CafeLand - Một số gia tộc giàu có lâu đời ở Đông Nam Á đang đẩy mạnh đầu tư vào các startup công nghệ, đang được định giá ngày càng cao khi nền kinh tế Internet trong khu vực tăng trưởng mạnh mẽ. Đây có thể là một hướng đi mới cho các gia tộc này khi đại dịch đã gây thiệt hại lớn cho các ngành kinh tế truyền thống từ bán lẻ, khách sạn, cho đến sản xuất.

Các công ty mẹ, quỹ đầu tư gia đình và nhiều công cụ tài chính khác dưới quyền các ông trùm từ Dhanin Chearavanont của Thái Lan đến Lance Gokongwei của Philippines đều đang trực tiếp đầu tư hàng triệu đô la vào các công ty tiềm năng, tự thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc hợp tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon.

Với hàng loạt các khoản đầu tư, những đế chế kinh doanh truyền thống này cũng đang chuyển đổi sang một thế giới mới nơi thương mại điện tử và số hóa thống trị, để mở ra các dòng doanh thu mới sau khi các ngành truyền thống bị tê liệt sau nhiều tháng đóng cửa và hạn chế đi lại. Quá trình chuyển đổi này càng trở nên cấp thiết hơn khi tầng lớp lãnh đạo mới đang dần tiếp quản các đế chế này, trong một số trường hợp là những người thừa kế thuộc thế hệ thứ ba có tuổi đời trẻ hơn.

Ông trùm truyền thống tham gia cuộc chơi hiện đại

Vishal Harnal, đối tác quản lý của 500 Startups tại khu vực Đông Nam Á, đối tác đầu tư ban đầu của gã khổng lồ gọi xe Grab và sàn thương mại điện tử Carousell, cho biết: “Các gia đình tài phiệt tại Đông Nam Á nhận thấy rõ những gì công nghệ và đầu tư công nghệ mang lại sau những thành công gần đây của các startup. Nhiều gia đình đã rót tiền vào lĩnh vực này và đại dịch đang đẩy nhanh quá trình”.

Các tập đoàn này đã tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, họ đang phải đối mặt với một số thách thức khi các chính phủ vẫn đang thực hiện nhiều biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây nhiễm của Covid-19. Ngân hàng Phát triển Đông Nam Á vào tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của khu vực này xuống 3,1%, vì "sự phát triển dễ bị tổn thương" bởi đại dịch.

Mặc dù đại dịch đã tàn phá ngành du lịch và bán lẻ ở Đông Nam Á, nơi đây vẫn có nhiều lợi thế nhờ có một số thị trường internet phát triển nhanh nhất. Theo một nghiên cứu của Cento Ventures, các nhà đầu tư mạo hiểm đã thực hiện 393 thương vụ với tổng số vốn 4,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 vào các startup trên khắp Đông Nam Á.

Trong đó, Charoen Pokphand Group (CP Group), tập đoàn 100 năm tuổi của Thái Lan kinh doanh từ nông sản đến bán lẻ và viễn thông, là một trong những nhà đầu tư dẫn đầu xu hướng. CP đã dẫn đầu vòng Series C rót vốn vào Ascend Money trong tháng 9/2021, một startup được chống lưng bởi Ant Group của Jack Ma. Ascend đang được kỳ vọng sẽ trở thành kỳ lân fintech đầu tiên của Thái Lan với mức định giá 1,5 tỷ đô la. Cũng trong tháng 9, CP Group đã hợp tác với Ngân hàng Thương mại Siam để thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm về công nghệ trị giá 800 triệu đô la, với 100 triệu đô la cho mỗi thương vụ.

“CP đang tích cực đón nhận sự đổi mới và khám phá các công nghệ tiên tiến như rô-bốt, hậu cần, điện toán đám mây và các công nghệ kỹ thuật số khác”, Yue Jun Jiang, Giám đốc công nghệ của CP Group cho biết. “Đông Nam Á đang tiến vào kỷ nguyên vàng của sự chuyển đổi, nơi các tập đoàn đang nâng cấp với các công nghệ tiên tiến và các mô hình kinh doanh mới, và đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa hơn nữa”.

Tại Indonesia, Intudo Ventures đã huy động được 115 triệu đô la trong vòng gọi vốn thứ ba vào tháng 9 để tập trung vào nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất khu vực. Các nhà đầu tư tham gia bao gồm hơn 30 gia đình tài phiệt tại Indonesia và các tập đoàn của họ.

Plug and Play Tech Center, một nhà đầu tư giai đoạn đầu có trụ sở tại Sunnyvale, California, đã rót vốn vào hơn 20 kỳ lân, bao gồm cả PayPal Holdings Inc. Gần đây họ đã ký kết thỏa thuận với hơn một chục đối tác ở Đông Nam Á, hầu hết trong số đó là các nhóm đầu tư do các gia đình giàu có kiểm soát như Aboitiz Power Corp. ở Philippines, CP Group của Thái Lan và Astra International của Indonesia.

Trong khi việc định giá các kỳ lân tăng vọt khiến các khoản đầu tư vào lĩnh vực này vô cùng hấp dẫn, vẫn có những rủi ro nhất định khi chuyển đổi chiến lược sang công nghệ.

Các startup thường đốt rất nhiều tiền mặt ở giai đoạn đầu trước khi tạo ra lợi nhuận. Họ cũng cần nhiều hỗ trợ và hướng dẫn hơn so với những công ty đã hoạt động lâu năm và sẵn sàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Thêm vào đó, các tập đoàn cũng phải cạnh tranh với các nhà đầu tư có túi tiền sâu hơn và kinh nghiệm nhiều hơn, hay các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các quỹ đầu tư chính phủ.

Nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân không nản lòng trước những thách thức này. Một số đã bắt đầu các dự án thí điểm với các startup sở hữu công nghệ tiềm năng. Họ đang tìm kiếm các thỏa thuận và quan hệ đối tác vận hành từ tự động hóa sản xuất đến các đổi mới bền vững, cũng như fintech, công nghệ y tế và xe điện.

Shawn Dehpanah, Phó chủ tịch điều hành và đứng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về đổi mới và đầu tư của Plug and Play, cho biết: “Họ đang xem xét điều gì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, như đại dịch và họ cần phát triển những ý tưởng mới. Những tập đoàn lớn này là trụ cột để tăng tốc độ đổi mới giữa các startup hiện nay”.

Đông Nam Á sẽ là mảnh đất màu mỡ cho cả giới tài phiệt và kỳ lân

Đông Nam Á dường như đang biến mình trở thành một trung tâm của các startup công nghệ và xây dựng vị thế nhất định trước Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo số liệu của DealStreetAsia, từ đầu năm nay cho đến ngày 12 tháng 10, Đông Nam Á có tới 15 startup được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm đã trở thành kỳ lân, nâng tổng số kỳ lân lên 27. Đây là một con số đáng kinh ngạc bởi từ khi kỳ lân đầu tiên là Lazada xuất hiện vào năm 2013 cho đến năm 2020, khu vực này mới chỉ có 19 kỳ lân. Đông Nam Á đang cạnh tranh mạnh mẽ với Ấn Độ, nơi có thêm 30 kỳ lân hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư mạo hiểm trong năm nay, nâng tổng số kỳ lân lên 50.

Theo DealStreetAsia, số tiền mà các startup Đông Nam Á huy động được trong 9 tháng đầu năm 2021 từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác đạt tổng cộng 17,2 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi tổng số 8,5 tỷ USD trong 12 tháng của năm ngoái. Đây là một con số cao kỷ lục.

Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhờ nhân khẩu học thuận lợi với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, vốn là động lực chính thúc đẩy sự thâm nhập của điện thoại di động và internet.

Theo một báo cáo gần đây của Facebook và Bain, sáu nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, kể từ khi bắt đầu đại dịch, đã có thêm khoảng 70 triệu "người tiêu dùng kỹ thuật số mới", "được định nghĩa là những người thực sự mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến”, nâng tổng số người tiêu dùng kỹ thuật số từ 280 triệu lên 350 triệu. Tỷ lệ thâm nhập của nền kinh tế kỹ thuật số tại đây đã tăng từ 64% lên 78% với nhóm dân số ở độ tuổi 15 tuổi trở lên.

Akshay Bhushan, đối tác quản lý của Lightspeed Venture Partners có trụ sở tại Bangalore, cho biết các startup công nghệ đang chuyển đổi sang hình thức B2B để phục vụ các nhu cầu của quá trình số hóa, từ mua bán, hậu cần, tài chính cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Đông Nam Á.

Trên thực tế, sáu trong số 15 kỳ lân mới ở Đông Nam Á là các công ty B2B như nhà cung cấp dịch vụ hậu cần thương mại điện tử và dịch vụ cổng thanh toán di động cho các nhà bán lẻ.

Joonpyo Lee, giám đốc điều hành của Softbank Ventures Asia, nhận thấy nguồn vốn sẵn có nhiều hơn cho phép các startup Đông Nam Á theo đuổi việc mở rộng ra toàn châu Á và thậm chí toàn cầu, nâng cao tiềm năng tăng trưởng của họ và dẫn đến định giá cao hơn.

Trong khi đó, các hạn chế gần đây của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ khiến nhiều quỹ đầu tư tạm dừng đổ vốn vào Ấn Độ và chuyển sang khu vực Đông Nam Á.

"Ngoài những yếu tố chính trị quốc tế đó, bản thân Đông Nam Á cũng đang đến thời kỳ quan trọng", ông Bhushan của Lightspeed cho biết, chỉ ra "ảnh hưởng trực tiếp" từ những câu chuyện thành công của kỳ lân đối với các công ty mới hơn. "Các startup đã chứng kiến ​​ thành công đó của Sea và Grab. Các nhà đầu tư khu vực và toàn cầu cũng nhìn thấy những câu chuyện đó và không ngại đổ tiền vào những startup mới", Bhushan nói.

Lam Vy (Tổng hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: