Do Covid-19, một số doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam ngưng tuyển dụng trong quý I nhưng hiện họ đã tuyển trở lại các vị trí quản lý cấp trung.

Báo cáo vừa công bố của Navigos Group về một năm sau tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam quý I/2021 cho thấy vẫn có hiện tượng "đóng băng" tuyển dụng tại một số doanh nghiệp và tập trung vào việc phát triển đội ngũ nhân sự hiện tại.

Họ cũng rất hạn chế việc đóng cửa nhà máy, văn phòng làm việc. Thay vào đó, các doanh nghiệp này chọn các biện pháp như giảm lương, cho phép nhân viên làm việc luân phiên... Việc tái cơ cấu lại tổ chức cũng khiến các doanh nghiệp Nhật có cơ hội giữ lại những nhân sự phù hợp và gắn bó nhất. Trong quá trình này, họ chủ yếu giảm công nhân và nhân viên phổ thông, rất hiếm cắt người bộ phận văn phòng, quản lý.

Công nhân xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid-19 tại TP HCM hôm 19/6. Ảnh: Hữu Khoa.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Nhật đã bắt đầu có nhu cầu tuyển dụng trở lại đối với các vị trí quản lý cấp trung, chủ yếu là các vị trí giám sát, phó trưởng phòng... "Một năm sau Covid,-19, hầu hết doanh nghiệp Nhật đã kịp thích ứng với tình hình và bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi. Hoạt động tuyển dụng đã bắt đầu khởi sắc trong quý II", ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group, nhận định.

Hiện các doanh nghiệp Nhật thường ưa tuyển các ứng viên đã từng làm ở doanh nghiệp nước này, những ứng viên vốn đã quen với văn hóa, môi trường làm việc của Nhật Bản. Tuy nhiên, để các ứng viên có thể chuyển ngang sang các doanh nghiệp Nhật khác, họ sẽ cần phải đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng cao hơn từ phía nhà tuyển dụng, cả về ngoại ngữ, kinh nghiệm và chuyên môn...

Navigos Search đánh giá, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn là sự lựa chọn hấp dẫn đối với các ứng viên người Việt nhờ ưu thế về sự ổn định về hoạt động cũng như cách làm việc luôn có tổ chức và có các kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn nhiều biến đổi và "bình thường mới".

Theo ghi nhận của VnExpress, kỳ vọng dài hạn cho thị trường việc làm tại các doanh nghiệp Nhật về cơ bản vẫn tích cực. Quý I, Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Đáng chú ý, vốn đầu tư mới chiếm đến 70,8%.

Trong cuộc gặp của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hôm 10/5, Đại sứ cho biết đã có 37 trong tổng số 81 doanh nghiệp tham gia gói hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản đã chọn Việt Nam là địa điểm thực hiện dự án.

Ngoài ra, dù đại dịch còn phức tạp, Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Hôm 19/6, TP HCM đã triển khai đợt tiêm chủng đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và công viên phần mềm của thành phố.

Về nguồn cung, theo quan sát của Navigos Search, hiện đã xuất hiện tình trạng dư thừa ứng viên cho các doanh nghiệp Nhật. Tuy nhiên, một trong những thay đổi lớn nhất trong tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật là bên cạnh việc thành thạo tiếng Nhật, nhà tuyển dụng yêu cầu các ứng viên phải biết thêm một ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Trung hoặc tiếng Hàn.

"Nguyên nhân dẫn đến yêu cầu ngoại ngữ này là do các doanh nghiệp Nhật mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác hoặc xuất khẩu hàng hóa sang doanh nghiệp của các nước khác đang hoạt động tại Việt Nam", báo cáo viết.

Ngoài ra, môi trường chuyên nghiệp và đào tạo bài bản cũng là một điểm thu hút với ứng viên. Và hiếm khi sa thải nhân viên cũng là một điểm cộng.

Navigos Search khuyến nghị, lao động có nhu cầu ứng tuyển vào công ty Nhật Bản nên trang bị thêm kỹ năng ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn. Đồng thời, các ứng viên cần trau dồi và thể hiện được các kỹ năng khác như giao tiếp, đàm phán, thể hiện bản thân và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Viễn Thông (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.