Vận dụng một cách khôn ngoan lời khuyên tài chính từ các tỷ phú tự thân là cách giúp bạn đạt được thành công về tài chính.

Nữ tỷ phú Sara Blakely, người sáng lập Spanx

Trong số 585 tỷ phú Mỹ, có khoảng 360 người là tỷ phú tự thân. Điểm chung của các tỷ phú tự thân này là chăm chỉ, có ý chí, kiên trì và có ý tưởng ở đúng nơi, đúng thời điểm.

Chúng ta đều muốn biết bí quyết để thành công của họ, hay ít nhất là lời khuyên về quản lý tài chính từ họ.

Dưới đây là một số lời khuyên tốt nhất được đưa ra bởi các tỷ phú tự thân.

1. Chris Sacca - Hãy là một kẻ hà tiện.

Chris Sacca được biết đến là một nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ với biệt danh Midas, khi ông "đụng vào cái gì là cái đó biến thành vàng".

Ông là người đã sớm có những khoản đầu tư vào Twitter, Uber, Instagram và Kickstarter ngay từ những ngày đầu. Những vụ "đặt cược" khôn ngoan này đã mang về cho ông lợi nhuận lớn và đưa ông lên vị thế tỷ phú.

Lời khuyên tốt nhất mà Sacca đưa ra cho những người trẻ tuổi đang hy vọng xây dựng được một danh mục đầu tư sinh lời là: Đừng tiêu tiền của bạn! Thay vào đó, nên tích cóp từng đồng bạc lẻ và tập trung vào những ưu tiên để có thể đi đường dài.

“Trở thành một kẻ hà tiện bây giờ đồng nghĩa với việc bạn sẽ đạt được tự chủ v à có nhiều sự lựa chọn hơn sau này", Sacca cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ USA Today.

Ông đã quan sát thấy rằng, mọi người thường xuyên cho phép bản thân nợ chồng chất khi chi tiêu quá nhiều cho việc mua những thứ theo ý muốn.

Nếu bạn có thể học được cách sống đơn giản, bạn sẽ có tiền để dự phòng và điều đó sẽ cho phép bạn có nhiều lựa chọn hơn để bắt đầu các dự án mới hoặc khởi động một doanh nghiệp.

Đối với các doanh nhân trẻ muốn đi theo con đường mà mình đã đi, Sacca cảnh báo rằng đó không phải là một con đường dễ dàng. Mỗi doanh nhân phải có con đường riêng của mình để đạt được thành công.

"Không có con đường trải hoa hồng nào để đạt được vị trí như tôi và cũng không có công thức chung nào để nhân rộng. Nhưng không phải không có ngoại lệ, tất cả những người tôi từng gặp là người thực tế, táo bạo, biết đồng cảm, bền bỉ và sẵn sàng yêu cầu sự giúp đỡ để tiếp tục đạt được hạnh phúc và sự mãn nguyện", ông nói.

2. Reid Hoffman - Có "xuồng cứu sinh".

Reid Hoffman thường được gọi là "nhà hiền triết" của Thung lũng Silicon vì thành tích đáng nể trong việc gây dựng nên nhiều công ty cũng như rất thành công trong vai trò một nhà đầu tư vốn.

Reid Hoffman là người đồng sáng lập LinkedIn và trang web hẹn hò SocialNet, đồng thời là Giám đốc điều hành của PayPal. Ông thậm chí còn làm việc cho eWorld của Apple Computer, một thử nghiệm ban đầu nhằm tạo ra một mạng xã hội.

Hoffman cũng đang đào tạo các doanh nhân về cách lập kế hoạch nghề nghiệp và đối mặt với rủi ro. Ông gọi đây là kế hoạch ABZ. Bạn có một kế hoạch A - đó là kế hoạch hiện tại của bạn - về việc lập một doanh nghiệp hoặc công việc bạn đang làm. Đây là kế hoạch giúp bạn khẳng định bản thân với thế giới.

Sau đó, bạn có một kế hoạch B - kế hoạch dự phòng của bạn; đó là những gì bạn sẽ làm nếu bạn rời khỏi kế hoạch A. Kế hoạch B của bạn nên linh hoạt. Bạn nên sẵn sàng theo đuổi nhiều cơ hội hoặc có nhiều kế hoạch dự phòng nếu kế hoạch A bất thành.

Nhưng có một kế hoạch B là chưa đủ. Bạn cũng cần có một kế hoạch Z - kế hoạch rút lui an toàn để nếu mọi thứ không ổn, bạn sẽ không bị sụp đổ hoàn toàn. Đây cũng là những gì mà Hoffman gọi là "xuồng cứu sinh".

Có một chiếc "xuồng cứu sinh" rất quan trọng, bởi vì nếu thất bại bạn vẫn không phá sản hoàn toàn hay trở thành kẻ vô gia cư mà vẫn còn cơ hội để bắt đầu lại.

Ví dụ, khi Hoffman chuẩn bị ra mắt SocialNet, ông đã hỏi cha mình rằng ông có thể sống với cha mình không nếu công ty không thành công. Nếu điều đó xảy ra, Hoffman đã lên kế hoạch tìm một công việc khác và tìm cách thoát khỏi nợ nần, nhưng rõ ràng ông ấy biết rằng mình vẫn có một nơi để trở về.

3. Warren Buffet - Sống đơn giản và đầu tư vào bản thân.

Được biết đến như là "nhà hiền triết" của xứ Wales, Warren Buffett nổi tiếng với lối sống giản dị (mặc dù sở hữu khối tài sản khoảng 86,5 tỷ USD). CEO của Berkshire Hathaway có những sở thích đơn giản, sống đạm bạc nhưng lại thích làm một nhà từ thiện hào phóng.

Buffet vẫn sống trong ngôi nhà mà ông đã mua vào năm 1957 với giá 31.500 USD. Ông cũng hiếm khi mua xe mới. Ông thường mua một bữa sáng rẻ tiền từ McDonald's trên đường đi làm.

Nhưng có một số thứ ông cho rằng rất đáng để đầu tư. Và đứng đầu danh sách đó nên là chính bản thân mình, ông tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Forbes.

Dù điểm yếu của bạn là gì, hãy thực hiện các bước để giải quyết chúng và khắc phục những nhược điểm có thể cản trở bạn. Đối với Buffett, điểm yếu đó là nói trước công chúng.

Khi còn trẻ, ông từng tham gia khóa học Dale Carnegie để có được sự tự tin, và nó cũng đã tiếp động lực để ông cầu hôn vợ mình - bà Susan.

"Không ai có thể lấy đi những gì thuộc về con người bạn và mọi người đều có tiềm năng mà họ chưa sử dụng hết. Nếu bạn có thể tăng tiềm năng thêm 10%, 20% hoặc 30% bằng cách cải thiện tài năng của bạn, họ sẽ không thể đánh thuế nó. Lạm phát cũng không thể tước nó từ bạn. Bạn có thể dùng nó suốt phần đời còn lại của bạn", ông nói.

Ngoài đầu tư cho bản thân, ông cũng nỗ lực để thể hiện tình yêu của mình với bạn bè và gia đình, nhưng không thể hiện một cách thái quá.

Thay vào đó, ông sử dụng những cách quan tâm nho nhỏ như là gửi thư thăm hỏi, gửi thiệp chúc mừng hay đơn giản là tự lái xe đến sân bay để đón một người bạn...

4. John Paul DeJoria - Luôn có quỹ khẩn cấp.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với tỷ phú tự thân John Paul DeJoria, nhưng chính những trải nghiệm đã dạy cho ông những bài học quý giá.

Sinh ra trong một gia đình nhập cư nghèo, ông bắt đầu làm việc từ khi 9 tuổi, từ bán thiệp chúc mừng cho đến giao báo để kiếm tiền giúp gia đình. Khi trưởng thành, ông đã nhiều lần thành người vô gia cư, kể cả sau khi mới ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc tóc với người bạn Paul Mitchell.

Sau bao vất vả cuối cùng doanh số bán các sản phẩm chăm sóc tóc John Paul Mitchell đã tăng vọt. Và ông tiếp tục bắt tay xây dựng các dự án mạo hiểm khác, bao gồm thành lập Công ty Patrón Spirits, nhưng vài năm đầu việc kinh doanh của ông gặp không ít khó khăn.

DeJoria cho biết doanh nghiệp non trẻ của ông liên tục phải lo thanh toán các hóa đơn. Cuối cùng sau hai năm, cả hai nhà sáng lập cũng thoát khỏi tình trạng khó khăn và có thể thanh toán hóa đơn đúng hạn.

Lời khuyên của DeJoria cho các doanh nhân trẻ là hãy đảm bảo bạn có một khoản tiền mặt trước khi khởi nghiệp. "Trước khi đầu tư hoặc thành lập công ty, hãy đảm bảo bạn có đủ tiền tiết kiệm để thanh toán hóa đơn trong ít nhất sáu tháng hoặc có một nguồn tài sản khác có thể bán lấy tiền khi cần", DeJoria cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider.

5. Sara Blakely - Đừng bỏ công việc hàng ngày của bạn.

Sara Blakely, người sáng lập Spanx, là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất từng được đưa vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes. Cô đã nảy ra ý tưởng cho Spanx khi mới 27 tuổi và sử dụng toàn bộ 5.000 USD tiền tiết kiệm để đưa doanh nghiệp cất cánh.

Nhưng khởi đầu không hề dễ dàng, và cô đã rơi vào nhiều ngõ cụt khi cố gắng thuyết phục các nhà máy sản xuất hàng dệt may sản xuất theo một nguyên mẫu.

Dù vậy, cô vẫn kiên trì, cho đến cuối cùng, một chủ nhà máy đã đồng ý giúp. Blakely vẫn tiếp tục đi làm công việc hàng ngày và xem việc kinh doanh Spanx như một công việc phụ cho đến khi cô chắc chắn rằng nó có thể sinh lời.

Blakely cũng tiết kiệm tối đa chi tiêu và tránh phát sinh bất kỳ khoản nợ nào khi cô khởi động công việc kinh doanh. Cô đã viết bằng sáng chế của riêng mình bằng cách sử dụng sách giáo khoa và thiết kế bao bì sản phẩm với sự giúp đỡ của bạn bè.

Cô không bao giờ chấp nhận bất kỳ khoản tiền nào từ các nhà đầu tư bên ngoài và đó là lý do đến giờ cô vẫn tiếp tục sở hữu 100% cổ phần công ty và cũng không có nợ nần.

6. Dustin Moskovitz - Hiểu rằng kinh doanh là một con đường rủi ro rất cao.

Dustin Moskovitz trở thành một trong những tỷ phú trẻ nhất thế giới với tư cách là người đồng sáng lập Facebook. Anh đã giúp bạn cùng phòng lúc đó là Mark Zuckerberg ra mắt mạng xã hội từ chính phòng ký túc xá đại học.

Anh cũng là người sáng lập Asana, một công cụ giúp các doanh nghiệp quản lý các dự án. Mặc dù đạt được thành công khi còn rất trẻ, Moskovitz cảnh báo những người khác rằng trở thành một doanh nhân không phải lúc nào cũng là con đường dẫn đến danh tiếng và sự giàu có.

Kinh doanh là một con đường rủi ro cao và tỷ lệ trở thành tỷ phú, hoặc thậm chí là triệu phú là vô cùng thấp. Chỉ một số ít công ty có thể phát triển đến quy mô như vậy, Moskovitz chia sẻ trong buổi thuyết trình trước các sinh viên kinh tế trường Đại học Stanford.

Các doanh nhân thường phải làm việc nhiều giờ, mệt mỏi và thậm chí chán nản. Theo Moskovitz, có một con đường nhanh hơn dẫn đến sự giàu có là gia nhập vào một công ty đã đi vào guồng và giúp họ phát triển nó. Bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để nhận được mức lương cao và đạt được sự ổn định tài chính.

Moskovitz cũng được biết đến với lối sống đơn giản và các hoạt động từ thiện của mình thông qua Good Ventures. Khi trả lời một câu hỏi trên Quora, anh viết: "Tôi chưa bao giờ xem tiền là 'tiền của mình'. Tôi chỉ luôn xem đó là 'tiền'.

Đó là một nguồn tài nguyên. Nếu nó 'bơi' xung quanh tôi thì nó cần phải được đưa trở lại hệ thống".

Kiều Châu (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.