Trước làn sóng biểu tình sôi sục ở các tỉnh miền đông, nhiều nhà tài phiệt Ukraine bước chân vào chính trường, dùng tiền riêng để xây dựng ảnh hưởng và kêu gọi giữ toàn vẹn quốc gia.

Hai tháng trước, ông Hennadiy Korban, một triệu phú người Ukraine phải chạy đến Israel để tránh lệnh trừng phạt vì tội ủng hộ phe đối lập. Sau khi tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, ông hân hoan trở về trên một chiếc máy bay riêng để bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống của một công chức chính quyền.

Ông Korban, 44 tuổi, hiện làm việc 14 giờ một ngày trong một tòa văn phòng từ thời Xô Viết tẻ nhạt ở thành phố Dnipropetrovsk với mức lương còm cõi mà không hề lăn tăn. Tuy nhiên ông nói công việc kinh doanh thú vị và ít áp lực hơn nhiều so với việc cố giữ cho Ukraine không bị chia cắt.

Từ khi Nga sáp nhập Crimea tháng trước và hàng chục nghìn quân nhân Nga đóng gần biên giới Ukraine, ở thành phố miền đông uể oải này, những người như ông Korban trở thành một phần của cuộc đấu tranh tổng lực chống lại tổng thống Nga Vladimir V. Putin.

Tài phiệt vào chính trường

Không thể ném tiền vào để giải quyết các vấn đề của miền đông Ukraine, chính phủ tạm quyền mong manh ở Kiev đã đưa những người giàu có vào bộ máy quản lý đất nước. Các ông chủ giàu có cố thuyết phục các khu vực nói tiếng Nga của nước này rằng tương lai của họ không đi cùng với Nga, mà là với Ukraine.

Ông Ihor Kolomoysky, một trong những người giàu nhất Ukraine, chi tiền riêng hàng triệu USD để trang trải cho việc lập trật tự ở thành phố nơi ông làm thị trưởng. Ảnh: New York Times

Ông Ihor Kolomoysky, người được các quan chức ở Kiev chỉ định làm thị trưởng thành phố Dnipropetrovsk, là một tỷ phú kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, đường sắt và truyền thông, được xếp trong danh sách người giàu thứ hai hoặc thứ ba của Ukraine. Ông Kolomoysky nói không tự tính được tài sản của mình, "một người thực sự giàu có là người không biết mình có bao nhiêu".

Việc bổ nhiệm các doanh nhân giàu có vào các vị trí lãnh đạo của chính quyền mới cho thấy sự méo mó kỳ lạ trong cuộc cách mạng của người Ukraine - cuộc cách mạng nổ ra bởi sự tức giận của dân chúng đối với những người đã làm giàu chóng vánh dưới thời Yanukovych và hầu như không mảy may xây xát gì trong suốt mấy tháng hỗn loạn vừa qua.

Ông Kolomoysky, người chủ yếu ở Thụy Sĩ khi biểu tình diễn ra, cho biết việc ông ủng hộ ý tưởng làm việc cho chính quyền không phải là cách chen chân vào quyền lực, mà là một phản ứng cấp thời, trong bối cảnh những người nói tiếng Nga ở miền đông lo ngại những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine từ miền tây chi phối cuộc cách mạng.

"Đây là một tín hiệu với xã hội", Kolomoysky nói "Khi các đầu sỏ chính trị nắm quyền, bình tĩnh và xem xét tương lai của họ khi ở Ukraine, những người dân bình thường sẽ cảm thấy họ không bị đe dọa". Tuy nhiên ông cũng thừa nhận người dân "có thể không coi trọng hay yêu thích các đầu sỏ chính trị".

Một phụ tá khác của ông Kolomoysky ở thành phố Dnipropetrovsk là Boris Filatov. Ông Filatov miêu tả bản thân là "100% người Nga không có giọt máu Ukraine nào". Ông cũng chạy sang Israel hồi cuối tháng một năm nay.

"Không ai ở đây ủng hộ Nga cả", ông Filatov nói. Ông Filatov gần đây đã thuyết phục hơn 20 nhóm địa phương, gồm cả một số người ủng hộ Nga sáp nhập Crimea, ký một tuyên bố ủng hộ tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và chống nguy cơ xâm lược của Nga.

Ở thành phố Donetsk thuộc miền đông Ukraine, ông Sergei Taruta, một yếu nhân kinh doanh đường sắt trị giá hàng tỷ USD, được giao chịu trách nhiệm quản lý chính quyền. Ông Taruta, trong cuộc phỏng vấn cuối tháng qua, coi nỗ lực chiếm chính quyền của người biểu tình là một "kịch bản vụng về", mà chính Moscow đã viết kịch bản đó, còn những người Nga giả danh là người địa phương thực hiện.

Pavlo Khazan, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Dnipropetrovsk, người đã giúp tổ chức một loạt các cuộc biểu tình chống lại ông Yanukovych, cho biết nhiều người dân bình thường ngờ vực những người giàu có, gồm cả thị trưởng. "Nhưng họ nhận ra, trong thời điểm quan trọng này chúng ta cần một người mạnh mẽ, một người biết cách quản lý hiệu quả và không cần phải đưa hối lộ", ông nói.

Chi mạnh tay

Trong khi chính phủ tạm quyền của Ukraine ở Kiev bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc Nga sáp nhập Crimea và các cuộc diễn tập quân sự gần biên giới, khu vực Dnipropetrovsk đã nhanh chóng thiết lập hội đồng phòng thủ của riêng mình, thành lập các trung tâm chỉ huy dự trữ lương thực và nước uống. Dnipropetrovsk cũng lên kế hoạch chi tiết cho những gì mà các quan chức, cảnh sát, lính cứu hỏa và các đơn vị khác phải làm trong trường hợp bị tấn công. "Trong khi họ đang tranh luận ở Kiev, chúng tôi chuẩn bị hành động", ông Korban nói.

Hàng nghìn người biểu tình ở ba thành phố miền đông Ukraine đang đòi được độc lập. Ảnh: Ukrainefare

Tầng trệt của tòa nhà hành chính khu vực được chuyển cho tổ chức phòng thủ của người dân sử dụng. Tổ chức do Yuri Bereza, một lính về hưu từng chiến đấu ở Afghanistan cho quân đội Xô Viết đứng đầu. Nhóm này có số đăng ký lên đến 7.000 tình nguyện viên, tuổi từ 16 đến 78, sẵn sàng nếu quân Nga tiến vào.

Thị trưởng mới Kolomoysky mạnh tay chi dùng 5 triệu USD tiền túi để mua dầu diesel, nhiên liệu máy bay và khẩu đội pháo cho quân đội thiếu thốn của Ukraine. Hành động này gây ấn tượng với người Ukraine, những người chỉ quen thấy quan chức móc túi họ.

Ông Korban khẳng định với các nhân viên của chính quyền địa phương rằng không ai bị sa thải vì ủng hộ chính quyền trước đây, thậm chí có dính líu đến tham nhũng, vì họ cần làm việc trong hệ thống hiện có. "Nếu trừng phạt tất cả những ai từng đưa hay nhận hối lộ, chúng tôi phải bỏ tù đến nửa dân Ukraine. Đây là cuộc cách mạng khoan dung, cuộc cách mạng ôn hòa", ông nói.

Các lãnh đạo khu vực mới còn công bố giảm 10% số lượng nhân viên, chủ yếu cắt giảm những người không thực sự làm việc mà vẫn nhận lương. Ông Korban khẳng định việc này không có động cơ chính trị mà quyết định áp dụng logic quản lý kinh doanh vào dịch vụ công của chính quyền.

Một số người thuộc phe đối lập với các cựu lãnh đạo Ukraine phàn nàn chính quyền mới không đi đủ xa, đặt câu hỏi về động cơ của ông Kolomoysky, người chủ yếu ở nước ngoài đến tận khi được bổ nhiệm đầu tháng 3 và không công khai chống lại ông Yanukovych.

"Chúng ta cần thay đổi không chỉ con người mà cả hệ thống tham nhũng", Viktor Oryol, lãnh đạo một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc được gọi là Right Sector, nói. Ông Oryol nhận định việc ông Kolomoysky dùng tiền của mình để giúp quân đội chỉ để bảo đảm công ty năng lượng mà ông góp cổ phần giành được hợp đồng cung cấp vũ khí và nhiên liệu. Ông Kolomoysky bác bỏ điều này và nói hợp đồng nhiên liệu không liên quan đến thỏa thuận kinh doanh, "đó là sự giảm giá bằng mức giá thị trường và cho phép quân đội có nhiên liệu mà không phải trả trước".

Nhằm làm giảm lo lắng của người dân rằng mình vào chính quyền chỉ để cướp bóc quỹ công, các nhà tài phiệt ở Dnipropetrovsk nhất trí không nhận lương, xe và cảnh vệ theo chế độ.

Boris Filatov, một ông chủ kinh doanh khách sạn và trung tâm thương mại hạng sang, giờ là phó thống đốc Dnipropetrovsk. Ảnh: NYT.

Ông Taruta, thị trưởng mới của Donetsk, cũng làm việc vì công ích. Thế nhưng, trước khi những người biểu tình thân Nga chiếm các văn phòng của ông ngày hôm 6/4, ông đã tính tới việc kiềm chế căng thẳng và cuối cùng trở lại công việc kinh doanh trước đây. Về công việc trong chính phủ, ông nói " Tôi không muốn, không trông đợi và sẽ không bao giờ chấp nhận nếu công việc này không được đề nghị bởi những người ở cấp cao", ông nói đến lãnh đạo mới ở Kiev. Các thành viên gia đình ông cũng phản đối điều này. " Họ hiểu mối rủi ro", ông nói.

Khánh Lynh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.