Đứng đầu trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc sở hữu khối tài sản 61,7 USD. Trong khi đó, Jack Ma – người từng đứng đầu đã có sự thay đổi bất ngờ về vị trí xếp hạng.

Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan)

Tổng tài sản: 61,7 tỉ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Thực phẩm và nước giải khát

Với tổng tài sản 61,7 tỉ USD, Chung Thiểm Thiểm hiện là người giàu nhất Trung Quốc và xếp thứ 22 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới theo Bloomberg.

Chung Thiểm Thiểm sinh năm 1954 ở Hàng Châu, Trung Quốc. Khi đang học lớp 5, ông phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Vì thế, ông nhận đủ mọi công việc từ thợ mộc, công nhân xây dựng, nông dân trồng nấm cho tới nhân viên giao đồ uống tận nhà.

Dù vậy ông vẫn khao khát trở lại trường, ông từng thi đại học hai lần, nhưng đều trượt do thiếu điểm. Cuối cùng, ông đỗ vào một trường đại học và trở thành phóng viên sau khi tốt nghiệp.

Được tiếp xúc nhiều với doanh nhân trong 5 năm làm việc tại Nhật Báo Chiết Giang đã giúp ông nuôi mộng “làm giàu”. Ban đầu, ông dự định sẽ thành lập một tờ báo tư nhân, nhưng không được phép. Sau đó, ông quyết định khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm nhưng thất bại. Ông tiếp tục thử sức với một số công việc kinh doanh khác như mở cửa hàng bán rèm, nuôi tôm…

Đến năm 1993, ông mở một công ty dược phẩm có tên là Yangshengtang. Thời điểm đó là thời kỳ hoàng kim của các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc.

Sau khi có những thành công vững chắc trong các thương hiệu phương Tây như Evian, Ba Lan Spring và Crystal Geyser, đến năm 1996, ông Chung thành lập công ty nước uống đóng chai Nongfu Spring (tạm dịch là Mùa xuân của nông dân).

Với nguồn nước lấy từ Hồ Vạn đảo ở Chiết Giang, Nongfu là một trong những công ty sản xuất nước đóng chai quy mô lớn đầu tiên được thành lập ở Trung Quốc. Sản phẩm của Nongfu nhanh chóng được công chúng đón nhận do một phần từ tâm lý sợ nước bẩn.

Doanh thu năm 2019 của công ty này đạt 24 tỉ NDT (3,5 tỉ USD). Ngoài nước đóng chai, trà, công ty này cũng bắt đầu mở rộng ra các phân khúc khác như sản xuất cà phê, sữa chua và gạo.

Bước ngoặt của Nongfu phải kể đến đợt phát hành cổ phiếu lần đầu tiên (IPO) trên sàn chứng khoán Hong Kong. Chỉ một ngày sau, khối tài sản của ông Chung đã tăng lên 59 tỉ USD.

Bên cạnh Nongfu, ông Chung còn là chủ tịch công ty dược phẩm có tên Wantai. Công ty này niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải hồi tháng 4/2020 với giá 2 USD/cp. Hiện tại, con số này đã tăng lên 40 USD, tăng trưởng 2.000% trong chưa đầy một năm.

Ban đầu, Wantai chỉ tập trung vào các công cụ chẩn đoán bệnh viêm gan, nhưng khi đại dịch bùng phát, công ty đã lấn sang sản xuất các bộ kít xét nghiệm và đạt được một số thành công nhất định.

Giá trị vốn hóa thị trường của Wantai là 18 tỉ USD và Chung nắm giữ 75% cổ phần của công ty.

Trương Nhất Minh (Zhang Yiming)

Tổng tài sản: 42,3 tỉ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Công nghệ truyền thông

Trương Nhất Minh hiện xếp thứ 29 trên bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của Bloomberg và là người giàu thứ 2 Trung Quốc.

Trương Nhất Minh sinh năm 1983, tại tỉnh Phúc Kiến và tốt nghiệp Đại học Nankai năm 2005. Tại đây, anh học vi điện tử trước khi chuyển sang chuyên ngành kỹ thuật phần mềm.

Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại một công ty mới khởi nghiệp. Ban đầu anh chỉ là một kỹ sư bình thường, sau đó trở thành người dẫn đầu phụ trách gần 50 nhân viên.

Năm 2009, Nhất Minh bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên của mình với việc tạo ra một trang web tìm kiếm bất động sản có tên là 99fang.com. Tuy nhiên, anh đã từ bỏ sau 3 năm xây dựng.

Năm 2012, anh thành lập ByteDance với sản phẩm đầu tay là ứng dụng đọc báo Toutiao. Trong hai năm, ứng dụng này đã thu hút hơn 13 triệu lượt người dùng hàng ngày.

Đến tháng 9/2015, ByteDance ra mắt ứng dụng chia sẻ video TikTok (hay Douyin ở Trung Quốc) với một lượng người dùng nhỏ. Sản phẩm này đã nhanh chóng hấp dẫn thế hệ Gen Z và trở nên phổ biến trên toàn thế giới trong những năm tiếp theo.

Sau đó, ByteDance đã mua Musical.ly, một dịch vụ truyền thông mạng xã hội của Trung Quốc với giá 800 triệu USD và tích hợp nó vào TikTok. Chỉ trong một thời gian ngắn ra mắt, TikTok đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, theo Bloomberg Trương Nhất Minh đã từ chức ByteDance vào tháng 11/2021, nhưng vẫn tham gia xây dựng chiến lược dài hạn cho công ty cũng như TikTok.

Mã Hóa Đằng (Ma Huateng)

Tổng tài sản: 38,6 tỉ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Công nghệ

Mã Hóa Đằng hay còn gọi là Pony Ma hiện là người giàu thứ ba Trung Quốc và đứng thứ 32 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới.

Ông sinh năm 1971 tại Quảng Đông. Thời niên thiếu, gia đình Pony Ma từng chuyển chỗ ở nhiều lần do bố phải đi khắp nơi để mưu sinh. Sau này, gia đình ông an cư tại Thâm Quyến.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến với ngành khoa học máy tính, ông tìm được công việc phát triển phần mềm cho máy nhắn tin. Công việc này mang lại khoản thu nhập 176 USD/tháng, đồng thời giúp ông tiếp cận với máy tính và internet ở thời điểm chỉ 1% dân số Trung Quốc biết đến những công nghệ này.

Năm 1998, với số vốn 120 nghìn USD kiếm được từ chứng khoán, Pony cùng ba người bạn thành lập Tencent và tạo ra một dịch vụ giống như dịch vụ chat AOL Instant Messenger, đặt tên là OICQ, sau đổi tên thành QQ, kết nối trên máy tính để bàn và điện thoại di động của người dùng.

Trong vòng một năm đầu, Tencent cho phép người dùng tải xuống miễn phí, đồng thời chỉ kiếm tiền thông qua quảng cáo và phí hàng tháng với người dùng cao cấp. Điều này ngay lập tức thu hút hàng triệu khách hàng trẻ tuổi nhưng cũng để lộ ra "lỗ hổng".

Hệ thống máy chủ của công ty không đủ lớn để cung cấp không gian hoạt động cho ứng dụng. Pony Ma đã định bán lại ứng dụng này chỉ với giá 42 nghìn USD nhưng không có thỏa thuận nào đi đến hồi kết.

Đến năm 2001, công ty đã huy động được hơn 32 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Có vốn Ma phát triển thêm nhiều dịch vụ khác, từ việc cho phép người dùng thanh toán một số dịch vụ thông qua ứng dụng, đến cho phép người dùng VIP điều chỉnh dịch vụ đi kèm.

Năm 2004, QQ trở thành ứng dụng nổi bật nhất Trung Quốc với khoảng 335 triệu người dùng, chiếm 74% thị trường. Cùng năm đó, cổ phiếu của Tencent chính thức được niêm yết thành công tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Với giá chào bán trên mỗi cổ phiếu ở mức 3,7 USD/cp, số tiền Tencent thu được vào khoảng 180 triệu USD.

Đến thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, mảng PC có dấu hiệu chững lại và di động nổi lên, Ma cho ra mắt ứng dụng Wechat dành riêng cho thiết bị di động dưới dạng một thực thể riêng biệt với QQ. Kể từ đó, ứng dụng này được mệnh danh là "ứng dụng thống trị tất cả".

Từ việc bán 42 nghìn USD không ai mua, năm 2017, Tencent đã trở thành công ty công nghệ châu Á đầu tiên được định giá hơn 500 tỉ USD và là công ty đại chúng có giá trị nhất châu Á thời điểm đó.

Robin Zeng

Tổng tài sản: 35,8 tỉ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Sản xuất pin xe điện

Robin Zeng là nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO công ty và là người giàu thứ tư ở Trung Quốc, 35 trên thế giới.

Robin Zeng từ công việc kỹ sư tại một hãng linh kiện điện tử, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với việc thành lập nhà máy sản xuất pin điện có tên Amperex Technology Limited (ATL) vào năm 1999. Công ty chuyên sản xuất các loại pin sạc cho đồ điện tử tiêu dùng như điện thoại, laptop và được cho là cung cấp pin cho iPod, iPad và Macbook của Apple.

Zeng thành lập CATL vào năm 2011, là công ty con của ATL để tập trung vào sản xuất pin xe điện ôtô. Một năm sau đó, công ty này đã ký được hợp đồng cung cấp pin cho BMW.

Theo hãng tư vấn Adamas Intelligence, CATL cung cấp 13% tổng lượng pin xe điện cho xe điện trên toàn cầu.Năm 2020, con số này là 20%, chỉ sau LG Energy Solutions với 28%. Tại Trung Quốc, CATL chiếm 46% thị phần, tăng gần gấp đôi từ 26% của năm 2018, theo Adamas Intelligence. Năm ngoái, công ty này đạt doanh thu 7,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước, còn lợi nhuận tăng 22% lên gần 860 triệu USD.

Jack Ma

Tổng tài sản: 33,5 tỉ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Công nghệ

Từng là người giàu nhất Trung Quốc, hiện Jack Ma đang đứng ở vị trí thứ 5 và xếp hạng thứ 38 trên thế giới.

Sinh năm 1964 trong một gia đình nghèo tại Hàng Châu, Jack Ma sau hai lần thi trượt đã đậu học Đại học Hàng Châu và khởi đầu với công việc dạy tiếng Anh, trước khi tham gia phát triển internet và website vào giữa thập niên 1990.

Theo trang Investors Observer, ông chính thức nghỉ việc là thành lập Alibaba vào năm 1999 sau thời gian ngắn làm việc tại Bộ Ngoại thương và Hợp tác kinh tế Trung Quốc.

Vào tháng 9/2014, Alibaba huy động được hơn 25 tỉ USD khi bắt đầu giao dịch trên Sàn Chứng khoán New York, giúp tài sản ròng của Jack Ma đạt gần 22 tỉ và trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Đến tháng 10/2015, tỉ phú Jack Ma trở thành cố vấn cho Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron.

Hai tháng sau đó, ông mua lại tờ báo South China Morning Post, vực dậy tờ báo nổi tiếng này trong thời điểm khó khăn. Ông còn mua thêm nhiều tài sản phương tiện truyền thông khác.

Ngày nay, Alibaba có 9 công ty lớn trực thuộc, cung cấp thêm nhiều dịch vụ khác, trong đó có các trang thương mại, dịch vụ thanh toán điện tử, cỗ máy tìm kiếm mua sắm và điện toán đám mây.

Dù không còn vị trí chính thức ở Alibaba, tài sản ròng của ông Jack Ma từng tăng lên hơn 37 tỉ USD ở thời điểm tháng 3/2022.

Bảo Minh (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.