Không tìm hiểu về công ty, ngoại hình chưa bắt mắt, đưa ra mức lương thiếu thực tế... là những lý do ứng viên giỏi vẫn trượt phỏng vấn.

Trao đổi về những lý do ứng viên giỏi vẫn không được tuyển dụng, Trưởng phòng Nhân sự Công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink cho rằng năng lực tốt chỉ là điều kiện cần, muốn chinh phục nhà tuyển dụng còn phải hội tụ một số điều kiện đủ. Dưới đây là những lý do bạn không được chấp nhận:

Không chăm chút ngoại hình

Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, đó là lý do tại sao bạn cần chuẩn bị trang phục phù hợp và chuyên nghiệp. Mặt khác, không chăm chút ngoại hình đồng nghĩa bạn chưa chuẩn bị tốt cho cuộc phỏng vấn và thiếu nhiệt tình với công việc ứng tuyển.

Hãy chắc chắn tóc của bạn được chải gọn gàng, quần áo sạch sẽ, không nhăn nhúm, không có mùi khó chịu và trông bạn thật hợp mắt.

Ngoại hình bắt mắt là một trong những điểm cộng của ứng viên tuyển dụng.

Chưa làm theo hướng dẫn

Nếu một công ty yêu cầu bạn mang theo danh sách các tài liệu tham khảo, bản sao hồ sơ hoặc các vật mẫu... họ đều có lý do riêng. Trong trường hợp bạn không thể làm theo hướng dẫn hoặc đưa ra lý do vòng vo, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn không thể thực hiện công việc một cách nghiêm túc nếu trúng tuyển.

Không tìm hiểu về công ty

Các nhà tuyển dụng luôn mong muốn tìm ứng viên có sự tìm hiểu về lĩnh vực kinh doanh của họ, cũng như những thách thức trong ngành nghề và nhất là cách mà ứng viên có thể đóng góp vào sự thành công của công ty.

Vì vậy, nếu câu hỏi đầu tiên của bạn đưa ra cho người phỏng vấn là "Công ty này làm gì?", bạn chắc chắn sẽ không bao giờ nhận được thông tin liên lạc từ họ.

Chia sẻ quá nhiều thông tin

Một cuộc phỏng vấn xin việc không phải là nơi thích hợp để chia sẻ về các vấn đề cá nhân. Hãy giữ câu trả lời của bạn ngắn gọn, đúng trọng tâm và cố gắng để không giải thích lòng vòng hoặc đi vào những chi tiết không cần thiết.

Thái độ không đúng mực

Cho dù bạn và công ty cũ từng có những mâu thuẫn hay va chạm không mấy tốt đẹp cũng đừng mang đi nói xấu với công ty mới. Điều này vô tình khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn thiếu thiện cảm với ứng viên.

Họ cho rằng sau này nếu có lỡ làm phật ý bạn thì cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngoài ra phàn nàn về tính cách của sếp cũ, phán xét về một người đồng nghiệp nào đó trong quá khứ cũng làm bạn bị mất điểm.

Trong quá trình tuyển dụng, bạn nên tập trung vào hiện tại, không nên nói xấu công ty cũ.

Đưa ra mức lương không thực tế

Nhiều bạn trẻ ra trường với tấm bằng loại xuất sắc trong tay, có năng lực tốt nên cho rằng bản thân có quyền đòi hỏi mức lương cao. Thực tế, ở mỗi vị trí nhà tuyển dụng đã định mức khoảng lương cần chi cho nhân viên.

Bạn vừa tốt nghiệp thì không thể nhận mức thù lao bằng với một chuyên viên đã có kinh nghiệm 3-5 năm. Vậy nên khi đàm phán lương hãy nhìn vào thực tế, thương lượng hợp lý, tránh vượt quá giới hạn để tuột mất cơ hội phát triển bản thân.

Ứng xử đơn điệu

Để nhận được lời mời làm việc, bạn phải nổi bật giữa đám đông. Bạn có thể làm điều này bằng cách xây dựng một mối quan hệ thực sự với nhà tuyển dụng - lắng nghe những gì họ nói và giải thích lý do tại sao bạn phù hợp với tổ chức.

Ngoài ra, để người phỏng vấn biết bạn đang lắng nghe họ và quan tâm đến công việc, hãy đề cập đến một điều gì đó bạn và họ đã thảo luận cụ thể khi phỏng vấn trong email cảm ơn được gửi sau đó.

Tiến Huy (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.