Mặc dù mới có kết quả bầu cử Vòng 1 Tổng thống Pháp với sự thắng thế của ông Francois Hollande, ứng cử viên Đảng Xã hội như trận động đất làm rung chuyển cả EU, nhất là Khu vực eurozones. Kết quả cuối cùng Vòng 2 mặc dù chưa ngã ngũ, nhưng có thể làm thay đổi, thậm chí đảo lộn tình hình kinh tế, chính trị EU.


Mặc dù kết quả Vòng 1 dường như đã được dự luận dự báo trước là chưa có ứng cử viên nào thắng tuyệt đối, nhưng ứng cử viên Đảng Xã hội Pháp, ông Francois Hollande giành 27,65% phiếu bầu, vượt lên trên đương kim Tổng thống Sarkozy, ứng cử viên Đảng Bảo thủ, người chỉ giành được 26,5% phiếu bầu đã làm dư luận xôn xao. Mặc dù vẫn còn Hiệp đấu thứ 2 vào ngày 6/5/2012, nhưng việc đương kim Tổng thống bất lợi ngay từ Vòng 1 là sự kiện chưa từng có trong lịch sử bầu cử Tổng thống Pháp. Pháp và Đức là hai nước trụ cột của eurozone, nên sự thất bại của ông Sarkozy ở Vòng 1 đã có ảnh hưởng rất lớn đối với tương lai của EU cũng như Khu vực eurozone mà dư luận ví như bị một trận động đất ở Châu Âu.

Ông Jean Francois Cope, Tổng thư ký “Liên minh vận động tranh cử” của Tổng thống Sarkozy kêu gọi những người ủng hộ Tổng thống hãy bình tĩnh và quyết tâm hơn nữa trong “Trận quyết đấu” ở Vòng 2. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé trấn an những cử tri ủng hộ Đương kim Tổng thống rằng “chưa biết mèo nào ăn mỉu nào”, kết quả chưa phân thắng bại, nên không thể nản chí.


Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng sự bất lợi của ông Sarkozy ngay ở Vòng 1 được coi như một “thất bại thảm hại”, mặc dù Vòng 1 có một số cử tri không đi bỏ phiếu mà chờ tới Vòng 2, nhưng số cử tri đi bầu Vòng 1 chiếm tới 80%, một tỉ lệ rất cao, vì vậy ông Francois Hollande có ưu thế rất lớn trong Vòng 2. Một số ứng cử viên khác như ứng cử viên cánh tả Jean Luc Mélenchon tuyên bố nếu bản thân bị loại thì sẽ vận động cử tri bỏ phiếu cho ông Francois Hollande.


Sự thắng thế của ông Francois Holland phản ánh cuộc cạnh tranh về đường lối. Bởi vì cử tri Pháp cho rằng đường lối của ông Sarkozy trong thời gian cầm quyền là sai lầm và không thực hiện cam kết khi ông tranh cử. Nước Pháp trong suốt thời gian ông Sarkozy nắm quyền không vượt lên được và bị nước Đức bỏ rơi lại phía sau. Chính vì vậy, trong thời gian vận động tranh cử, tuy ông Francois Hollande không đưa ra được chính sách mới nào có sức thuyết phục, mà chỉ tập trung vào phê phán những đường lôi sai lầm của ông Sarkozy cũng đã giành được nhiều phiếu bàu hơn. Ông Francois Hollande nói nếu được bầu làm Tổng thống, ông sẽ làm cho nước Pháp có sức sống mới và điều chỉnh lại những chính sách đối với EU. Ông nói sẽ sửa lại chính sách khắc khổ hiện nay và thúc đẩy kinh tế Pháp tăng trưởng. Ông cũng cam kết sẽ bãi bỏ những thỏa thuận về chính sách tài chính mới đối với EU do ông Sarkozy ký với Thủ tướng Đức Merkel, đồng thời yêu cầu các nước đang rơi vào khủng hoảng phải thực hiện nhiều biện pháp kích thích kinh tế tăng trưởng hơn nữa.


Zeoney, Trưởng ban kinh tế Ngân hàng cho vay Thụy Sĩ nói kết quả bầu cử Vòng 1 ở Pháp chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn định đối với toàn Châu Âu và sẽ tạo thành một sức ép lớn đối với các nước đang rơi vào khủng hoảng. Ông cho rằng sau Pháp, các nước Hy Lạp, Đức, Italia, Ireland cũng sẽ lần lượt tiến hành tổng tuyển cử. Kết quả bầu cử ở Pháp cho thấy các chính đảng ủng hộ phương án cứu nguy Châu Âu hiện nay đều không được lòng cử tri và dân chúng. Vì vậy “Bức tường phòng cháy” trở nên mong manh, các biện pháp chính sách cứu EU đang bị lung lay, một Châu Âu và Khu vực eurozone đang có nguy cơ tan rã.


Tờ “Miror” (Tấm gương) của Đức ngày 23/4/2012 viết: Nếu ông Hollande thắng cử Vòng 2 thì nước Đức sẽ bị nước Pháp bỏ rơi. Thời gian qua sở dĩ EU còn cứu giúp được cuộc khủng hoảng Châu Âu, không để Khu vực eurozone tan vỡ là do quan hệ Đức-Pháp gắn bó chặt chẽ, nhất là quan hệ giữa ông Sarkozy và bà Merkel. Bởi vậy, đối với bà Merkel thì kết quả bầu cử Tổng thống Pháp Vòng 2 này còn quan trọng hơn cả kết quả bầu cử ở các bang ở Đức đối với vận mệnh chính trị của bà.


Giáo sư Ulrich Hege, thuộc Trường đại học Dilburg (Hà Lan) cho rằng nếu ông Holland thắng cử thì Đức mất đi một đồng minh quan trọng, một nước nòng cốt của Khu vực eurozone. Rõ ràng sức đề kháng của Khu vực eurozone giảm đi đáng kể và một tương lai u ám bao trùm.


Ai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Vòng 2 ở Pháp vào ngày 6/5/2012 chưa rõ, nhưng sự thắng thế của ông Hollande đã tạo ưu thế cho Đảng xã hội trở lại Điện Elysée kể từ năm 1988 khi Tổng thống Mitterand giành thắng lợi. Khi đó tình hình Châu Âu cũng như Khu vực eurozone thực khó lường.

Theo Tầm Nhìn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.