Trên 20 năm gắn bó với nghề y tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), quá nửa đời người, BS. Lương Ngọc Ẩn lại quyết định chọn một hướng đi mới, chấp nhận dấn thân vào hành trình đầy rủi ro, bất trắc và có phần đơn độc. Sau hơn ba tiếng đồng hồ trò chuyện, nguyên nhân khiến một bác sĩ bất đắc dĩ trở thành một nhà đầu tư, một doanh nhân, một nhà quản lý dần dần được mổ xẻ. Và cũng từ đó dẫn dắt vào những chuyện khác, không hẳn chỉ nói về nghề y...

Chức năng của ngành y có thể hiểu ngắn gọn là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, cho nên ngành y phải được xem là một ngành đặc thù so với các ngành nghề khác trong xã hội. Mà đã là ngành đặc thù thì cũng phải có điều kiện đặc thù cho những người làm việc trong ngành này - từ cuộc sống cho đến công việc.

Với cuộc sống, đó là sự đảm bảo các điều kiện về vật chất bên cạnh trách nhiệm mà người làm nghề y phải gánh vác; với công việc, đó là sự đảm bảo các điều kiện về môi trường để có thể yên tâm hành nghề và phát huy khả năng. Những điều kiện cần thiết mà xã hội có thể mang đến cho ngành y cũng chính là để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng dịch vụ về y tế là bệnh nhân và cả cộng đồng.

Có lẽ nỗ lực thoát khỏi những chi phối có thể ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc và quyền lợi của bệnh nhân là một trong những lý do khiến BS. Lương Ngọc Ẩn có quyết định được cho là khá mạo hiểm khi đầu tư xây dựng bệnh viện trong thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn và suy thoái.

* Là một thầy thuốc, ông hiểu thế nào về vai trò của người thầy thuốc và nghề thầy thuốc trong xã hội hiện nay?

- Hiện nay, người ta xem nghề y như một nghề đơn thuần, cho nên có thể đối xử với người thầy thuốc như một người lao động mà công việc chăm sóc sức khỏe con người là một cuộc mua bán như bao nghề khác. Điều đó dẫn đến việc khi có bất trắc xảy ra thì người ta sẵn sàng kiện cáo, xem thầy thuốc như một "tội đồ” mà không cần biết nguyên nhân xuất phát từ đâu.

Chính điều này đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến thái độ lao động của người thầy thuốc. Vô hình trung, xã hội đã đẩy người thầy thuốc tới chỗ e dè, không dám quyết liệt làm điều gì, và họ luôn phải làm gì đó để bảo vệ mình nên sẽ đẩy sự thiệt thòi về phía bệnh nhân.

Nên nhìn nhận một cách thực chất hơn và "nhân bản" hơn về vai trò của người thầy thuốc. Để họ có thể thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình, cần phải có điều kiện hành nghề sao cho họ không phải chịu những sức ép từ tâm lý bệnh nhân, người thân bệnh nhân và phải nhận được sự thấu hiểu từ phía cộng đồng. Và tôi nghĩ đó chỉ là điều kiện cần thôi, phải có thêm những điều kiện khác nữa cho cuộc sống của người thầy thuốc thì họ mới có thể thể hiện được hết vai trò của mình.

* Những điều kiện khác nữa là gì, thưa bác sĩ?

- Điều này có liên quan đến sự vận động và phát triển chung của xã hội. Cũng vào thời kỳ xuất hiện dịch vụ y tế trong bệnh viện công thì tất cả mọi thứ bắt đầu chao đảo, kể cả người thầy thuốc. Bởi suy cho cùng, bác sĩ cũng là một con người, họ cũng có những nhu cầu giống như bao người khác, cũng muốn có cuộc sống sung túc và được trọng vọng bởi chính công việc họ đang làm...

Suy nghĩ đó khiến người thầy thuốc không thể dễ dàng sống một cuộc sống thanh bạch. Vậy nên phát sinh hai điều khá nguy hiểm. Thứ nhất, người thầy thuốc trong bệnh viện công sẽ chạy theo chuyện làm sao kiếm được tiền trong dịch vụ. Thứ hai, chỉ định của bác sĩ không đơn thuần là chuyên môn, mà phải chiều theo ý muốn của bệnh nhân.

Bên cạnh đó còn có một mong muốn nữa vì quyền lợi của thầy thuốc. Đó là nguyên nhân phát sinh bao nhiêu bất cập của ngành y tế. Cho nên, muốn giảm thiểu những bất cập, muốn yêu cầu người thầy thuốc thể hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình thì phải đảm bảo những quyền lợi xứng đáng với công sức bỏ ra của người thầy thuốc, điều này tuân theo quy luật công bằng và không hề vi phạm những chuẩn mực của ngành y. Chỉ là hoặc chưa nhìn thấy, hoặc cố tình bỏ qua mà thôi.

* Những suy nghĩ đó có phải là nguyên cớ thúc đẩy ông mở bệnh viện để có thể điều hành theo ý muốn?

- Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân. Chính bởi đã lăn lộn nhiều năm trong môi trường y tế công lập lẫn tư nhân, thấy được những bất cập, chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le của người thầy thuốc nên tôi muốn tạo một môi trường cũng chính là tạo điều kiện tốt nhất cho người thầy thuốc hành nghề, bao gồm cả sự đảm bảo về vật chất và hành lang an toàn để làm việc mà không bị vướng bận nhiều điều khác.

* Chấp nhận rời bệnh viện công, đi theo con đường y tế tư nhân, chắc chắn ông phải tìm hiểu và nắm rất rõ những quy luật của đầu tư, của kinh doanh, mà đây lại là kinh doanh trong ngành y tế, một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm, ít ra là trong bối cảnh hiện tại. Ông đã chuẩn bị những điều kiện gì kể từ khi bắt tay vào xây dựng Bệnh viện Thái Hòa?

- Thú thật là cách đây bốn năm, khi viết dự án xây dựng bệnh viện, tôi còn mơ hồ, nếu không muốn nói là tôi và các anh em cùng xây bệnh viện không biết chút gì về dự án đầu tư, về xây dựng, tài chính và vô số thứ liên quan đến một bệnh viện. Thế nên làm tới đâu chúng tôi học tới đó, cũng có nhiều bài học đau đớn lắm, nhưng may mắn là đều đã vượt qua.

Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy áp lực lớn nhất lúc đó là từ một bác sĩ trở thành người đầu tư xây bệnh viện, phải bắt đầu từ con số không về kiến thức, kinh nghiệm, về các mối quan hệ. Đó là chưa kể bao nhiêu vấn đề phức tạp khi xây dựng phương án tài chính cho bệnh viện, khi tìm nguồn vốn vay, thương thảo với các ngân hàng...

Tất cả mọi thứ tôi đều phải tự học và tự làm. Nói tóm lại, trong kinh doanh y tế, những nhà đầu tư sẽ gặp muôn vàn áp lực từ chuyên môn (làm sao để không xảy ra bất kỳ sai sót nào) đến tài chính (làm sao để vận hành mà không có bất kỳ nguồn lực sẵn có nào) và cuối cùng là những áp lực từ dư luận khi chúng tôi làm công việc nâng cao những tiện ích về chăm sóc sức khỏe, nhưng sẽ bị đánh giá là trục lợi trên sức khỏe của con người.

* Các cơ sở y tế tư nhân hiện vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với bệnh viện công, ông không sợ nếu thất bại thì sẽ mất tất cả sự nghiệp, trong đó có cả danh dự của mình?

- Tôi hiểu rất rõ: Người làm y tế tư nhân phải bỏ tiền đầu tư mọi thứ nhưng khi xảy ra vấn đề gì thì thân cô thế cô. Giả sử, một tai biến xảy ra ở bệnh viện công thì được giải quyết êm xuôi, còn ở bệnh viện tư thì có khi sạt nghiệp.

Bên cạnh đó lại chịu sự thiệt thòi trong đối xử của xã hội, trong quản lý của Nhà nước, bất công trong xử lý rủi ro... Nhưng tôi chỉ biết thế để thận trọng hơn thôi, chứ không lo sợ.

Rõ ràng, đây là một con đường mà nếu nghĩ về cá nhân thì không nên làm. Nhưng xét về giá trị lâu dài, một khi bệnh viện đã thành hình thì nó là một thực thể, không có người này thì sẽ có người khác nối tiếp, và nếu mất thì chỉ mất vật chất chứ không phải là giá trị của thực thể ấy hay giá trị cho xã hội, cũng như nếu có thất bại thì là thất bại của cá nhân nào đó chứ không phải là thất bại chung.

Bệnh viện Thái Hòa đã thành hình và đi vào hoạt động, tôi cho đó đã là một kết quả. Thế có nghĩa là tôi không mất danh dự cho dù có tay trắng trong kinh doanh đi chăng nữa.

* Đã là nhà đầu tư thì nguyên tắc tối thiểu là phải "bảo toàn được đồng vốn". Ông không nghĩ mình đang quá phiêu lưu sao?

- Tôi không phải là người viển vông khi đầu tư, mà đã nhìn thấy khả năng nào đó, con đường thành công nào đó, dù ít dù nhiều. Xét về thị trường thì ở Đồng Tháp vẫn có rất nhiều nhu cầu, xét về cạnh tranh thì mức độ cũng ít hơn các thành phố lớn.

Đặc biệt khoảng vài năm nữa, khi trình độ dân trí và mức sống của mọi người tăng lên đáng kể thì bệnh viện sẽ giải quyết một nhu cầu lớn của cộng đồng tại địa phương.

Theo định hướng, sau khoảng 3 - 5 năm nữa, Bệnh viện Thái Hòa sẽ trụ vững và tạo được thương hiệu từ hoạt động chuyên môn và thực tế Bệnh viện đang tiến triển theo chiều hướng tốt sau hai năm hoạt động. Những gì chúng tôi vạch ra từ đầu đã được minh chứng từng ngày.

* Quyết định rời khỏi Bệnh viện Từ Dũ để xây dựng Bệnh viện Thái Hòa, hình như ông cũng có một lý do cá nhân?

- Tôi sinh ra ở Cao Lãnh, là con duy nhất trong một gia đình công chức. Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi chọn ngành sư phạm theo sở thích nhưng cha mẹ lại muốn tôi học ngành y để sau này vừa giúp cha mẹ lúc tuổi già, vừa giúp được nhiều người khác.

Trước khi ba tôi mất, dù không nói ra nhưng tôi biết nguyện vọng của ông cũng muốn tôi làm một cái gì đó cho Đồng Tháp và đó cũng là nguyên cớ thúc đẩy tôi mở bệnh viện.

* Ở vai trò là người đầu tư, quản lý, chắc hẳn ông cũng ngộ ra được một vài điều khác với suy nghĩ của một bác sĩ làm chuyên môn đơn thuần? Liệu có sự mâu thuẫn giữa y đức của bác sĩ với người đầu tư trong lĩnh vực y tế không, thưa ông?

- Trước khi mở bệnh viện, tôi từng làm quản lý cho nhiều bệnh viên tư. Mục đích lớn nhất của tôi là muốn quan sát xem hệ thống y tế tư nhân hoạt động như thế nào và tích lũy kinh nghiệm để sau này làm việc của mình. Và tôi cũng phát hiện ra, đối với hệ thống y tế tư, người chủ thường nhìn đồng tiền nặng nề hơn những thứ khác.

Sau này khi điều hành Bệnh viện Thái Hòa, tôi cũng ý thức những gì mình đã trải qua để có thể tránh tất cả những điều đó cho những người làm việc chuyên môn trong bệnh viện của mình. Tôi không để cho các bác sĩ phải bận tâm giữa chuyên môn và kinh doanh, chuyện nào ra chuyện đó và công việc chính của người thầy thuốc vẫn phải là chữa bệnh cứu người.

* Ông đã chia sẻ, trong quá trình xây dựng và vận hành bệnh viện, ông gặp rất nhiều khó khăn, có lúc gần như đi vào đường cùng, nhưng ông đã "tìm ra giải pháp". Vậy ông rút ra điều gì từ những bước đi này?

- Quan trọng nhất vẫn là phải tranh thủ mọi cơ hội và mọi điều kiện sẵn có quanh mình. Chúng tôi đã tranh thủ sự hỗ trợ đúng người, đúng lúc và đúng việc.

Chẳng hạn, khi bệnh viện vừa xây dựng xong, chúng tôi đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Xã hội hóa y tế” để vận động sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân trong địa bàn, nhờ đó mà Bệnh viện được cấp phép hoạt động trong thời gian rất ngắn, không lãng phí thời gian "nuôi quân".

Cho nên, bài học lớn nhất mà tôi rút ra được khi là một nhà đầu tư tại địa phương này chính là việc phải linh hoạt và biết cách vận dụng những điều kiện cụ thể trong những hoàn cảnh khác nhau.

* Ở TP.HCM, các bệnh viện tư tìm nhân lực còn khó, làm thế nào Thái Hòa lại có được đội ngũ bác sĩ giỏi, từ các bệnh viện Từ Dũ, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược về làm việc, thưa ông?

- Để thu hút được đội ngũ bác sĩ, yếu tố quan trọng nhất là tình cảm, cùng với sự đảm bảo cụ thể về điều kiện sống và làm việc cho hiện tại cũng như tương lai.

Bệnh viện chủ trương mời các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện lớn tại TP.HCM về làm việc, bố trí sẵn chỗ ở và xe đưa rước, trước mắt là đảm bảo cuộc sống, lâu dài là vấn đề cổ phần, và mọi thành viên làm việc ở đây đều được khuyến khích tham gia cổ phần với những hình thức ưu đãi trong đóng góp và quyền lợi.

Như tôi đã chia sẻ, điểm đặc biệt có ở Thái Hòa chính là môi trường làm việc lành mạnh, an toàn không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho cả thầy thuốc. Và tôi nghĩ đó chính là điều giữ chân nhân viên, khiến họ làm việc với tinh thần thoải mái, nhiệt thành.

* Đầu tư bệnh viện đã khó, vì cớ gì ông lại với tay sang mảng đào tạo điều dưỡng, xây trường mầm non và sắp tới là trường trung học?

- Qua quá trình làm việc với nhiều đối tác, trong đó có cả bệnh nhân và nhân viên y tế, chúng tôi nhận ra gốc rễ của mọi sự hạn chế chính là nhận thức của con người, kể cả thầy thuốc và cộng đồng.

Do đó, chúng tôi thấy rằng song song với việc tìm đội ngũ nhân lực hiện tại, chúng tôi còn phải đầu tư để hình thành đội ngũ kế thừa cho yêu cầu trước mắt là đào tạo những ngành nghề có thể làm việc trong ngành y tế như thư ký y khoa, điều dưỡng, nữ hộ sinh. Tất nhiên, đó cũng chỉ là bước chuẩn bị cho những yêu cầu trước mắt, phục vụ chủ yếu cho Bệnh viện. Mong muốn của chúng tôi nằm ở cả một thế hệ tại địa phương này.

* Còn mô hình đào tạo phổ thông có gì mới, thưa ông?

- Có một thực tế là sau hai mươi mấy năm trở về Đồng Tháp, tôi thấy tất cả vẫn như xưa, thậm chí các em tốt nghiệp đại học ngoại ngữ vẫn không nói được, trình độ, nhận thức, khả năng... đều chậm. Nguyên nhân là do các em không có cơ hội phát triển, chưa có môi trường tốt để học và thực hành.

Vì thế, tôi mở trường học, thành lập công ty truyền thông, trong đó có các chức năng truyền thông, tin học, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo, thiết kế quảng cáo, tổ chức sự kiện, giải trí văn hóa... nhằm tạo điều kiện cho các em làm việc và môi trường thực tế để các em thao diễn là làm quảng bá, truyền thông y tế, làm dịch vụ cho Bệnh viện, ngay cả đào tạo cũng gắn kết với Bệnh viện.

Khi làm công tác đào tạo nhân lực cho ngành y tế, mà cụ thể là điều dưỡng viên thì chỉ là giải quyết phần ngọn, muốn giải quyết phần gốc thì phải đào tạo phổ thông.

Nghĩa là hết cấp hai, các em sẽ được định hướng, nếu thấy khả năng mình còn mơ hồ, không có điều kiện thì đi học nghề, làm thợ, trong thời gian đó vẫn học văn hóa, để khi làm thợ rồi, các em vẫn có điều kiện học lên đại học. Như vậy, quan điểm giáo dục của chúng tôi là giáo dục để phát huy tất cả những khả năng của một cá nhân, chứ không phải lùa tất cả theo định hướng, tiêu chuẩn.

* Ông có nói, đằng sau tất cả công việc đang làm, ông ngộ ra rất nhiều điều. Ông có thể giải thích rõ hơn?

- Khi làm những công việc này, tôi còn thấy mình có một giá trị, nhiều khi vượt ra khỏi giá trị thực của con người mình mà tôi sẽ không bao giờ tìm thấy khi an phận trong một công việc nào đấy ở các thành phố lớn. Giá trị đó chính là khả năng được đặt đúng chỗ, hay nói cách khác là được đặt đúng nơi cần nó. Tôi có thể kiếm được nhiều tiền ở những nơi khác, nhưng đó là những nơi tôi chỉ cần cho bản thân mình, còn nơi đây có thể sẽ cần tôi hơn và tôi sẽ làm được nhiều điều ý nghĩa hơn.

Song, trên các giá trị tôi ngộ ra còn có một giá trị lớn hơn cả mà tôi đã học được từ nhân viên của mình. Đó là sự trong trẻo, vô tư, không vụ lợi và tâm huyết của chính những người đàn em đang cùng làm việc với tôi ở nơi đây. Chính tấm gương của các em đã nâng giá trị tinh thần cho tôi, nó làm cho tôi cảm thấy nếu mình làm điều gì đó không đúng thì sẽ rất xấu hổ.

* Ngoài việc đầu tư bệnh viện, trường học, ông còn mở cà phê, spa, siêu thị mini..., tất cả đều nằm trong khuôn viên của Bệnh viện, phải chăng ông "đa mang" như vậy vì mục đích lấy ngắn nuôi dài?

- Thành phố Cao Lãnh không có những dịch vụ đa dạng như các thành phố lớn, nên nếu muốn có những tiện ích cộng thêm cho khách hàng tại bệnh viện của chúng tôi, cách tốt nhất là phải tự mình xây dựng mô hình.

Chẳng hạn, tôi mở một quán cà phê sách trên sân thượng Bệnh viện, mục đích không phải kinh doanh mà là thay đổi tinh thần cho người dân; dành một nơi bán nước suối theo kiểu tự giác, ai mua thì bỏ tiền vào thùng theo giá được niêm yết, mục đích là muốn từng bước hình thành nên tính trung thực của giới trẻ; rồi mở nhà thuốc, cà phê, siêu thị mini, tôi muốn kéo giãn thời gian sinh hoạt của người dân Cao Lãnh.

Tôi chỉ mong sau bốn năm, người Cao Lãnh sẽ đi ngủ lúc 9 giờ. Và thực tế, quán cà phê của tôi đã có những khách hàng như vậy. Có thể nó đang tiệm tiến đến những điểm mà mình không thấy được sự thay đổi, và có khi mình không nhìn thấy được chuyện đó, nhưng thế hệ sau sẽ nhìn thấy. Như vậy, muốn làm chuyện lớn thì phải bắt đầu từ việc rất nhỏ, cụ thể.

LỮ Ý NHI (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.