới trẻ, đúng như phát ngôn của Ma Huateng: “Người sử dụng quan trọng nhất là những người trẻ tuổi”.
Không dừng lại ở đây, Pony tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của Công ty, tuy nhiên vẫn duy trì vị trí thống lĩnh đối với dịch vụ tin nhắn của mình. Gần đây, Tencent ra mắt dịch vụ nhắn tin qua di động WeChat. Ứng dụng này nhanh chóng trở nên phổ biến đối với người dùng internet Trung Quốc, vượt qua cả công cụ tìm kiếm của Baidu.
Những năm gần đây, Tencent đã mua lại cổ phần của hãng logistic China South City và hãng thương mại điện tử JD.com, cùng nhiều công ty khác, nhằm dấn sâu hơn nữa vào lĩnh vực thương mại này.
Được giới truyền thông mô tả là một doanh nhân mang khuôn mặt thư sinh và là một người khá lặng lẽ, tuy nhiên, Ma Huateng rất có thể sẽ tạo nên những “cơn sóng” lớn trên thương trường trong thời gian tới, khi bắt tay với đối thủ kỳ cựu Jack Ma.
Lam Phong (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….